Hạ nhiệt cho mẹ bầu ngày nắng nóng

Ngày 16/05/2014 17:58 PM (GMT+7)

Có không ít bà bầu đã phải… đổ mồ hôi vì nóng trong cả thai kỳ dài đằng đẵng, nhất là vào mùa nắng nóng như thế này.

Suốt 9 tháng 10 ngày mang bầu, bên cạnh những mệt mỏi thường gặp, chị em còn phải chịu vất vả với những thay đổi bên trong cơ thể như liên tục bị “nóng trong người”, thêm nhiều tác động từ thời tiết bên ngoài, nhất là trong mùa hè oi bức, nắng gắt, độ ẩm cao… Thế nên có không ít bà bầu đã phải… đổ mồ hôi vì nóng trong cả thai kỳ dài đằng đẵng.

Bà bầu choáng vì nắng, vì “nóng trong người”

Một trong những bất tiện gây khổ sở nhất cho chị em bầu bí chính là cả cơ thể và tâm trạng luôn trong tình trạng chực chờ “bốc hỏa”. Nguyên nhân gây “nóng trong người” ở bà bầu chính là do sự thay đổi đột ngột của nồng độ hormone và nội tiết tố trong cơ thể. Cụ thể, trong lúc mang thai, cơ thể bà bầu phải hoạt động rất nhiều để thích ứng với sự phát triển của phôi thai và lá nhau. Chuyển hóa tăng nhanh hơn bình thường từ 10 – 25%, nghĩa là toàn bộ cơ thể gia tăng nhịp độ hoạt động của các cơ quan. Lượng máu tuần hoàn tăng từ 30 – 40% so với lúc chưa mang thai. Cung lượng tim tăng rõ, gần đến mức tối đa, và giữ ở mức độ này suốt thai kỳ. Để giảm huyết áp, động, tĩnh mạch ở các đầu chi dãn ra nên bàn tay và bàn chân thai phụ luôn ấm hơn bình thường. Bên cạnh đó, hiện tượng tim đập nhanh, tuyến giáp trạng phình to, hormone tuyến thúc tính cũng tác động làm cho nhiệt độ cơ thể thai phụ tăng cao từ 0.3 – 0.5 độ C. Chưa kể lượng mồ hôi sẽ tiết ra nhiều hơn, hơi thở trở nên sâu hơn làm bà bầu bị hụt hơi khi vận động mạnh.

Hạ nhiệt cho mẹ bầu ngày nắng nóng - 1
Do thay đổi của tâm sinh lý và nội tiết tố, cùng với tiết trời oi nồng mùa hè khiến bà bầu phải đổ mồ hôi vì nắng, vì “nóng trong người”. (ảnh minh họa)

Ngoài việc cơ thể bị nóng lên, cơ thể nặng nề, mệt mỏi còn tăng thêm cảm giác nóng bức, khó chịu cho thai phụ. Nếu cộng thêm tình trạng khí hậu oi nồng, nóng ran, độ ẩm cao và nắng gắt vào mùa hè sẽ càng khiến bà bầu thêm khốn khổ.

Có bầu bé Tami từ tháng 1 năm nay, đến tháng 4, tháng 5 là đỉnh điểm nắng nóng ở miền Nam, chị Thủy (Tân An, Long An) thường ở trong tình trạng căng thẳng, dễ nổi nóng và luôn đầm đìa mồ hôi. Cho nên dù ở bất cứ đâu, thậm chí ngay tại cơ quan, chị cũng kè kè chiếc quạt máy mini vì không chịu nổi cái nóng đến cháy da. Trong khi đó, không may mắn được làm việc trong môi trường máy lạnh mát mẻ như chị Thủy, chị Hằng, hàng xóm của chị Thủy  phải làm việc trong môi trường nóng bức, đầy bụi bặm tại một cơ sở sản xuất giấy. Khi có thai đến tháng thứ 6 cũng là lúc cả nước đang trong đợt nắng nóng kinh người, chị Hằng đã ngất xỉu tại chỗ làm và phải đưa vào cấp cứu trong bệnh viện do say nắng nặng. Như vậy là, cùng với tình trạng “nóng trong người”, nắng nóng có thể làm cho thai phụ bị kiệt sức, mất nước, đột quỵ. Thêm vào đó, nhiệt độ cơ thể thai nhi luôn cao hơn nhiệt độ cơ thể mẹ 1 độ C, nên nếu mẹ để tình trạng thân nhiệt gia tăng thì không chỉ mẹ choáng vì nóng và nắng, mà bé cũng có thể bị vạ lây. Từ trường hợp chị Hằng có thể thấy, mùa hè luôn là khoảng thời gian bà bầu cần cảnh giác cao độ để giữ sức khỏe tốt nhất cho cả hai mẹ con.

