Cứu sống thai nhi gặp biến chứng nguy hiểm trong bụng mẹ

Ngày 16/06/2023 20:00 PM (GMT+7)

Sa dây rốn (sa dây rau) là một tai biến sản khoa nguy hiểm ở giai đoạn cuối thai kỳ và có thể khiến thai nhi tử vong trong bụng mẹ nếu không được phẫu thuật lấy thai kịp thời.

BS Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho sản phụ Lô Thị Thuý Hằng (34 tuổi, trú tại xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) bị sa dây rốn trước ngôi thai và đón thai nhi, bé trai nặng 3,1kg chào đời khoẻ mạnh.

Kíp phẫu thuật mổ cấp cứu lấy thai nhi

Kíp phẫu thuật mổ cấp cứu lấy thai nhi

Sản phụ Lô Thị Thuý Hằng nhập viện Sản Nhi Bắc Giang vào hồi 21h15ph ngày 11/6 khi có dấu hiệu đau bụng chuyển dạ lần 03 ở tuần 38 thai kỳ. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy thai nhi ngôi đầu, nhịp tim thai chậm 60 - 120 lần/phút. Khám âm đạo thấy cổ tử cung của sản phụ đã mở 5 phân, ối còn, qua màng ối sờ thấy dây rốn vẫn còn đập và sa trước ngôi trong bọc ối.

Các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán sản phụ bị sa dây rốn trước ngôi thai - một tình trạng nguy hiểm trong sản khoa có thể khiến thai nhi tử vong; đồng thời chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy thai ngay lập tức và chuyển sản phụ lên Phòng Phẫu thuật trong tư thế đầu thấp mông cao. 21h30ph ngày 11/6, bé trai Dương Gia Thịnh với cân nặng 3,1kg chào đời.

Sản phụ Lô Thị Thuý Hằng và bé trai sẽ được ra viện trong ngày hôm nay

Sản phụ Lô Thị Thuý Hằng và bé trai sẽ được ra viện trong ngày hôm nay

Ngay sau sinh, bé được chuyển về Khoa Sơ sinh để các y, bác sĩ chăm sóc và tới ngày 13/6, khi các chỉ số sinh tồn đều ổn định, bé Gia Thịnh được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ. Hiện tại, sức khoẻ sản phụ Thuý Hằng đã ổn định và 02 mẹ con sản phụ sẽ được xuất viện về nhà trong chiều nay 16/6.

Trao đổi sau ca phẫu thuật, BS CKII Hán Mạnh Cường - Trưởng Khoa Sản II (bác sĩ trực tiếp mổ lấy thai cho sản phụ Thuý Hằng) cho biết: "Sa dây rốn là tình trạng cấp cứu tối khẩn cấp khi dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối) hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn khi đã vỡ ối.

Nếu ối vỡ thì dây rốn sẽ sa vào trong âm đạo và ngôi thai chèn ép vào dây rốn khiến tuần hoàn từ rau thai đến thai nhi bị cản trở gây suy thai nhanh chóng, thai nhi thiếu oxy và có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.

May mắn, trường hợp của sản phụ Hằng bị sa dây rốn khi ối chưa vỡ nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề. Khoảng cách từ nhà sản phụ tới bệnh viện khá xa (20 km) nên nếu bị sa dây rốn khi đã vỡ ối, sẽ không thể cứu được thai nhi.

Sa dây rốn trong thời kỳ mang thai có thể phát hiện hoặc không thể phát hiện được. Một số trường hợp có thể phát hiện được dây rốn sa trước ngôi thai trong bọc ối qua siêu âm.

Sa dây rốn không thể phòng ngừa trước và thường gặp ở những trường hợp có nguy cơ cao như: thai phụ từng sinh đẻ nhiều lần, đa ối, ngôi thai bất thường (ngôi ngang, ngôi ngược, ngôi đầu cao), dây rốn dài bất thường, rau thai bám thấp…

Nếu thai phụ nằm trong nhóm nguy cơ cao bị sa dây rốn, những tuần cuối thai kỳ nên thường xuyên tới bệnh viện khám thai hoặc nhập viện chờ sinh để được bác sĩ sản khoa thăm khám và xử trí kịp thời khi chuyển dạ, tránh gây biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Những khoảnh khắc chào đời ấn tượng nhất năm 2023
Những đứa trẻ chào đời theo những cách khác nhau nhưng đều tràn ngập trong tình yêu thương của cha mẹ.

Sinh con

Theo Hiền Chúc (BV Sản Nhi Bắc Giang)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu