Đừng để mang thai xong… mang bệnh

Ngày 18/07/2014 00:01 AM (GMT+7)

Nhiều bệnh lý xuất hiện trong thai kỳ có thể trở thành bệnh mãn tính nếu không được can thiệp kịp thời.

Tình trạng thai nghén với sự thay đổi đa dạng về mặt cơ thể có thể làm phát sinh nhiều bệnh lý mang tính tạm thời như đái tháo đường thai kỳ, cao huyết áp thai kỳ, suy giãn tĩnh mạch, một số rối loạn tâm thần kinh, đau mỏi tay chân… Vì bệnh sinh ra do sự thay đổi nội tiết tố và các tác động khác từ thai nên thường sẽ tự biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp những căn bệnh này không được can thiệp kịp thời nên diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến việc sinh nở cũng như kéo dài ngay cả sau khi sinh, trở thành những căn bệnh mãn tính,

Tai biến vì cao huyết áp, tiểu đường

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, bệnh lý trong thai kỳ có thể chia làm 2 loại: nhóm bệnh lý có trước khi mang thai và nhóm bệnh lý phát sinh trong thai kỳ. Nhóm bệnh lý trước khi mang thai, gồm tất cả các loại bệnh mà một người bình thường có thể mắc phải như bệnh nội khoa, ngoại khoa, tâm thần kinh, cơ xương khớp, tim, thận, phổi, tuần hoàn… sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ bởi vì tình trạng mang thai và sinh nở có thể khiến bệnh trầm trọng thêm và đe dọa sức khỏe của mẹ lẫn con. Nhóm còn lại là những phụ nữ khỏe mạnh, không mang bệnh trước đó nhưng khi mang thai lại phát hiện bệnh. Bệnh có một phần nguyên nhân do thai. Nói là một phần nguyên nhân bởi lẽ có thể cơ thể người phụ nữ đó đã sẵn có các yếu tố nguy cơ và tình trạng mang thai như một sự cộng dồn khiến cơ thể sinh bệnh, chứ không phải bệnh hoàn toàn là do mang thai. Cũng có nhiều trường hợp bệnh còn do việc chăm sóc thai kỳ chưa hợp lý.

Đừng để mang thai xong… mang bệnh - 1
Đăng ký khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM.

“Đó có thể là các bệnh như cao huyết áp thai kỳ, đái tháo đường thai kỳ, bệnh lý mạch máu, đau lưng - cột sống, stress…, trong đó đáng chú ý nhất vẫn là cao huyết áp thai kỳ và đái tháo đường thai kỳ, đây cũng là 2 bệnh khá phổ biến hiện nay và có nhiều nguy cơ tồn tại sau thai kỳ nếu không được điều trị, chăm sóc hợp lý. Cao huyết áp thai kỳ chính là thứ dẫn đến tiền sản giật và sản giật - một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm nhất có thể đe dọa tính mạng của sản phụ. Đái tháo đường thai kỳ làm gia tăng nguy cơ sẩy thai, thai to, dễ mắc nhiều bệnh lý từ khi mới chào đời; người mẹ cũng đối diện với nguy cơ tai biến sản khoa. Ngày nay, lối sống, chế độ dinh dưỡng và sự gia tăng tỉ lệ mắc cao huyết áp và đái tháo đường thông thường cũng là những yếu tố khiến 2 căn bệnh này thường gặp hơn trong thai kỳ. Hai bệnh này đều có nguy cơ tiếp diễn thành cao huyết áp và đái tháo đường mạn tính, một mối phiền toái lớn cho bệnh nhân, nhất là khi họ có nhu cầu mang thai lần nữa thì đó sẽ là một thai kỳ nguy cơ cao” - BS Thông phân tích.

Nên kiểm soát bệnh từ trong bụng mẹ

Theo BS Thông, tốt nhất vẫn là phòng bệnh nhưng nếu nó đã lỡ xảy ra trong thai kỳ thì phải tìm đến BS ngay để kiểm soát tốt căn bệnh và nhất thiết không được tự ý điều trị bởi việc dùng thuốc bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến thai.

Một căn bệnh nữa hành hạ nhiều thai phụ là chứng suy giãn tĩnh mạch khi mang thai, nhiều người bị nặng nên bệnh không hết sau thai kỳ mà để lại một đôi chân nổi nhiều gân xanh, mất thẩm mỹ và gây đau nhức. Tuy nhiên, theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới do mang thai có thể hết hoặc giảm bớt sau khi đã sinh xong, nếu thai phụ chịu khó đi khám và chăm sóc đôi chân theo lời khuyên của thầy thuốc. Đối với các trường hợp bị quá nặng, thai phụ được khuyến cáo mang vớ tĩnh mạch, loại dụng cụ y khoa vẫn thường dùng cho các bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch.

Stress và trầm cảm trong thai kỳ cũng là một bệnh có xu hướng tăng ngày nay do lối sống công nghiệp nhiều áp lực với những biến đổi về nội tiết tố khi mang thai. “Giúp thai phụ ổn định về tâm lý để có một thai kỳ an toàn hơn chưa đủ mà còn phải dự phòng nguy cơ bệnh biến thành trầm cảm sau sinh. Tình trạng này thường xuất hiện 4-5 ngày sau sinh, khiến sản phụ có những cảm xúc, hành vi bất thường, thậm chí nguy cơ tự sát, lơ là việc chăm sóc con, thậm chí gây nguy hiểm cho con. Nếu đã là trầm cảm sau sinh thì nhất thiết phải được điều trị đúng cách bởi bác sĩ tâm thần. Vì vậy, tốt nhất là ngăn chặn nó bằng cách quan tâm đến người phụ nữ khi mang thai, giúp họ sắp xếp công việc, giảm lo âu và kịp thời điều trị nếu họ bắt đầu có những dấu hiệu bất thường. Ở đây, vai trò người chồng là quan trọng nhất” - ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, khuyến cáo.

Không chỉ là ngừa “hậu họa”

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, việc kiểm soát các bệnh phát sinh trong thai kỳ không chỉ là hành động ngăn chặn chúng tiếp diễn về sau mà còn để thai phụ có một thai kỳ an toàn hơn. Bởi lẽ, dù là căn bệnh nào, không ít thì nhiều chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và thai nhi. Và tốt hơn hết vẫn là… đừng để chúng xảy ra bằng cách có chế độ vệ sinh thai nghén hợp lý, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp với thể trạng. Trước khi mang thai, người phụ nữ cũng nên đi khám tổng quát để phát hiện các yếu tố nguy cơ và giải quyết dứt điểm trước khi làm mẹ.

Theo Anh Thư (Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác