…ngay lập tức ekip mổ đẻ đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ giới y học: toàn bộ nhau thai sẽ được giữ nguyên và đưa trở lại vào ổ bụng của sản phụ.
Vào ngày 16/7/2014, chị Kristen Terlizzi tỉnh dậy trong phòng chăm sóc tích cực thuộc bệnh viện Đại học Stanford và được nghe một thông báo gây sốc: nhau thai nối giữa cơ thể chị và em bé đã lan truyền như một bệnh ung thư vào toàn bộ các bộ phận trong ổ bụng Terlizzi.
Terlizzi những tưởng đã không thể tiếp tục cuộc sống khi bị nhau cài răng lược.
Sau tuần trước đó, ở tuần 28 thai kỳ, Terlizzi đã được chẩn đoán mắc chứng nhau cài răng lược – một tình trạng bệnh nguy hiểm khiến nhau thai phát triển vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong tử cung. Ở một thai kỳ bình thường, nhau thai sẽ phát triển bên trong tử cung, gắn vào thành tử cung và sẽ được đẩy ra khỏi cơ thể sau khi em bé ra đời.
Nguyên nhân của hiện tượng này được các bác sĩ chuyên khoa cho rằng thường gây ra bởi vết sẹo từ những lần mổ thai trước đó, từ đó nhau thai sẽ phát triển ra bên ngoài và lan đến các bộ phận khác trong ổ bụng. Đây là tình trạng rất hiểm gặp, chỉ xảy ra khoảng 1/30.000 ca ở Mỹ vào những năm 1950. Ngày nay, do sự gia tăng của phương pháp mổ đẻ nên triệu chứng này cũng xuất hiện nhiều hơn, khoảng 1/500 số ca sinh. Điều đáng nói là có tới 1/14 sản phụ bị chết do chứng nhau cài răng lược vì mất quá nhiều máu trong quá trình sinh nở.
Trong trường hợp của chị Terlizzi, bà mẹ này cũng có thể đã qua đời nhưng may mắn cô đã được một đội ngũ các y bác sĩ chuyên nghiệp cấp cứu kịp thời, họ đã đưa ra một quyết định chưa từng có tiền lệ giới y học để cứu sống sản phụ một cách nghiêm túc nhất.
Ca phẫu thuật sinh mổ của cô có sự góp mặt của hơn 20 y bác sĩ.
Ngay khi bị chẩn đoán mắc chứng nhau cài răng lược, bà mẹ 32 tuổi được các y bác sĩ chăm sóc, theo dõi rất cẩn thận tại bệnh viện Stanford. Giữ thai an toàn đến tuần thứ 33 thì các bác sĩ quyết định mổ lấy thai cho sản phụ.
Trong ca sinh này, có tới hơn 20 y bác sĩ đã có mặt để đưa cậu bé Leo ra đời một cách an toàn, tuy nhiên khi bác sĩ tiền hành loại bỏ nhau thai thì họ thật sự bàng hoàng khi nhìn thấy tình trạng nhau thai xâm lấn còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chẩn đoán trước đó. Chị Terlizzi lúc này đứng trước nguy cơ bị nhiễm trùng và băng huyết rất cao, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống.
Em bé chào đời an toàn nhưng người mẹ lại lâm vào tình trạng nguy kịch khi gai nhau thai bám gần hết nội tạng cơ thể.
Không thể kéo dài thời gian, ekip mổ đẻ đã đưa ra một quyết định chưa từng có trong tiền lệ y học là toàn bộ nhau thai sẽ được giữ nguyên và đưa trở lại vào ổ bụng của Kristen. Mặc dù đây là giải pháp nguy hiểm nhưng vẫn còn an toàn và có thể đảm bảo được tính mạng người mẹ trong thời điểm đó. Sau đó chị Terlizzi tiếp tục được theo dõi và làm nhiều xét nghiệm khác nhau.
3 ngày sau ca sinh mổ, vì sợ tình trạng sức khỏe của bà mẹ này chuyển biến xấu, các bác sĩ đã quyết định để cô được gặp con trai mình với hy vọng chị sẽ có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu giành lại sự sống.
Ngày Terlizzi được gặp con, đúng là niềm hạnh phúc đã vỡ òa. Chị nhận ra rằng mình sẽ không thể bỏ con lại trên đời này và chị sẽ không bỏ cuộc.
Các bác sĩ đã phải quyết định đóng ổ bụng của chị Terlizzi kèm nhau thai trong đó.
6 tuần sau đó, cơ thể Terlizzi bắt đầu xuất hiện những vết bầm tím. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy cô có thể đang bị suy gan. Các bác sĩ sau khi bàn bạc kỹ đã quyết định làm một cuộc đại phẫu để cứu tính mạng bà mẹ này.
Họ đã có ca đại phẫu kéo dài 8 giờ và chị Terlizzi phải truyền tới 26 đơn vị máu – gần như thay toàn bộ máu trong cơ thể để loại bỏ nhau thai cũng những bộ phận không cần thiết khác trong cơ thể. Theo đó, Terlizzi đã bị cắt bỏ toàn bộ mô nhau thai, tử cung, cổ tử cung, ruột thừa và sửa lại bàng quang, niệu quản.
Bà mẹ 32 tuổi quyết giành lại sự sống vì con.
Một người mẹ bình thường có thể bị chảy máu đến chết khi sinh con chỉ trong vòng 5 phút nhưng may mắn Terlizzi đã được truyền máu kịp thời và đã giữ được mạng sống.
Hiện tại, Terlizzi đang có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và 2 con nhỏ. Cô rất chăm chỉ tập thể thao mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe. Ca phẫu thuật cách đây 3 năm giờ chỉ còn vết sẹo hình chữ T nhưng nó luôn nhắc nhở cô về rủi ro mà cô đã phải đối mặt khi sinh nở.
Hiện tại con trai cô đã được 3 tuổi.
Cô cũng làm một tình nguyện viên tại bệnh viện Stanford, để tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang bầu, sinh con. Bà mẹ này luôn nhắc nhở các sản phụ phải chú ý đến sức khỏe thai kỳ đặc biệt là chứng nhau cài răng lược như cô từng mắc phải để đảm bảo có ca sinh an toàn, khỏe mạnh.
Nhau cài răng lược là gì? Nhau cài răng lược là hiện tượng bệnh lý nhau không bong tróc khỏi thành tử cung sau quá trình sinh nở, mà bám chặt vào cơ tử cung, thậm chí xâm lấn các các cơ quan lân cận. Tình trạng này gây xuất huyết hậu sản, thậm chí đe dọa đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Nếu cài bám vào tử cung quá sâu, nhau không thể tự tách thành tử cung hoặc chỉ bong một phần. Vấn đề xảy ra là khi các mạch máu mở, mà không đóng được kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân cần phải truyền máu, gây nhiễm trùng hậu phẫu và những lỗ dò sau mổ. Có ba loại nhau cài răng lượng chính, gồm: - Placenta accreta, tình trạng nhẹ nhất, gai nhau bám vào đến lớp niêm mạc bên ngoài của tử cung. Trường hợp này chiếm tới 75% các ca nhau cài răng lược. - Placenta increta, gai nhau bám vào đến lớp cơ tử cung. Chỉ chiếm khoảng 15%. - Cuối cùng là Placenta percreta, gai nhau ăn xuyên hết lớp cơ tử cung, đến thành mạc và có thể ăn sâu tới cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng... May mắn là bệnh lý này chỉ chiếm xấp xỉ 7% trong các ca nhau cài răng lược. |