Ở cữ nhà ngoại hay nhà nội, trên phố hay về quê là nỗi trăn trở của rất nhiều mẹ bầu.
Quanh chuyện chọn nơi đón con yêu chào đời của các cặp vợ chồng trẻ cũng có bao chuyện dở khóc dở cười.
Quyết ở cữ nhà ngoại vì sợ… mẹ chồng
Cưới nhau tận 3 năm mới có con nên vợ chồng anh Thanh, chị Phượng mừng rỡ lắm. Người mừng không kém nữa là bố mẹ anh Thanh. Vì anh là con trai độc nhất của gia đình, chị Phượng lại mang bầu thằng cháu đích tôn cho ông bà thì hỏi sao không vui được. Suốt thai kỳ, chị Phượng được mẹ chồng lo cho từng “miếng ăn, giấc ngủ”. Thế nhưng vì mẹ chồng chị chu đáo quá nên nhiều lúc cũng khiến chị không thoải mái.
Suốt thai kỳ, dù cơ quan chị làm cách nhà 3km nhưng mẹ chồng chị nằng nặc bắt chị buổi trưa về nhà ăn cơm cho bằng được. Bà bảo ăn ngoài không đảm bảo vệ sinh lại tốn kém. Không chỉ có thế, mẹ chồng chị Phượng còn “theo sát” nhất cử nhất động của chị từ việc đi khám thai đến việc đi ngủ lúc mấy giờ. Vì được mẹ chồng quan tâm quá nên nhiều lúc chị cảm thấy mình như bị “theo dõi”. Vì thế mà chị nẩy sinh ý định muốn về nhà mẹ đẻ ở cữ.
“Mình đã đọc rất nhiều tâm sự của các mẹ trên diễn đàn nói về chuyện ở cữ nhà chồng. Có người thì chẳng được mẹ chồng quan tâm, có người lại được quan tâm, chăm sóc thái quá, rồi cách chăm trẻ sơ sinh của hai thế hệ khác nhau nên sẽ khó sống lắm. Bây giờ mới bầu bí mà mẹ chồng mình đã “quản lý” mình chặt thế này rồi, sau sinh chắc không được ra ngoài đến 3 tháng 10 ngày mất. Mà mình sợ nhất mẹ chồng mình kỹ tính, lại để ý hết việc này đến việc kia thì khổ. Về nhà mẹ đẻ tha hồ mà làm nũng bố mẹ.”, chị Phương tâm sự.
Nhiều cặp đôi bất hòa vì không thống nhất được nơi ở cữ. (ảnh minh họa)
Vậy là đến cuối tháng thứ 8 thai kỳ, chị nằng nặc đòi chồng xin cho về nhà mẹ đẻ ở cữ. Thế nhưng từ ngày cưới nhau, rồi cả thai kỳ mẹ chồng đã chăm sóc thế, đây lại là cháu đích tôn của bố mẹ anh Thanh nên sao nói về nhà ngoại là về được. Mà ngay từ những ngày đầu mang thai, mẹ anh Thanh đã tuyên bố thẳng thừng là chị Phượng có sinh thì cũng phải ở cữ 3 tháng ở nhà chồng rồi mới đi đâu thì đi. Vì vậy, anh đã phải tìm đủ mọi lý do để thuyết phục chị Phượng ở nhà chồng nhưng chị dứt khoát không nghe.
Cuối cùng anh Thanh phải nhờ mẹ vợ khuyên bảo con gái, rồi hứa chỉ cần ở cữ nhà chồng 1 tháng rồi sau đó mẹ đẻ sẽ lựa lời sang xin bố mẹ chồng cho chị Phượng về nhà ngoại. Lúc đó chị mới bằng lòng ở lại nhà chồng sinh con.
Vợ chồng lục đục vì chọn nơi ở cữ
Cùng là chuyện chọn nơi ở cữ nhưng câu chuyện của cặp vợ chồng Chiến – Hoa lại khác. Anh chị là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp rồi thuê nhà sinh sống, làm việc ở đây. Cuộc sống hai vợ chồng thì chẳng nói làm gì nhưng đến lúc có con trong ngôi nhà đi thuê vỏn vẹn 15m2 thì không thể không bàn. Đã rất nhiều lần anh chị trăn trở nên về quê sinh con hay ở lại Hà Nội. Ở lại Hà Nội thì thiếu thốn đủ đường, nhà cửa chật hẹp, bà nội, bà ngoại thì không lên chăm sóc được. Chính vì vậy ngay từ ban đầu anh Chiến đã có ý định cho vợ về quê đẻ. Về quê vừa gần gia đình, lại có người chăm sóc chẳng quá tiện.
