Sau 15 năm kiếm tìm, hạnh phúc đã mỉm cười với vợ chồng chị Lan khi cặp song sinh một trai một gái vô cùng kháu khỉnh chào đời.
Kể lại hành trình 15 năm cố gắng để có con của mình, chị Lan (Ngọc Hà, Hà Nội) chia sẻ: “Trong hành trình đằng đẵng đó, có rất nhiều chuyện đã xảy ra, mình chỉ nhớ được ít thôi còn có những chuyện mình không buồn nhớ lại nữa. Quan trọng hơn cả, bây giờ mình đã có được hai thiên thần nhỏ, một gia đình hạnh phúc và đặc biệt là có người chồng chưa bao giờ “buông tay mình” ngay cả trong những lúc mình tuyệt vọng nhất.”
15 năm sống trong tuyệt vọng
Vợ chồng chị Lan quyết định “về chung một nhà” từ năm 1999. Ngày đó vì tuổi còn trẻ nên cả hai đã lên kế hoạch từ từ mới sinh con. Đến cuối năm đó, chị bị lao phúc mạc, phải điều trị mất 9 tháng. Ngay từ hồi đó, bác sĩ đã nói với chị khi bị bệnh này sẽ rất khó có con nhưng chị không tin. Sau đó, chị đã đi khám bác sĩ sản khoa, được chụp vòi trứng và bác sĩ đã chẩn đoán chị bị tắc vòi trứng trái, phải mổ thông vòi trứng.
Một thời gian sau đó, anh chị bắt đầu lên kế hoạch cố gắng thụ thai nhưng trong nhiều tháng, kết quả vẫn không thành. Chị Lan được bác sĩ khuyên nên làm thụ tinh nhân tạo (IUI – một phương pháp lọc rửa tinh trùng). Anh chị cũng thực hiện nhưng kết quả lại không như mong muốn, chị bị chửa ngoài tử cung và vô cùng đau đớn khi phải cắt vòi trứng bên trái.
Cặp song sinh một trai một gái cực đáng yêu của vợ chồng chị Lan. (ảnh NVCC)
Dù có khởi đầu không hề suôn sẻ nhưng chị Lan không nản lòng. Sau lần đó, chị tiếp tục theo bác sĩ để được điều trị tiếp nhưng cũng không có kết quả.
“Thời gian đó, mình cũng buồn bởi hơn 2 năm cố gắng mà con không có. Mình đã nghỉ không đi chữa nữa. Một hôm, mình còn nhớ như in, mình tự dưng thấy đau bụng, măt mũi tối sầm lại. Chồng đã vội đưa đi khám cấp cứu nhưng chính bác sĩ còn không thể phát hiện mình bị làm sao. Sau đó mình mới được cho thử que thì quá bất ngờ, que hiện lên hai vạch mờ. Nhưng điều đặc biệt là thời gian đó mình vẫn đang có kinh nguyệt. Bác sĩ siêu âm nhưng không hề thấy có thai. Mình bị nghi ngờ chửa ngoài tử cung và đau đớn là sự thật đúng như vậy. Mình bị vỡ vòi trứng, lại phải cắt vòi trứng phải, thất vọng tột cùng. Ngày đó nói thật là mình đã buồn chán đến vô vàn.”, chị Lan kể lại.
"Đến năm 2006, mình quyết định đi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), bao nhiêu hy vọng những ngày đầu đến với phương pháp này thì mình lại càng thất vọng bấy nhiêu. Sau lần đầu làm IVF không thành, sau đó cứ vài tháng có điều kiện kinh tế là mình lại đến bệnh viện để được thụ tinh và cho đến bây giờ mình không nhớ là mình đã làm IVF bao nhiêu lần nữa.”
Cuối cùng đến năm 2008, chị Lan cũng đã đậu hai thai, nhưng một lần nữa thử thách lại đến với chị khi bị quá kích buồng trứng. Chị đã phải nhập viện điều trị quá kích buồng trứng đến khi ổn định về nhà chị lại bị lên cơn đau bụng dữ dội.
“Mình còn nhớ năm đó Hà Nội thì mưa bão ngập hết đường, từ nhà mình đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội rất gần, nhưng do đường ngập mà mãi mới đến nơi. Trong lúc đau đó mình chỉ mong hai con không sao thôi. Bác sĩ làm xét nghiệm cho mình bảo mình bị chửa sừng, phải mổ cấp cứu, mổ đến 4 giờ chiều mình tỉnh, câu đầu tiên mình hỏi chồng là liệu con mình còn không? Chồng mình bảo vẫn còn, không sao cả. Mình yên tâm, nhưng đến tối mình thấy bị rỉ máu, mình vội gọi cho bác sĩ. Sau khi thăm khám, bác sĩ nói gì đó với chồng mình nhưng mình không nghe được, chỉ thấy bảo là mình phải nạo thai thôi vì ra máu rồi. Vậy là lại một lần nữa thất bại, mình đã khóc như mưa, tại sao ông trời lại bất công với vợ chồng mình như thế…”, chị Lan kể lại trong nước mắt.
“Sau thời gian đó, mình đã mất rất nhiều tháng chán nản nhưng rồi lại tự mình vượt qua. Mình lại cố gắng gượng dậy, tự hứa với bản thân mình sẽ chiến đấu với số phận, bằng chính bản thân mình và mình lại tiếp tiếp tục làm thụ tinh ống nghiệm.
Thời gian đó cứ thất bại là mình lại làm lại, cứ vài tháng làm một lần. Mình còn bị lạc nội mạc tử cung nữa chứ. Rồi lại phải mổ nhưng tất cả những gian nan đều không làm mình sợ. Mình vẫn kiên trì, mỗi vào phòng chọc trứng hay vào phòng mổ mình lại tự nhủ bản thân phải cố lên, cố thật nhiều, tất cả vì con yêu!”
