Kiểm soát cân nặng là một trong những kỹ năng cần thiết mẹ bầu hiện đại nào cũng cần biết.
Với suy nghĩ khi mang bầu mình phải ăn cho hai người nên nhiều mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng quá nhiều, dẫn đến tình trạng thừa cân khi mang thai. Mẹ bầu cần biết rằng béo phì có thể làm gia tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường trong thời gian thai kỳ cung như tiền sản giật. Vậy làm cách nào để mẹ bầu có thể kiểm soát cân nặng an toàn?
Bắt đầu mang thai khi cân nặng ở mức 'lành mạnh'
Điều quan trọng nhất với mẹ bầu trước khi mang thai đó là nắm rõ được mốc tăng cân chuẩn theo từng tháng trong thai kỳ. Khi đó, mẹ sẽ có kế hoạch kiểm soát cân nặng rõ ràng, chi tiết ngay từ những ngày đầu mang thai. Ngoài việc sử dụng các loại vitamin trước khi sinh, mẹ nên bắt đầu việc mang thai với một cơ thể khỏe mạnh, trọng lượng ổn định. Điều này giúp cho mẹ bầu tránh được trường hợp tăng cân không kiểm soát trong quá trình mang thai.
Ăn chậm nhai kỹ
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi ăn cùng người khác thì con người sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn 750 calo so với ăn một mình. Chính vì thế, mẹ bầu hãy ‘nhấm nháp’ những đồ ăn mình thích trong ngày. Tới bữa ăn, mẹ hãy ăn thật chậm, nhai thật kỹ. Điều này sẽ kiềm chế mẹ bầu ăn nhiều hơn khi ăn cùng người khác và giúp mẹ cảm nhận được hương vị thơm ngon của thức ăn.
Uống đủ nước
Thiếu nước đôi khi sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy đói. Nếu mẹ bầu đã lên kế hoạch cho việc ăn uống của mình mà vẫn cảm thấy đói, có thể mẹ cần phải uống nhiều nước hơn nữa. Nước không chỉ quan trọng với cơ thể, với thai nhi, nó còn giúp mẹ bầu ngăn chặn được cảm giác đói và thèm ăn.
Uống nước sẽ giúp mẹ bầu giảm cơn thèm ăn. (Ảnh minh họa)
Ăn bữa sáng đầy đủ
Bữa sáng đầy đủ sẽ cung cấp năng lượng cần thiết cho mẹ và bé trong thai kỳ. Điều này cũng hạn chế mẹ bầu rơi vào tình trạng ăn nhiều hơn vào bữa trưa vì quá đói.
Thận trọng với đồ ăn vặt
Ăn vặt là một đặc trưng của các mẹ bầu. Tuy nhiên, chất đường và chất béo có trong các loại bánh kẹo khiến mẹ bầu tăng cân mất kiểm soát. Ăn vặt thường do mẹ buồn miệng hơn là đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu hãy giảm lượng thức ăn vặt lại để tránh tăng cân.
Mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ ăn vặt để tránh tăng cân mất kiểm soát. (Ảnh minh họa)
Chia nhỏ bữa ăn
Ba bữa ăn chính nếu được chia thành 6 bữa ăn nhỏ thì sẽ giúp mẹ bầu hấp thu calo từ thực phẩm tốt nhất nhưng lại không gây ra sự tích trữ mỡ dưới da làm nên tình trạng béo phì. Cách ăn chia nhỏ bữa cũng khiến cho lượng đường trong máu được giữ ổn định. Ngoài ra nếu mẹ bị thừa cân thì trong khẩu phần ăn cũng nên gia tăng nhiều thực phẩm có chất xơ như rau, củ, quả.
Không “lạm dụng” nước ép trái cây
Nước ép trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, lượng đường cao trong nước ép là nguyên nhân khiến mẹ bầu tăng cân nhiều. Vì vậy, mỗi ngày mẹ bầu chỉ nên uống một ly nước ép, khi pha không cho quá nhiều đường và sữa đặc.
Nước ép trái cây tốt cho bà bầu nhưng các mẹ nên uống ở mức vừa phải. (Ảnh minh họa)
Không ăn quá nhiều tinh bột
Tinh bột là nhóm thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn chính. Nó giúp chống đói hiệu quả nhưng cũng khiến mẹ bầu tăng cân nhanh chóng. Mẹ có thể giảm lượng tinh bột hấp thụ vào cơ thể bằng cách ăn khoai thay cơm. Khoai lang có lượng tinh bột vừa phải, chứa nhiều vitamin và ngăn ngừa táo bón khi mang thai.
Mẹ bầu nên hạn chế ăn quá nhiều tinh bột để giữ cân nặng ổn định trong thời kỳ mang thai. (Ảnh minh họa)
Một cách nữa cũng khá hiệu quả là ăn cháo thay cơm. Các loại cháo nấu với thịt, xương, cua, cá… vừa bổ dưỡng, vừa dễ tiêu hóa lại vừa khiến cơ thể mẹ bầu dung nạp đủ lượng tinh bột.
Tập thể dục
Nếu mẹ bầu đang mệt mỏi hoặc ốm nghén thì rất khó để có thể ngồi dậy tập thể dục nhưng đây lại là hoạt động có lợi. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng năng lượng, cải thiện hơi thở và sức chịu đựng của mẹ. Ngoài ra thể dục đều đặn còn giúp mẹ bầu tránh tăng cân quá nhanh.
Đi bộ giúp mẹ bầu lấy lại vóc dáng nhanh chóng sau sinh. (Ảnh minh họa)
Theo các nghiên cứu, tập thể dục cũng giúp mẹ bầu ngủ ngon và nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh. Tuy nhiên, thời gian này bạn không nên tập những môn thể thao quá khó mà chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng những môn như yoga, đi bộ hoặc bơi lội.
Kiểm tra cân nặng thường xuyên
Mỗi tuần mẹ nên kiểm tra cân nặng của mình một lần để theo dõi quá trình tăng cân. Từ đó mẹ sẽ thấy được phần nào mức độ cân nặng của mình đã hợp lý chưa, có cần điều chỉnh không để biết cách kiểm soát cân nặng tốt hơn.