Lần đầu vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm vợ bầu, anh chồng trẻ trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc từ lo lắng, ngại ngùng đến cười đau bụng.
Đi chăm vợ bầu hay vợ đẻ nằm viện sản là một trải nghiệm đáng nhớ mà chắc chắn chỉ người đàn ông nào đã từng trải qua mới hiểu được. Gần đây, trên mạng xã hội, một anh chồng trẻ đã chia sẻ câu chuyện đi chăm vợ bầu tại bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) đầy thú vị của mình và thu hút được sự chú ý lớn của cư dân mạng.
Anh N. viết: "Lần đầu tiên trong đời mình đi chăm bà bầu. Mình và vợ chưa cưới yêu nhau 2 năm rồi, còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa cưới thì cách đây một tuần vợ mình phát hiện mang bầu. Phải nói là cả gia đình mừng rơi nước mắt bởi cách đây 3 tháng mình bị quai bị nên ai cũng lo vô sinh.
Hôm qua ngày 27/8, vợ mình bị đau bụng xong bị băng huyết đi khám thì bác sĩ bảo bị dọa sảy thai, phải nhập viện để điều trị. Vì nhà vợ mình mẹ mất rồi, chỉ có bố với anh trai nên mình đảm nhận trách nhiệm theo vợ vào khoa sản để chăm vợ".
Anh N. đang chăm vợ bầu trong khoa sản bệnh viện.
Và lần đầu tiên được bước vào "thánh địa" của chị em phụ nữ, chàng trai trẻ không tránh khỏi những bất ngờ.
"Bước vào phòng bệnh, ấn tượng đập vào mắt mình là toàn là các cô, các chị, ai cũng nằm chổng nghoe, chổng gọng phưỡn cả bụng ra, có mấy chị kiểu đẻ nhiều nên quen rồi chẳng ngại gì nằm tớn cả váy lên, phưỡn ra cái bụng tròn xoe.
Cả phòng thì chẳng thấy mống con trai nào nên mình ngại lắm, không dám nhìn đi đâu, chỉ chăm chăm nhìn vợ. Đến tầm 5 giờ thì bác sĩ đến bảo vợ phải nằm khoảng 3 tuần để ổn định thai, không được đi lại nhiều. Đến 5h30 là giờ cho người nhà vào thăm thì mới loáng thoáng mấy người đàn ông, giúp mình đỡ ngại hơn", anh N. kể tiếp.
Điều đặc biệt hơn là ngày đầu tiên anh chồng trẻ này ở lại viện sản lại đúng ngày đội tuyển U23 Việt Nam đá trận tứ kết quan trọng tại Asiad 2018. Vậy nên anh cũng được chứng kiến những cảnh tượng thú vị khi mọi người cùng theo dõi trận đấu trong bệnh viện.
Không khí bóng đá lan truyền khắp cả nước và bệnh viện cũng không ngoại trừ. (Ảnh minh họa)
Anh chia sẻ: "Ở bệnh viện không có TV nên mình ra hành lang xem bằng điện thoại, thế là mấy ông đi chăm vợ xúm vào cùng xem. Đang xem gần hết hiệp 1 thì một bà ra gọi "Tuấn ơi, vào đưa vợ đi đẻ, vỡ ối rồi". Ông Tuấn kia trả lời: "Ơ sao đẻ sớm vậy, lúc chiều bác sĩ còn bảo phải sáng sớm cơ mà. Đang dở trận bóng, mẹ vào đi con vào ngay.
Hiệp 1 kết thúc với tỷ số 0-0. Trong thời gian nghỉ giữa hiệp, xen giữa những câu chuyện bình luận về bóng đá là chuyện của mấy ông đi chăm vợ. "Vợ ông đẻ lứa thứ mấy rồi, con trai hay con gái", "Ối giời 3 đứa rồi toàn con trai". "Chẳng bù cho tôi 4 gái cả" rồi thì những câu hỏi thăm như "vợ bao giờ đẻ", "vợ mổ hay đẻ thường, mở mấy phân rồi",... Nghe đến hài".
Vậy là đã có ông bố lấy tên "người hùng" của đội tuyển U23 Việt Nam đặt tên cho con trai.
Vậy nhưng điều ấn tượng nhất phải kể đến những phút cuối của trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Syria. Không khí căng thẳng và sau đó là mừng vui dường như lan tỏa khắp cả bệnh viện.
"Hiệp 2 rồi đến hiệp phụ tiếp tục. Đến phút 108 Văn Toàn ghi bàn cho Việt Nam cả bốn góc bệnh việc tiếng hô vang trời, mấy ông trực vợ đẻ sốt ruột chạy ra hóng hớt kẻo lỡ mất thời khắc lịch sử. Kết thúc trận đấu Việt Nam thắng 1-0, ông Tuấn lúc nãy vợ đẻ con trai nặng 3,2kg. Ông ấy sướng quá nên đặt ngay tên con là Văn Toàn", anh N. chia sẻ.