Nắm được các dấu hiệu sắp sinh trong 24h, bà bầu sẽ chủ động chuẩn bị cuộc “vượt cạn” tốt nhất, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
Trước ngày sinh con tất cả các mẹ bầu đều có những dấu hiệu thay đổi rõ rệt để nhận biết đã gần đến lúc con chào đời. Bà bầu cần phải lưu ý phát hiện những biểu hiện đó để có sự chuẩn bị “lâm bồn” an toàn tốt nhất.
Vậy đâu là dấu hiệu sắp sinh trong 24h rõ nhất mà mẹ bầu nên biết để đến bệnh viện kịp thời và sẵn sàng chào đón bé yêu.
Dấu hiệu sắp sinh trong 24h rõ nhất
1. Sa bụng bầu (tụt bụng) và đi tiểu nhiều hơn
Từ xưa đến nay mỗi khi nhìn thấy bà bầu bụng bị tụt xuống, các mẹ thường dựa vào kinh nghiệm dấu hiệu sắp sinh để nhắc nhau chuẩn bị. Quan điểm này không sai, mà đều có bằng chứng và đã được y học chứng minh.
Ở thời điểm những tuần cuối của thai kỳ, em bé quay đầu xuống phía dưới tử cung của mẹ, khiến chiếc bụng bầu tụt xuống sâu phía khung xương chậu, lúc này mẹ hoàn toàn có thể dễ thở hơn vì không bị em bé đè lên cơ hoành phía trên. Tuy nhiên, đây cũng là lúc trọng lượng của thai nhi đè và tăng áp lực lên bàng quang khiến mẹ bầu liên tục muốn đi tiểu. Nếu thấy bụng tụt và muốn đi tiểu thường xuyên thì chắc chắn đó là dấu hiệu sắp sinh trong 24h của mẹ bầu.
Gần ngày sinh, mẹ bầu sẽ có dấu hiệu sa bụng. Ảnh minh họa
2. Có máu báo
Trước ngày sinh, nếu mẹ bầu thấy một chút máu màu hồng, đỏ hoặc màu nâu đen lẫn với dịch nhầy màu trắng thì chắc chắn đó là máu báo sắp sinh. Thông thường máu báo xuất hiện chưa tới một ngày, mẹ bầu sẽ chuyển dạ và sinh em bé.
Lượng máu báo xuất hiện nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cơ địa của từng mẹ bầu. Có mẹ ra chút ít chỉ có thể phát hiện qua giấy vệ sinh hoặc ở đáy quần trong, nhưng cũng có những mẹ bầu ra khá nhiều gần giống với ngày cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt.
3. Đau lưng dưới
Đây là dấu hiệu xuất hiện trước khi các mẹ thấy có cơn gò tử cung, hiện tượng đau lưng giống hệt như mỗi khi các mẹ đến tháng. Lúc này mẹ thường xuyên hay xoay người và đổi tư thế khi nằm vì nếu nằm thẳng lưng sẽ đau âm ỉ, chưa kể đến việc nằm ngửa sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy khó thở.
4. Chuột rút
Ở giai đoạn cuối thai kỳ, bà bầu sẽ thường xuyên bị chuột rút. Càng gần đến ngày sinh biểu hiện này xuất hiện rõ thấy hơn cả, bởi vậy bà bầu cần đi lại nhẹ nhàng, cẩn thận, không nên nằm hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu.
Bị chuột rút cũng là một trong những dấu hiệu sắp sinh mà mẹ có thể dễ dàng nhận biết. Mang thai những tháng cuối mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải và chỉ muốn nằm lì một chỗ, tuy nhiên mẹ cần nhớ nên di chuyển hết sức nhẹ nhàng, tránh việc duy trì một tư thế quá lâu.
5. Cơn gò tử cung
Hầu hết bà bầu nào cũng đều trải qua cảm giác vô cùng khó chịu và đau đớn của cơn gò tử cung. Các cơn co thắt ập tới khi chuyển dạ, thai phụ thường trở nên mệt mỏi, da tái, toát mồ hôi lạnh và thậm chí là tụt huyết áp. Cơn gò tử cung xuất hiện khi chuyển dạ đến đều đặn với tần suất 20 - 30 phút một lần, càng về gần lúc sinh cơn gò giảm còn 10 phút rồi đến 2-3 phút một lần thì mẹ bầu sẽ sinh.
6. Rỉ nước ối hoặc vỡ ối
Trong trường hợp mẹ bầu nhận thấy ẩm ướt ở đáy quần nhưng không phải nước tiểu cũng không phải dịch âm đạo thì chắc chắn là nước ối bị rỉ. Nếu nước này ra nhiều, chảy ồ ạt thì khi đó ối đã bị vỡ, thai nhi không còn môi trường sống, bé sẽ tìm mọi cách để đòi ra ngoài môi trường tự nhiên bên ngoài. Lúc này mẹ hãy chủ động đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra độ mở rộng của tử cung.
Thông thường các mẹ bị vỡ ối, bác sĩ sẽ cố gắng đưa bé ra ngoài nhanh nhất có thể, chậm nhất là 12 tiếng. Trường hợp mẹ không thể đẻ thường do vỡ ối trước thì bác sỹ sẽ chỉ định đẻ mổ.
