Em bé được bố mẹ áp dụng phương pháp chậm cắt dây rốn, nằm bình yên mút ngón tay cực đáng yêu.
Nếu như trước kia, sau khi em bé đi ra khỏi bụng mẹ sẽ được các bác sĩ cắt ngay dây rốn – cầu nối dinh dưỡng, oxy giữa mẹ và bé khi nằm trong tử cung, thì ngày nay các chuyên gia khuyến khích các cơ sở y tế và bố mẹ nên áp dụng phương pháp chậm cắt dây rốn, ít nhất từ 30-60 giây, thậm chí 1-2 phút để trẻ được hưởng những lợi ích ưu việt nhất sau khi lọt lòng.
Mới đây, trên trang facebook có tên The Intact Birth (phương pháp sinh đẻ giữ nguyên nhau thai) đã đăng tải đoạn video ngắn ghi lại khoảnh khắc vô cùng đáng yêu của em bé sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đang nằm mút ngón tay, đôi mắt nhắm nghiền như đang hưởng thụ giây phút bình yên nhất. Điều đáng nói hơn cả, dù đã lọt lòng mẹ nhưng em bé chưa được cắt dây rốn và dây rốn uốn hình trái tim này vẫn được gắn liền với nhau thai, để bé được hưởng những lợi ích tuyệt vời nhất.
Video bé sơ sinh nằm mút ngón tay bên dây rốn và nhau thai
Đoạn video ngay sau khi đăng tải đã nhận về 3,1 triệu lượt xem, 44 nghìn like, 36 nghìn lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận.
Ngày nay các chuyên gia khuyến khích các cơ sở y tế và bố mẹ nên áp dụng phương pháp chậm cắt dây rốn, ít nhất từ 30-60 giây.
Đăng kèm đoạn video ngắn, The Intact Birth viết: “Hai giờ sau khi chào đời, em bé đã được mẹ ôm vào lòng, cho bú mẹ và chuẩn bị cho việc kiểm tra sức khỏe toàn diện. Dù đây là đứa con thứ 3 của gia đình nhưng bố của em bé vẫn hỏi bà nội về việc chậm cắt dây rốn trước khi để các nữ hộ sinh kiểm tra và đo cân nặng cho bé.
Phương pháp sinh nở giữ nguyên nhau thai (Intact (placenta) Birth) là phương pháp mà sau khi em bé ra đời không vội được cắt dây rốn và vẫn giữ nguyên nhau thai. Theo các chuyên gia, việc cắt dây rốn ngay lập tức không phù hợp với những nguyên tắc tuần hoàn sinh học tự nhiên của cả cơ thể mẹ và bé, thậm chí cắt ngay dây rốn còn có thể gây hại cho trẻ sơ sinh.
Việc cắt dây rốn chậm sẽ giúp máu từ nhau thai được khôi phục đến em bé và giúp tăng sự liên kết giữa mẹ và bé. Thậm chí, những nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra lý do quan trọng nhất nên hoãn cắt dây rốn bởi máu từ nhau thai và dây rốn chứa rất nhiều tế bào gốc.
Và mặc dù trước khi có những bằng chứng về tầm quan trọng của việc em bé sẽ nhận được nguồn máu từ nhau thai thì cũng không có bất cứ lý do gì để cắt phăng dây rốn ngay sau khi bé ra đời. Đây là điều trái với tự nhiên. Và ngay cả trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, việc giữ nguyên sự gắn kết của trẻ với nhau thai cho đến khi quá trình chuyển hóa trong nó kết thúc cũng là việc nên làm để em bé có thể nhận được những lợi ích tốt nhất".
Phương pháp chậm cắt dây rốn được cho là sẽ giúp trẻ nhận được nhiều máu từ nhau thai hơn sau khi chào đời.
Mới đây, Ủy ban ACOG về thực hành sản khoa (Mỹ) cũng đã khuyến cáo nên chờ ít nhất từ 30 đến 60 giây mới cắt dây rốn cho bé sau sinh. Lý do được đưa ra là bởi trong quá trình mang thai, em bé thở qua nhau thai, nhận chất lỏng giàu oxy (oxy từ không khí bên ngoài đi qua hệ tuần hoàn của mẹ, tiếp tục đi qua nhau thai và dây rốn để đến được với thai nhi). Trong quá trình sinh nở, phổi của em bé sẽ làm công việc chuyển đổi từ cơ chế dùng chất lỏng sang hít không khí thực. Vì vậy, việc cho em bé thêm chút thời gian khoảng 1 phút trước khi cắt dây rốn sẽ giúp bé điều chỉnh thay đổi này và đảm bảo rằng bé không bị cung cấp thiếu oxy cho hơi thở ban đầu.
Trước những năm 1960, khi sinh nở, các bác sĩ thường có thói quen đợi ít nhất 5 phút để cắt dây rốn, mặc dù không có lý giải rõ ràng tại sao phải lấy mốc thời gian này làm chuẩn.
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, những em bé sinh non sẽ nhận được lợi ích từ việc chậm cắt dây rốn là có thể kéo dài thời gian máu chảy qua dây rốn, để làm giảm nguy cơ truyền máu, thiếu máu và chảy máu trong não. Nhưng trẻ chào đời đủ ngày tháng cũng có thể nhận được những lợi ích nhất định như giảm nguy cơ thiếu sắt mà có thể dẫn đến chậm phát triển nhận thức. Trong thực tế, một nghiên cứu cho thấy rằng chờ 3 phút sau sinh rồi mới cắt dây rốn dẫn đến phát triển não sớm hơn.
Chậm cắt dây rốn đang được áp dụng tại nhiều cơ thể y tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Có một việc quan trọng khác là dù trì hoãn việc cắt dây rốn cho em bé thì không nên ngăn cản việc mẹ tiếp xúc với em bé ngay sau sinh. "Trong khi em bé được cảm nhận được sự ấm áp từ làn da mẹ thì chúng tôi sẽ thực hiện việc kẹp cắt dây rốn.", bác sỹ Tonse Raju, làm việc tại viện Y tế quốc gia nói trên Associated Press.
Tất nhiên, các bác sỹ sẽ không trì hoãn việc cắt dây rốn nếu em bé có vấn đề về thở hoặc cần chăm sóc khẩn cấp. Ngoài ra, những bố mẹ muốn giữ và lưu trữ máu cuống rốn của con để sử dụng cho những tình huống cần thiết sau này cần biết rằng cắt dây rốn chậm nghĩa là lượng máu trong cuống rốn sẽ ít hơn. Tuy nhiên, bố mẹ cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi làm việc này để đưa ra quyết định chính xác nhất.