Cao 89cm, nặng hơn 20kg và mang trong mình nhiều bệnh tật, không ai nghĩ một ngày chị Lục có thể trở thành mẹ.
Đối với một người phụ nữ khỏe mạnh, mang thai, sinh con vốn đã là một trải nghiệm kinh hoàng. Còn đối với một bà mẹ chỉ cao 89cm, nặng hơn 20kg và mang trong mình nhiều bệnh tật, để sinh được một đứa con thực sự là "đi quả cửa tử". Vậy nhưng ở trong hoàn cảnh đó, chị Hồ Lục (35 tuổi, sống tại Hồ Bắc, Trung Quốc) vẫn chấp nhận bước chân đến ranh giới giữa sự sống và cái chết để hoàn thành giấc mơ làm mẹ.
Chị Lục sinh ra tại thị trấn Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc. Ngay từ nhỏ, chị đã được phát hiện mắc căn bệnh hiếm mang tên xương thủy tinh. Căn bệnh quái ác khiến chị chỉ phát triển được đến mức cao 89cm, nặng hơn 20kg, tương đương một đứa trẻ 4 tuổi. Cuộc sống của chị gắn liền với chiếc xe lăn và hàng trăm vết nứt xương, gãy xương gây ra chỉ bởi một chấn thương rất nhẹ. Chính vì vậy chị thường được gọi là "búp bê sứ".
Năm 2014, chị Lục gặp gỡ người chồng của mình, anh Đoàn Nại Khải trên một trang web hẹn hò dành cho người tàn tật. Anh Khải có phần chân bại liệt, không thể đi lại bình thường. Sau thời gian dài trò chuyện trực tuyến, bị lôi cuốn bởi sự lạc quan, mạnh mẽ của chị Lục, anh Khải bất chấp sự phản đối của gia đình đã quyết định tiến tới hôn nhân với nàng "búp bê sứ".
Chị Lục chỉ nặng hơn 20 kg, cao 89cm, tương đương một đứa trẻ 4 tuổi.
Ngày 1/5/2015, hai người chính thức trở thành vợ chồng sau một đám cưới nhỏ trong sự chúc phúc của người thân. Sau đó, chị Lục cùng chồng chuyển về thị trấn Hàm Ninh sinh sống.
Tháng 12 năm đó, tin tức chị Lục đang mang thai khiến bản thân chị và cả gia đình vô cùng hoang mang. Mặc dù luôn mong muốn có con nhưng anh Khải lo lắng hơn về sức khỏe của vợ. Vì vậy anh ngậm ngùi khuyên vợ: "Làm sao cơ thể em có thể chịu đựng được 9 tháng mang thai đây. Anh không cần con, anh và em sẽ sống bên nhau cả đời".
Người cha 70 tuổi của chị cũng tha thiết khuyên ngăn con gái: "Nếu con may mắn sinh con an toàn thì ai có thể khẳng định đứa trẻ sẽ không mang bệnh như con. Lúc đó ai sẽ chăm sóc cho đứa bé tội nghiệp đó đây. Con nỡ lòng nào bắt con mình sống một cuộc sống như mình sao?".
Vậy nhưng cảm nhận được một trái tim khác đang đập trong cơ thể mình, chị Lục không nỡ làm điều mà ai cũng nói là tốt cho cả hai. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định đi tàu 15 tiếng đồng hồ đến bệnh viện Đại học Y khoa Bắc Kinh kiểm tra và xét nghiệm di truyền để xác định em bé có thể mắc bệnh giống mẹ hay không.
Để có thể hoàn thành giấc mơ làm mẹ, chị Lục đã bất chấp cả tính mạng bản thân.
Sau khi trở về từ bệnh viện và đợi kết quả, chị bình tĩnh nói với cả nhà: "Thậm chí nếu kết quả không như mong muốn thì con cũng đã cố gắng hết sức. Con linh cảm rằng đây sẽ là một đứa trẻ khỏe mạnh".
Ngày cầm tờ kết quả chứng thực em bé không mang hội chứng di truyền của bố mẹ trên tay, chị Lục đã khóc hết nước mắt. Lúc này, quyết tâm giữ con của chị càng lớn lao hơn bao giờ hết.
Quyết định giữ lại cái thai đồng nghĩa với việc chị Lục đã đặt cược mạng sống của mình. Thai ngày một lớn chèn lên phổi khiến việc hít thở đối với chị cũng trở thành nhiệm vụ khó khăn.
"Vài tháng trời tôi chỉ có thể nằm trên giường và chỉ có thể nằm nghiêng bên trái, nằm ngửa hay nằm bên phải sẽ khiến tôi không thở nổi. Mỗi lần di chuyển để đi làm xét nghiệm là một lần tôi trải qua cực hình vì lưng đau như bị bẻ gãy. Vậy nhưng chỉ cần con đạp một lần là tôi thấy mọi thứ đều xứng đáng", chị Lục tâm sự.
Trao đổi với bác sĩ Lý Gia Phúc, trưởng khoa sản bệnh viện Trung Nam và cũng là người trực tiếp theo dõi thai kỳ cho chị Lục, ông cho biết mang thai đã vất vả nhưng ngày sinh của chị mới khiến ông lo lắng nhất.