7. Cổ tử cung mở
Sau cơn gò sẽ là những cơn co thắt tử cung tới dồn dập, lúc này em bé hối thúc chui ra làm cho cổ tử cung của mẹ mở dần. Nếu cổ tử cung mở được 2cm thì sau đó rất nhanh chóng, độ rộng của cửa tử cung sẽ mở tiếp, đây được coi là dấu hiệu hàng đầu cho việc mẹ bầu chuẩn bị “lâm bồn”.
Những cơn co thắt tử cung xuất hiện cùng với sự thúc xuống đòi ra ngoài của thai nhi sẽ khiến cổ tử cung mở dần. Thông thường các bác sĩ sẽ dựa vào dấu hiệu cổ tử cung mở 2 phân, 3 phân làm dấu hiệu sắp sinh trong 24h của thai phụ.
Cổ tử cung mở. Ảnh minh họa
8. Hơi thở ngắt quãng
Những tháng cuối mang thai, mẹ bầu trở nên nặng nề, cồng kềnh hơn rất nhiều, bởi vậy hơi thở của mẹ cũng bị ngắt quãng dồn dập, thậm chí nhiều mẹ còn cảm thấy tim đập nhanh hơn bình thường.
9. Tiêu chảy
Bà bầu đừng nhầm lẫn dấu hiệu này với bệnh về đường ruột tiêu hóa. Càng gần đến ngày sinh, cơ thể mẹ bầu tiết ra một loại hoóc môn gây co bóp tử cung, làm mềm và giãn cổ tử cung, chính hoóc môn này kích thích đường ruột gây nên hiện tượng bà bầu có nhu cầu đi đại tiện liên tục, thậm chí bị tiêu chảy.
10. Chán ăn
Nếu như hết thời kỳ thai nghén, mẹ bầu ăn uống thoải mái rât ngon miệng thì khi sắp sinh, mẹ bầu đột ngột cảm thấy chán ăn, thay đổi thói quen ăn uống.
11. Đột ngột ngừng tăng cân
Trước ngày sinh, không ít mẹ bầu có thể bị sút cân từ 1-2 kg. Tuy nhiên mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề này vì việc sụt cân sẽ không ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi trong bụng. Sở dĩ có việc đột ngột ngừng tăng cân là do lượng nước ối dần giảm xuống để chẩn bị cho quá trình “vượt cạn”.
Đây là cách cơ thể mẹ thích nghi với quá trình “lâm bồn” tự nhiên vì trước khi sinh, cơ thể mẹ cần linh hoạt và gọn nhẹ hơn. Tuy nhiên dấu hiệu này thường chỉ xảy ra với 1 số mẹ bầu.
Dù không muốn nhưng mẹ bầu hãy cố gắng duy trì chế độ ăn uống đều đặn đến ngày sinh đẻ. Nếu không mẹ sẽ không thể đủ sức để cùng con yêu vượt cạn. Mẹ bầu có thể chia nhỏ bữa ăn, ăn những đồ ăn nhẹ nhàng dễ ăn như rau củ quả luộc, bánh trái… Tuyệt đối hạn chế sử dụng nước uống có ga và chất kích thích như cà phê, rượu bia…
Trước ngày sinh, không ít mẹ bầu có thể bị sút cân từ 1-2 kg. Ảnh minh họa
Khi thấy xuất hiện 1 trong 10 dấu hiệu kể trên thì các mẹ không nên trì hoãn mà cần phải đến bệnh viện ngay để được bác sĩ theo dõi trực tiếp đồng thời đưa ra phương pháp sinh phù hợp. Trong quá trình thăm khám định kỳ, bác sĩ có thể đưa ra thời gian dự kiến sinh cho từng mẹ, tuy nhiên thời điểm dự sinh khi khám thai thường không chính xác tuyệt đối.
Cần làm gì khi phát hiện dấu hiệu sắp sinh?
1. Giữ tâm lý bình tĩnh
Không ít bà bầu có tâm lý lo lắng, hồi hộp chờ đến ngày sinh mà quên đi những việc phải làm. Thay vì nghỉ ngơi ăn uống chờ đến ngày sinh thì nhiều mẹ hoang mang đến mức mất ăn mất ngủ.
Lời khuyên cho các mẹ bầu rằng hãy vui vẻ nói chuyện nhiều hơn với người thân, nhất là chồng để có được tư tưởng thoải mái nhất sẵn sàng cho ngày lên bàn đẻ.
2. Hạn chế đi xa
Trong trương hợp không cần thiết, mẹ bầu hạn chế đi xa nhà, nhất là di chuyển xe cộ. Tránh để xảy ra tình huống ngoài mong muốn như sinh sớm hơn so với dự kiến có thể gặp nguy hiểm đến sự an toàn của mẹ và bé.
3. Nạp đủ năng lượng
Trước và trong lúc sinh nở, mẹ thường sẽ rất mất sức. Chính vì vậy việc ăn uống đầy đủ để sẵn sàng đủ sinh lực cho quá trình “vượt cạn” là rất cần thiết. Lưu ý mẹ hãy ăn những thực phẩm dinh dưỡng dễ tiêu hóa.
Mẹ bầu có thể sinh sớm hoặc muộn hơn so với dự kiến. Bởi vậy mẹ nên trang bị cho mình kiến thức cần thiết trong việc sinh nở, nhất là dấu hiệu sắp sinh con so trong 24h để đến bệnh viện kịp thời và sẵn sàng chào đón bé yêu của mình.