Ảnh gia đình hạnh phúc của chị Lan. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ tiếp về hành trình tìm con của mình, chị Lan tự nhận chị là người bất hạnh về đường con cái. Nhưng may mắn chị nhận được sự yêu thương, đồng cảm và giúp đỡ của tất cả mọi người. May mắn nhất là chị có một người chồng tuyệt vời, không bao giờ “buông tay chị” kể cả trong những lúc chị buồn, tuyệt vọng nhất. “Khi chữa mãi vẫn không thể có con, tâm lý mình thực sự chán nản. Đã rất nhiều lúc mình muốn nói với chồng hay là anh đi lấy vợ khác, chứ sống với mình thế này thì anh thiệt thòi quá. Nhưng mỗi lần định nói là ra nước mắt mình lại tuôn rơi, không sao nói nổi…”, chị Lan nói.
Hạnh phúc mỉm cười trong sự lo lắng
Sau 14 năm kiếm tìm trong vô vọng, niềm tin, niềm hy vọng về “ngôi nhà và những đứa trẻ” của chị cũng mờ nhạt dần. Đến năm 2013, chị nghĩ thử làm nốt lần này nữa thôi rồi nếu không được sẽ quyết định buông xuôi mọi thứ.
Vào tháng 7/2013, chị Lan hạ quyết tâm làm thụ tinh ống nghiệm lần cuối cùng và thật sự chua xót khi chị lại tiếp tục bị hỏng. Chị đã nghĩ “chắc ông trời không cho mình, chắc vợ chồng mình hết duyên với nhau rồi.” Có một điều may mắn là trong lần thụ tinh này, chị lại có được rất nhiều phôi và có phôi trữ đông lạnh.
Vì có phôi dự trữ nên ước mong có con lại trỗi dậy. Vào tháng 11, chị đi chuyển phôi đông lạnh nhưng “không có hy vọng gì cả, có phôi dự trữ thì cứ đi thôi.” Nhưng trong lần anh chị ít hy vọng nhất thì “cánh cửa đã dần hé mở”. Qua 14 ngày, chị đi làm xét nghiệm máy, lượng máu Beta rất thấp chỉ được 128,3, hy vọng mập mờ và vô cùng buồn chán. Chị được bác sĩ khuyên cứ về nhà nghỉ ngơi, uống thêm thuốc một tuần nữa xem thế nào. “Đó là một tuần dài nhất trong cuộc đời mình, mình cảm thấy dài như một năm vậy.”
“Sau 5 ngày không thấy có kinh nguyệt, mình không dám hy vọng nhiều nhưng nói thật lúc đó mình thực sự có niềm tin rằng may mắn đã đến. Mình rủ chồng đi làm xét nghiệm lại, thật không ngờ, chỉ số Beta tăng lên 2004. Vợ chồng mình đã hét lên vì sung sướng. Em bé đã có phôi thai và qua siêu âm, bé đã vào tử cung mẹ. Minh chưa bao giờ quên được cảm xúc lúc đó.”
Vậy nhưng khi có bầu, niềm vui thì ít mà nỗi lo thì nhiều. Chị Lan kể, ngày đó chị đã rất sợ những rủi ro lại đến với mình, đến với các con. Rồi dần dần, hai em bé cứ lớn lên trong cơ thể chị, anh chị đã mong ngóng, đếm từng ngày đến ngày dự sinh.
Cuối cùng, hạnh phúc đã cập bến bờ khi hai bé ra đời bằng phương pháp đẻ mổ ở tuần thứ 36 thai kỳ với sức khỏe hoàn toàn bình thường, bé trai nặng 2,7 kg và bé gái 2,2 kg. “Khi bác sĩ bế bé trai ra, dù đang nằm trên bàn mổ đẻ nhưng mình đã cố gắng ngẩng đầu lên nhìn con, nước mắt mình đã trào ra vì sung sướng. Có thêm một cô công chúa xinh xắn đáng yêu nữa, mình đã khóc nức nở vì vui mừng tột độ. Đến bây giờ vợ chồng mình chỉ có niềm vui thôi, không còn buồn phiền gì nữa, mọi khó khăn đã đi qua hết rồi.”
Sau 15 năm cố gắng với không biết bao nhiêu lần thụ tinh trong ống nghiệm, cuối cùng hai bé song sinh đã chào đời. (ảnh NVCC)
Hành trình 15 năm “tìm con” của vợ chồng chị Lan thực sự gian nan với bao nhiêu nước mắt đã rơi, tiền của không đong đếm được, bao nhiêu lần đau khổ vì ngỡ có con trong tầm tay lại bị tuột mất, và cả nhưng đau đớn về thể xác khi nằm trên bàn mổ… nhưng tất cả đều không thể so sánh được với niềm hạnh phúc khi được ôm hai con trên tay. “Cái giá để có cặp song sinh này thực sự “đắt” nhưng mình không bao giờ cảm thấy hối hận. Tất cả mọi khó khăn, đau khổ giờ đã đi qua hết rồi, chỉ còn niềm hạnh phúc và những nụ cười ở lại.”, chị Lan xúc động nói.
Quyết định chia sẻ câu chuyện hiếm muộn của mình, chị Lan mong muốn sẽ tiếp thêm động lực cho các cặp đôi đang rơi vào hoàn cảnh như chị. “Hãy tin tưởng vào tương lai, đừng bao giờ nản lòng, đừng bao giờ bỏ cuộc và hạnh phúc sẽ mỉm cười ở cuối đường hầm… Hy vọng các mẹ hiếm muộn sớm có con yêu!”