Những ngày mang thai, chị chỉ có thể nằm trên giường và nghiêng sang bên trái.
"Thể chất của cô ấy chỉ tương đương một đứa trẻ, khung xương chậu và bụng cũng bị dị dạng nên mang thai 29 tuần là đã tương đương những người khác mang thai đủ tháng.
Để sinh con thành công, cô ấy sẽ phải trải qua rất nhiều thử thách. Nguy hiểm nhất là tình trạng nhau tiền đạo có thể khiến cô ấy mất máu trong khi sinh. Cơ thể người bình thường có 4-5 lít máu nhưng cô ấy chỉ có 2,2 lít nên tình hình cáng đáng lo ngại hơn", bác sĩ cho biết. Nguy hiểm hơn nữa, chị Lục mang nhóm máu Rh âm tính cực hiếm nên khi bị mất máu sẽ rất khó xử lý.
"Ai cũng có quyền có con nhưng với tư cách một bác sĩ, tôi không khuyến khích những người như cô ấy mang thai, sinh con vì như vậy là quá liều mạng. Thú thực ngay từ khi cô ấy bắt đầu đến khám, tôi đã nhiều lần khuyên cô ấy bỏ thai nhưng cô ấy kiên quyết giữ lại. Nếu cô ấy đã quyết tâm như vậy thì chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng hết sức để trợ giúp", bác sĩ Lý chia sẻ.
Để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con, các bác sĩ đã sắp xếp sẽ mổ cho chị Lục khi cái thai được 31 tuần. Vậy nhưng đêm ngày 13/5, khi thai kỳ được 30 tuần 3 ngày thì chị đột nhiên vỡ ối.
Nhớ lại ngày vợ vào phòng mổ cấp cứu, anh Khải vẫn còn run rẩy: "Tôi chỉ sợ đó sẽ là lần cuối cùng mình được gặp vợ, vậy nhưng cô ấy chỉ nhẹ nhàng mỉm cười nói "Em ổn mà, anh đừng lo". Lúc đó tôi đã tin rằng trái tim tuyệt vời của vợ sẽ giúp cô ấy được an toàn".
Khi vào phòng mổ, chị Lục vẫn thoải mái đùa với bác sĩ: "Tôi không lo gì cả. Tại sao mọi người đều trẻ như vậy nhỉ, tính ra tôi già nhất trong phòng này rồi".
Anh Khải lo lắng đứng đợi vợ bên ngoài phòng mổ.
Vậy nhưng trái ngược với tâm trạng của chị Lục, các bác sĩ trong phòng mổ đều vô cùng lo lắng. Vấn đề gây khủng hoảng nhất chính là gây mê.
Bởi vì chị Lục bị biến dạng cột sống nên không thể thực hiện gây tê tủy sống như người bình thường, động mạch và tĩnh mạch của chị cũng bất thường nên tìm vị trí gây mê cũng là vấn đề lớn với bác sĩ.
Thêm nữa, chị Lục có thể chất của một đứa trẻ nhưng sự trao đổi chất ở gan và thận lại tương tự người lớn nên bác sĩ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định liều lượng thuốc mê nên tiêm.
Sau nhiều nỗ lực của cả kíp mổ, cuối cùng em bé cũng chào đời thành công. Em bé sinh non nặng 1,49kg và thở yếu nên các bác sĩ lại gấp rút thực hiện cấp cứu. May mắn thay, cuối cùng bé đã có thể thở và cất tiếng khóc chào đời như bao đứa trẻ khác.
Đối với anh Khải, những giây phút đứng ngoài phòng mổ đẻ chờ vợ con là những giây phút dài nhất cuộc đời anh. Khi đứa trẻ được bế ra cũng là lúc giọt nước mắt anh lăn dài trên má. Vậy nhưng chỉ kịp xác nhận con khỏe mạnh và sẽ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, anh lại vội vàng chạy đến bên vợ. Thậm chí khi có người hỏi "Con trai hay con gái?", anh chỉ biết gãi đầu trả lời "còn chưa kịp nhìn". Một phóng viên ở gần đó lúc này mới giúp anh trả lời: "Là con gái!".
May mắn cuối cùng cả hai mẹ con đều được an toàn.
1 giờ ngày hôm đó, chị Lục tỉnh lại sau khi hết thuốc mê và lời đầu tiên chị nói là lời cảm ơn với các y bác sĩ. Chị cảm ơn họ đã cùng mình đồng hành trong ca sinh "liều mạng" này và giữ lại tính mạng của cả hai mẹ con.
Sau 3 ngày ở viện, hai mẹ con chị Lục đã được về nhà. Em bé tuy sinh non nhưng không có vấn đề gì về sức khỏe và ngày càng phát triển tốt hơn.
Nuôi dạy một đứa trẻ với hai vợ chồng đều tật nguyền chắc hẳn không phải điều dễ dàng. Vậy nhưng vợ chồng chị Lục, anh Khải luôn nhìn vào cô con gái đang lớn lên từng ngày để lấy động lực cố gắng. Đối với chị, giữ lại và sinh đứa con này ra là điều chị chưa bao giờ hối hận.