7 năm rong ruổi chạy chữa từ Trung ra Bắc, vợ chồng chị Dung đã tìm thấy con yêu. Tuy nhiên, hành trình giữ thai ở lại gặp muôn vàn khó khăn.
“Kế hoạch” dẫn đến hiếm muộn
20 tuổi, chị Tình Dung (sinh năm 1990 - Thanh Hóa) bắt đầu lập gia đình. Vì hoàn cảnh khó khăn, chị Dung và chồng quyết định “kế hoạch” để làm giàu. Vì vậy, sau mỗi lần “quan hệ”, chị Dung đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp để phòng tránh có bầu. “Thời điểm đó, do thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản nên vợ chồng mình không nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp. Mỗi lần quan hệ vợ chồng, mình đều uống 1 viên thuốc”, chị Dung hối hận tâm sự.
Chị cho biết thêm, thời gian đầu lập nghiệp ở Hà Nội, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn. Do vậy, anh chị lao đầu vào làm ăn, kiếm tiền. Sau 2 năm phấn đấu, cuộc sống dư giả, anh chị bắt đầu “thả cửa” nhưng không thấy 2 vạch.
“Lo sợ vô sinh, vợ chồng mình đi kiểm tra tổng thể ở Bệnh viện Phụ sản. Mình được bác sĩ chuẩn đoán tắc một bên vòi trứng, còn ông xã bình thường. Bác sĩ dặn vợ chồng mình phải theo dõi tình hình, 3 tháng sau không thấy thay đổi sẽ tìm cách chữa trị. Nhưng, mình và ông xã bỏ ngoài tai lời khuyên đó, cả 2 cùng lao vào kiếm tiền”, chị Dung kể lại.
Sau 7 năm mòn mỏi, chị Dung đã tìm thấy con yêu.
Rong ruổi chạy chữa từ Trung ra Bắc
Năm thứ 3, vợ chồng chị Dung bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Lúc này, chị nhận ra: Vợ chồng cần về quê chữa trị hiếm muộn. Nghe lời người làng mách bảo, chị đã lặn lội lên Mường Lát (Thanh Hóa) bốc thuốc về uống.
“Đường lên Mường Lát dốc và nguy hiểm nhưng mình vẫn cố gắng tới đó cắt thuốc. Mình uống hết bao thang thuốc vẫn không có kết quả. Tiếp đó, mình lại ngược ra Hà Nam lấy thuốc nam về uống. Tuy nhiên, mọi công sức cố gắng đều vô ích”, chị Dung chia sẻ.
Không đầu hàng số phận, vợ chồng chị Dung đã quyết định tới bệnh viện phụ sản Thanh Hóa để cấy tinh trùng vào buồng trứng và thất bại. Do vòi trứng của chị vẫn bị tắc 1 bên nên chị đã quyết định mổ nội soi. Tuy vậy, mổ xong vòi trứng vẫn bị tắc. Thời gian sau đó, vợ chồng chị tiến hành cấy phôi nhưng không thành công.
“Đôi lần, vợ chồng mình muốn bỏ cuộc. Nghĩ tới đứa con, cả 2 lại động viên nhau cố gắng. Tháng 10.2015, mình và ông xã đã tới một phòng khám tư cấy phôi. Lần này, ông trời đã rủ lòng thương và cho mình một đứa con. Lúc đó, vợ chồng và gia đình nội ngoại 2 bên mừng lắm”, chị Dung xúc động cho hay.
Chị Dung luôn ước ao có được 1 đứa con như cô cháu con chị gái
Thai 7 tháng, vẫn phải nằm giữ thai
Sau 7 năm ròng trên chuyến đi tìm con, chị Dung đã vỡ òa hạnh phúc khi cầm chiếc que thử thai 2 vạch. Tuy nhiên, quá trình giữ thai trong bụng là một hành trình mới vô cùng gian nan và đầy hiểm nguy.
“Mang bầu được 6 tuần, mình có dấu hiệu của sảy thai. Sợ thai hỏng, mình đã nhập viện điều trị 10 ngày. Khi con khỏe mạnh, mình đã xin về để gia đình tiện chăm sóc. Tới tuần thứ 23 và 27, thai nhi tiếp tục có dấu hiệu của đẻ non. Vậy là mình lại khăn gói nhập viện để bác sĩ theo dõi”, chị Dung tâm sự.
Tới giờ, chị Dung đã mang thai được 30 tuần. Tuy vậy, chị vẫn phải nằm 1 chỗ chờ tới ngày “lâm bồn”. Chị cho biết, trong các lần khám định kỳ, con yêu vẫn nằm ngoan trong bụng và chờ ngày chào đời. Hiện chị rất nóng lòng đợi tới ngày gặp cậu con trai đầu lòng sau 7 năm mòn mỏi chờ đợi.