Hạ nhiệt cho bà bầu mùa nắng nóng

Để “hạ hỏa”, đặc biệt là trong các ngày nắng nóng, bà bầu nên chú trọng nhiều hơn trong sinh hoạt và chế độ ăn uống hàng ngày như sau:

Tăng cường các thực phẩm làm mát cơ thể

Ngoài việc xây dựng một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng cho thai phụ như tỷ lệ 6 – 11 khẩu phần ngũ cốc (cơm, mì, phở…), 2 - 4 khẩu phần hoa quả, 4 khẩu phần rau xanh, 4 khẩu phần sữa và 3 khẩu phần protein, vào mùa hè, bà bầu cần tăng cường lượng thức ăn làm mát cơ thể như ăn nhiều rau xanh, dùng nhiều canh, các loại trái cây có nhiều nước như thanh long, dưa hấu, dưa bở, dưa chuột, nho, táo, lê, cam bưởi quýt, dâu tây.... Đồng thời ăn nhiều món dễ tiêu như cá hấp, cháo thập cẩm, thịt nạc, đậu hũ, rau má v.v…, tránh các món chiên xào nhiều dầu mỡ, món cay nóng, nhiều gia vị, món nướng, bánh kẹo ngọt, trái cây vị ngọt đậm như nhãn, xoài chín, mít, vải, sầu riêng, trái cây khô v.v….

Hạ nhiệt cho mẹ bầu ngày nắng nóng - 2
Bà bầu cần uống từ 8 – 10 ly nước mỗi ngày trong mùa nóng để tránh bị mất nước, say nắng và đột quỵ. (ảnh minh họa)

Uống nhiều nước

Trong cái nóng oi bức, cơ thể thường tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi khiến lượng nước tuần hoàn giảm đáng kể, có thể làm cho thai phụ bị mất nước, khiến tim bé đập nhanh hơn và làm tăng nguy cơ sinh non. Để phòng tránh mất nước và mệt mỏi do nóng, các bà mẹ tương lai cần tăng cường uống nước liên tục trong ngày. Nếu bình thường, lượng nước cần mỗi ngày là 6 - 8 ly nước, thì trong mùa nóng, bà bầu cần khoảng 8 - 10 ly nước mỗi ngày ngoài nước canh. Các loại nước tốt nhất dành cho thai phụ là nước lọc, kế đến là sữa, nước trái cây và nước trà thảo mộc thanh nhiệt không có chất kích thích…

Đêm ngủ, ngày hoạt động, trưa nghỉ ngơi thích hợp

Mùa hè oi bức thường làm bà bầu ăn không  ngon, ngủ không yên, do đó một chế độ nghỉ ngơi hợp lý rất cần thiết để giúp chị em khôi phục năng lượng và có đủ sức khỏe để chống lại cái nóng gay gắt bên ngoài và bên trong cơ thể. Dù trời nóng bức nhưng bà bầu không được ham mát mà mở quạt hay máy lạnh hết tốc độ suốt đêm, không ngồi hóng mát ở những chỗ quá nhiều gió, không ngủ trên nền đất hay ở khu vực có gió lùa vào buổi tối. Nhiệt độ thích hợp ở phòng ngủ của thai phụ là khoảng từ 25 – 28 độ C, phòng ngủ thoáng và tránh nắng gắt vào buổi trưa. Nếu thấy hanh khô, bạn có thể lau sàn, vẩy chút nước sạch hay sử dụng quạt hơi nước để làm tăng độ ẩm. Để tạo không gian tươi mát tại nhà bằng cách trồng thêm một ít cây xanh hay trang trí một vài bể cá nhỏ nhiều nước.

Tắm nước ấm và thường xuyên lau khô mình

Do tuyến mồ hôi trên da của bà bầu tăng cường bài tiết hơn bình thường, nên cần phải thường xuyên lau người bằng khăn ẩm và tắm nước ấm để giữ cơ thể luôn sạch sẽ. Nên tắm vào buổi trưa và tối trước khi ngủ. Tuyệt đối không tắm ngay khi vừa đi ngoài nắng về, khi đang đổ mồ hôi và không dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh để tắm vì sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát

Để hạn chế tình trạng “nóng trong người”, bà bầu nên chú ý chọn trang phục có độ rộng vừa phải, bằng các chất liệu vải mềm mát và thoáng khí như cotton, tôn, vải lanh với các màu sắc dịu nhẹ, có thể chọn áo bầu không tay, không bâu, không có cổ áo giúp thêm cơ thể mát mẻ, dễ chịu. Một đôi giày sandal trệt, quai hậu hay giày búp bê vừa vặn cũng giúp chị em cảm thấy thoải mái hơn.

Tránh phơi mình dưới nắng

Ngoại trừ ánh nắng trước 9 giờ sáng vốn tốt cho cơ thể, còn lại toàn bộ thời gian trong ngày bà bầu nên tránh ra ngoài nắng quá lâu vì nắng gắt dễ làm bạn bị mất nước, say nắng. Tranh thủ tận dụng nghỉ ngơi trong chỗ mát, hay bóng râm càng nhiều càng tốt. Nếu phải ra ngoài, cần đội thêm mũ rộng vành, mặc áo khoác, uống nước thường xuyên hơn, bôi thêm kem chống nắng có độ bảo vệ ít nhất từ 50 SPF trở lên. Khi ra ngoài, nên tránh đến những chỗ quá đông người, ngột ngạt, tốt nhất nên sắp xếp đi vào sáng sớm hay cuối buổi chiều khi trời đã mát hơn để tránh bị say nắng.

P.N
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc bà bầu