Chu Thanh Huyền đã chuẩn bị sẵn “giao diện” thật xinh đẹp trước khi bước vào phòng mổ. Thế nhưng đến phút thứ 89 lại được bác sĩ yêu cầu tẩy trang gấp.
Hôm 13/7, Chu Thanh Huyền sinh quý tử đầu lòng tại một bệnh viện ở Hà Nội. Trước giờ bước vào phòng mổ, bà xã Quang Hải đã có đôi dòng tâm sự với các mẹ bầu. Chu Thanh Huyền cho hay khoảng 10 ngày trước khi sinh con, cô rất hồi hộp. Có lẽ trong cuộc đời chưa có một sự kiện nào khiến cô có tâm trạng như vậy kể cả khi tổ chức lễ cưới. “Không biết các mẹ bầu khác thế nào, tâm lý trước khi bước vào phòng sinh con có sợ không, Huyền thì không. Cảm giác hồi hộp mong chờ đón con mạnh hơn là sợ đau”.
Mặt mộc của Chu Thanh Huyền khi mang thai được khen ngợi.
Được biết, để chuẩn bị cho quá trình sinh con, bên cạnh tâm lý thoải mái, Chu Thanh Huyền còn không quên make up nhẹ nhàng để gương mặt tươi tắn một chút. Thế nhưng, đến phút chót bà xã tiền vệ sinh năm 1997 lại được bác sĩ yêu cầu phải đi tẩy trang gấp. Điều này khiến Chu Thanh Huyền hơi buồn một chút vì thấy các mẹ đi sinh trang điểm xinh đẹp lắm. Lý do bác sĩ bắt cô phải tẩy trang cũng được tiết lộ “vì sợ đánh son môi đỏ lúc nhợt đi bác sĩ không biết. Nhưng mà sống mái gì cũng phải giữ lại cặp chân mày nhé mọi người”, Chu Thanh Huyền hài hước.
Bình luận khen ngợi thần thái của mẹ bầu trên mạng xã hội.
Đây cũng là khuyến cáo của bác sĩ sản khoa khi tính đến các rủi ro phát sinh hoặc sự cố y khoa đối với thai phụ khi vượt cạn. Nếu sản phụ trang điểm đậm, bác sĩ sẽ khó quan sát sắc mặt đang ở trạng thái hồng hào hay tím tái để phán đoán tình trạng sức khỏe. Vì vậy, để đảm bảo an toàn nhất, thai phụ nên tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Dưới đoạn video được đăng tải, rất nhiều bình luận đã gửi lời chúc hotgirl Sơn Tây sẽ mẹ tròn con vuông. Bên cạnh đó không ít bình luận còn khen ngợi Chu Thanh Huyền dù tẩy trang vẫn rất xinh đẹp và đặc biệt giọng nói nghe rất hay.
Quang Hải xứng đáng là ông bố trẻ chu đáo.
Theo thông tin được đăng tải, Rồng con nhà Quang Hải – Chu Thanh Huyền có tên thân mật là Lido, những hình ảnh về gương mặt của em bé được gia đình giữ kín. Kể từ khi lên chức, Quang Hải đã chứng tỏ mình là ông bố cực khéo khi thức đêm trông con cho vợ ngủ hay bế vác con trên vai cực chuyên nghiệp.
Tại sao không nên trang điểm khi sinh con?
Theo Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, hành động nhận biết và phản hồi các tín hiệu không lời của bệnh nhân cũng có thể giúp bác sĩ hiểu được những sai lệch so với phổ biểu cảm khuôn mặt bình thường, đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính hoặc đau về thể chất hoặc cảm xúc.
Trong Đông y, quan sát nét mặt cũng là một phương pháp khám bệnh cơ bản của y học cổ truyền phương Đông. Lang y sẽ nhìn để phát hiện chứng trạng (là biểu hiện bệnh lý của cơ thể, những thay đổi bất thường về chức năng và cấu trúc của cơ thể, do bệnh tật gây ra), nhận định sự biến hóa của bệnh. Phương pháp này trước tiên là xem xét thần, sắc, hình, thái của người bệnh, sau đó là quan sát, xem xét chi tiết hơn đến những bộ phận cụ thể như đầu, ngực, bụng, chân tay, rêu lưỡi...
Không chỉ sản phụ mà trong quá trình mang thai, mẹ bầu cũng nên cân nhắc về việc trang điểm vì một số loại mỹ phẩm có thể có chứa chất gây rối loạn nội tiết, gây ảnh hưởng đến hormone hoặc các bệnh lý ngoài da khác.
Tại sao trong phòng sinh không được đeo trang sức?
Khi chuẩn bị sinh con, việc không đeo trang sức là một quy tắc mà nhiều người có thể không hiểu rõ lý do. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy rằng quyết định này không chỉ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé mà còn giúp công việc của đội ngũ y tế diễn ra suôn sẻ hơn.
Vì trong suốt quá trình sinh, cơ thể của người mẹ có thể gặp nhiều biến đổi không lường trước. Một trong số đó là hiện tượng phù nề ở tay và chân. Khi phù nề xảy ra, các chiếc nhẫn, vòng tay hoặc các loại trang sức khác có thể trở nên quá chật, gây ra sự khó chịu, đau đớn và thậm chí là nguy cơ cản trở tuần hoàn máu. Trong những trường hợp khẩn cấp, việc phải gỡ bỏ trang sức một cách nhanh chóng có thể gây thêm căng thẳng không cần thiết.
Ngoài ra, trang sức nhỏ, như bông tai, dây chuyền hoặc nhẫn, có thể dễ dàng bị rơi ra trong quá trình di chuyển hoặc sinh hoạt tại bệnh viện. Nếu những món đồ này rơi vào vết mổ hoặc khu vực vết thương, chúng có thể gây nhiễm trùng, làm chậm quá trình phục hồi và gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Những lưu ý trước khi sinh mổ
Sinh mổ đòi hỏi quá trình sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả phía bác sĩ và mẹ bầu. Để quá trình phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, các chị em nên chú ý một số điểm sau:
- Chuẩn bị đồ dùng trước khi sinh mổ: Sau khi sinh mổ, mẹ có thể sẽ phải lưu viện lâu hơn so với sinh thường. Thông thường mẹ có thể phải ở lại bệnh viện từ 4 ngày đến 1 tuần. Vì vậy, gia đình nên chuẩn bị cho mẹ và bé một số đồ dùng cơ bản như quần áo, đồ dùng vệ sinh cá nhân, bình sữa cho bé đề phòng những ngày đầu mẹ chưa thể cho con bú…
- “Nhịn miệng” ít nhất 8 giờ trước khi mổ: Lý do phải nhịn ăn uống trước khi sinh mổ là do trước khi phẫu thuật, sản phụ được gây tê. Trong lúc bắt đầu gây tê, nếu dạ dày còn chứa thức ăn, nước uống thì nguy cơ xảy ra tai biến trào ngược thức ăn từ dạ dày vào phổi là rất cao. Khi đó gây tắc nghẽn đường thở và mẹ có thể đột tử hay tử vong muộn do các biến chứng viêm phổi, xẹp phổi.
- Tâm lý thoải mái trước khi lên bàn mổ: Sinh nở là cuộc vượt cạn đầy “gian nan” đối với các mẹ bầu. Chuẩn bị tâm lý thật sẵn sàng là điều quan trọng cần thiết khi các chị em chuẩn bị bước lên bàn sinh.