Trong dịp Tết, việc phối hợp thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc, không ảnh hưởng đến sức khỏe là rất quan trọng. Nếu làm được điều này sẽ không phải nhập viện và tránh được đen đủi trong năm mới.
Trong thời gian nghỉ Tết, việc ăn uống liên tục, với nhiều thực phẩm khác nhau dễ khiến hệ tiêu hóa hoạt động hết công suất, thậm chí việc ăn thực phẩm không kiểm soát dễ dẫn tới ngộ độc. Theo quan niệm, việc ngộ độc hay nhập viện trong dịp Tết sẽ mang lại những điều không may mắn, vì vậy biết cách phối hợp và lựa chọn thực phẩm là điều rất quan trọng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa, nhằm tránh ngộ độc đó là duy trì thói quen ăn uống như ngày thường, tránh thực phẩm lạ và ăn cân đối các nhóm chất dinh dưỡng.
Theo PGS Lâm, việc ăn cân đối các nhóm chất là điều quan trọng nhất, vì các nhóm chất đều có vai trò bổ trợ cho nhau không chỉ ở hệ tiêu hóa, mà còn giúp quá trình trao đổi chất trong toàn cơ thể được tốt hơn.
Ngoài ra, vấn đề nhiều người lo lắng nhất đó là Tết ăn nhiều đồ béo, đồ đạm thì cần phải làm gì để tiêu hóa dễ hơn? “Cách tốt nhất là chỉ ăn vừa đủ nhu cầu thực phẩm giàu đạm, mỡ theo khuyến nghị chỉ nên ăn khoảng 70g/ngày. Ngoài ra, có thể ăn thêm một chút thực phẩm lên men như dưa muối, củ hành, kiệu muối vì nó cũng giúp kích thích tiêu hóa. Đặc biệt, phải ăn đủ rau xanh, quả chín theo khuyến nghị là 400-500g/ngày”, PGS Lâm chia sẻ.
Việc kết hợp thực phẩm hợp lý vừa giúp món ăn ngon, cơ thể lại hấp thu được nhiều dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Lâm cũng khuyến cáo, khi chế biến thực phẩm, việc kết hợp các thực phẩm hỗ trợ nhau cũng rất quan trọng. Với các loại thịt giàu đạm, giàu sắt như các loại thịt đỏ, thì nên chế biến kết hợp kèm theo các loại củ quả giàu vitamin C để vừa giúp hỗ trợ tiêu hóa tốt, vừa giúp hấp thu sắt vào cơ thể được nhiều hơn.
Ngoài ra, khi ăn nhiều thực phẩm giàu đạm, sắt cũng nên tránh một số loại đồ ăn, đồ uống có khả năng làm ức chế hấp thụ sắt, trong đó có trà và cà phê, ca cao, hạnh nhân … Các nghiên cứu cho thấy trà và cà phê là những đồ uống có khả năng ức chế chất sắt mạnh nhất, do chúng chứa chất tannin.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng tư vấn, để bảo vệ sức khỏe, tránh ngộ độc nhập viện trong dịp Tết, mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau khi sử dụng thực phẩm. Cụ thể:
- Tránh nạp quá nhiều muối vào cơ thể trong các bữa ăn ngày Tết: Nên hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối. Nêm gia vị chứa muối ở mức độ vừa phải và chấm nhẹ tay, tránh cho món ăn trở nên quá mặn.
- Sử dụng rượu, bia ở mức vừa phải, trong ngưỡng khuyến cáo: Nam không quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ không quá 1 đơn vị cồn/ngày (1 đơn vị cồn =1 chén rượu mạnh 30ml 40% = 330ml bia hơi = 3/4 lon/chai bia 5% = 1ly rượu vang 100ml 13,5%).
- Các bữa ăn phải đầy đủ các chất dinh dưỡng: Đường, đạm, mỡ, chất xơ, khoáng chất, vitamin ở tỉ lệ cân đối, uống đủ nước.
- Chú ý lựa chọn những món ăn lành mạnh: Lựa chọn những món ít dầu mỡ, dưới dạng calo thấp, chế biến đơn giản như hấp, luộc. Hạn chế các món ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ...
Ngày Tết nên ăn những món hấp luộc, thực phẩm lành mạnh thay vì ăn món chiên rán nhiều. Ảnh minh họa.
- Quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, như:
+ Bảo quản thực phẩm đúng cách;
+ Không nên mua tích trữ quá nhiều thực phẩm ngày Tết;
+ Nấu chín kỹ thức ăn, ăn ngay sau khi nấu;
+ Không để thực phẩm ngoài nhiệt độ phòng quá lâu nhất là các món dễ hỏng như nem, chả, thịt;
+ Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
Cuối cùng, khi gặp bất kể vấn đề gì về sức khỏe, nhất là biểu hiện ngộ độc cấp tính, mọi người cần đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không vì tránh gặp đen đủi ngày Tết mà cố chịu để gây biến chứng nguy hiểm.
Nutifood Sweden GrowPLUS+ với công thức được phát triển bởi Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI Đề kháng khỏe, Tiêu hóa tốt. Sản phẩm chứa: - 1 tỷ lợi khuẩn Bifidobacterium hỗ trợ ngăn ngừa táo bón và vi khuẩn có hại. |