Thế nhưng chị Hoa thì không đồng ý với ý kiến đó. Chị bảo ở quê cơ sở vật chất kém, chị rất lo sẽ không an toàn cho mẹ con. Mà giá được về quê ngoại thì chị còn đồng ý, đây lại về quê chồng chị không muốn chút nào. “Biết bao ca tai biến sản khoa thời gian gần đây chỉ vì trình độ bác sĩ kém hoặc cơ sở y tế không có nên em sợ lắm. Hơn nữa lại về quê chồng, em với bố mẹ chồng đâu có hiểu nhau lắm. Chồng lại đi làm xa. Ở cữ mệt mỏi, phải thức đêm mò hôm chăm con thơ nên em rất cần người đỡ đần. Mà đâu phải cái gì mình cũng nhờ bố mẹ chồng được. Em xin về nhà ngoại thì bố mẹ chồng và chồng không đồng ý. Tốt hơn hết là em ở lại Hà Nội sinh con. Thiếu thốn tí nhưng được ở cùng chồng, được chồng giúp đỡ là hạnh phúc rồi”, Chị Hoa nói.
Vậy nhưng anh Chiến không đồng ý bởi theo anh thì ở trên Hà Nội ban ngày anh vẫn phải đi làm, hai vợ chồng lại có con đầu lòng, anh không biết chăm bà đẻ thế nào. Thấy chồng khăng khăng bắt vợ về quê, chị Hoa cho rằng anh không còn yêu thương vợ. Nhất là khi chị đọc được nhiều tâm sự nói rằng trong thời gian vợ mang bầu và sinh nở chồng rất hay lăng nhăng bên ngoài. Chị nảy sinh nghi ngờ rằng anh muốn "đẩy" hai mẹ con chị về quê để được thoải mái “ăn chả”.
Chỉ vì chuyện chọn nơi ở cữ mà hai vợ chồng giận nhau mấy ngày. Khi biết vợ đang nghi ngờ mình, anh Chiến đã phải từ từ khuyên vợ, nhỏ to tâm sự mấy đêm rồi hứa "cứ cuối tuần là anh về với 2 mẹ con", rồi "chỉ ở nhà nội vài tháng cho con cứng cáp, khi nào thích sang nhà ngoại hoặc lên Hà Nội là anh sẽ đón lên luôn…". Khi ấy chị mới đồng ý về quê sinh nở.
Nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn về quê hay ở lại thành phố sinh nở. (ảnh minh họa)
Phật ý bố mẹ vì chọn nơi ở cữ
Không bất hòa như những cặp đôi trên nhưng chị Hảo lại có nỗi lo khác khiến bố mẹ chồng chị phật ý. Hai anh chị quê ở Ninh Bình nhưng đều làm việc trên Hà Nội. Từ hồi có bầu, anh chị đã quyết định sinh con trên thành phố nhưng ông bà nội, ngoại thì cứ muốn cho chị về quê sinh. Mẹ chồng chị bảo: “Đây là thằng cháu đầu tiên nên tôi phải đón nó chào đời. Mà lên thành phố thì tôi già cả không lên được. Ở quê bây giờ điều kiện vật chất cũng hiện đại, lại gần bố mẹ hai bên, rồi thì đỡ tốn kém. Bao nhiêu lợi ích thế mà sao anh chị lại muốn sinh ở thành phố.”
Quan điểm của chị Hảo lại khác hẳn với suy nghĩ của mẹ chồng. Chị đã nghe nói rất nhiều ca sinh nở ở quê do trình độ bác sĩ kém, không xử lý được khi tình huống xấu sảy ra trong quá trình sinh nở khiến sản phụ rơi vào tình huống nguy kịch.
Mà về quê còn không được gần chồng, lại sống với bố mẹ chồng không quen nên chị lo lắng lắm. Hai vợ chồng thì quyết tâm bảo vệ quan điểm ở lại thành phố sinh con nhưng phải nói với ông bà thế nào đây? Cuối cùng anh đã nghĩ ra cách là dựa vào bảo hiểm xã hội cơ quan đóng cho, chi trả cho toàn bộ ca sinh nở nên chẳng tốn kém gì. Anh còn bắt taxi đưa mẹ lên thành phố sống cùng từ khi vợ mang bầu tháng thứ 8 để bà quen dần với cuộc sống thành thị.
Cũng may chị Hảo có được anh chồng tâm lý, vừa hiểu tâm lý vợ lại rất khéo chiều ý bố mẹ nên mẹ anh đã không bắt con dâu về quê sinh con mà còn ở lại thành phố chăm cho con dâu và cháu nội cả 3 tháng ở cữ.
Việc chọn nơi ở cữ nhà nội hay nhà ngoại, thành phố hay về quê là nỗi trăn trở của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, các cặp đôi nên cân nhắc kỹ lưỡng, tìm ra mặt lợi ích và hạn chế của từng nơi trước khi đưa ra quyết định để không vì chuyện nhỏ này mà gây bất hòa trong gia đình.