Dù di chuyển bằng ô tô hay máy bay thì mẹ bầu cũng nên hết sức cẩn thận.
Tết đến, xuân về là dịp để những người con nơi phương xa trở về gia đình cùng sum vầy hay nhiều gia đình lại lựa chọn cùng nhau đi du lịch, xả hơi sau một năm vất vả. Tuy nhiên, đối với chị em phụ nữ đang mang thai hoặc lâm bồn trong khoảng thời gian này, việc đi lại, di chuyển ngày Tết cần phải đặc biệt chú ý để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và an toàn cho bé.
Bác sĩ Trần Vũ Quang (bệnh viện Phụ sản Trung ương) sẽ đưa ra những lời khuyên dành cho các mẹ bầu trong việc đi lại những ngày Tết.
Trước khi di chuyển bằng ô tô, máy bay, mẹ bầu nên thông báo trước với nhân viên về tình hình sức khỏe của mình. (Ảnh minh họa)
Những lưu ý trước khi đi
Bác sĩ Quang cho biết, không phải mẹ bầu nào cũng nên đi xa. Những mẹ bầu mang thai tháng cuối, gần đến ngày dự sinh mà chủ quan đi xa dễ gặp tình trạng chuyển dạ bất ngờ, khó chủ động được việc đến bệnh viện đã đăng ký dự sinh hoặc cơ sở y tế gần nhất. Ngày Tết rất dễ xảy ra tình trạng tắc đường, kẹt xe nên mẹ bầu có thể gặp nhiều tình huống khó xử lý hơn. Ngoài ra, đợt Tết là giai đoạn lưu lượng giao thông đi lại tăng khi nhu cầu du lịch và về quê nhiều nên mẹ bầu bị hít phải khói bụi không khí ô nhiễm không tốt cho cả hai mẹ con.
"Việc di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay có thể thay đổi áp suất và độ rung lắc khi mặt đường xấu, va chạm có thể gây động thai, tăng nguy cơ dọa sảy, đẻ non", bác sĩ Quang nói.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần lưu ý vì đa số các hãng hàng không đều có quy định riêng đối với việc nhận hành khách là phụ nữ mang thai. Bạn có thể sẽ phải trình hồ sơ khám thai hoặc chứng nhận của bác sĩ để cho thấy tình trạng sức khỏe bình thường và tuổi thai không quá quy định của hãng. Nên tìm hiểu thông tin về vấn đề này trước khi bạn đặt vé và khởi hành để có thể chuẩn bị trước cũng như tránh những phiền hà không đáng có.
Mỗi hãng hàng không sẽ có những quy định riêng về việc vận chuyển hành khách mang thai. (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi di chuyển
Theo bác sĩ Quang, khi mẹ bầu di chuyển cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nên chọn vị trí ngồi gần cửa hay lối đi để tiện di chuyển khi cần thiết. Riêng đi ô tô thì mẹ bầu nên lựa chọn vị trí ngồi hàng đầu để hạn chế nôn buồn nôn, say xe.
- Đem theo các gối tựa, ôm nhỏ, kê cổ, kê lưng, gác chân cho thoải mái khi di chuyển trong thời gian dài.
- Lưu ý mặc dù khá khó chịu nhưng bạn nên thắt dây an toàn khi di chuyển để đảm bảo rủi ro khi xảy ra va chạm, tai nạn.
Ngồi lâu, mẹ bầu nên thường xuyên co duỗi cơ thể, đi lại nhẹ nhàng để tránh đau nhức, tụ máu chân. (Ảnh minh họa)
- Hạn chế di chuyển những chuyến đi dài quá 6 tiếng để tránh tình trạng tụ máu chân và khung chậu.
- Dành thời gian đi bộ dọc hành lang hoặc tập thể dục cho chân để tránh máu tụ ở chân và giãn tĩnh mạch nếu di chuyển bằng oto, tàu lửa, máy bay trên chuyến đi hành trình dài.