Hành trình 'tìm con' đầy nước mắt

Ngày 29/04/2014 10:50 AM (GMT+7)

Đã 9 tháng kể từ khi đón 2 “thiên thần nhỏ” nhưng niềm vui chưa khi nào vơi trên nét mặt của đôi vợ chồng trẻ Yến - Thành.

Bước đến cổng căn nhà nhỏ thuộc xã Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã nghe tiếng trẻ con cười đùa ríu rít, nhưng ít ai biết để có được điều đó, hai anh chị Yến – Thành đã phải trải qua gần 6 năm rõng rã, kiên trì trong hành trình “tìm con”.

Gian nan hành trình “tìm con”

Kết hôn từ năm 2007 trong niềm hạnh phúc, hân hoan của gia đình hai bên và bạn bè, chị Yến đã chuẩn bị tất cả những điều kiện tốt nhất để đón đứa con đầu lòng. Thế nhưng, hơn 1 năm qua đi, niềm vui ban đầu dần bị thay thế bằng sự lo lắng khi mãi vẫn chưa có “tin vui”. Chị bắt đầu theo chồng tới khám tại một bác sĩ sản khoa nổi tiếng  ở Hào Nam, Hà Nội và được chẩn đoán là ứ dịch vòi trứng gây tắc vòi trứng và được chỉ định đi thông. Chị mổ thông vòi trứng giữa năm 2009 tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương. Lại 1 năm chờ đợi mà không có dấu hiệu mang thai, hai anh chị bắt đầu bước vào hành trình “tìm con”.

Hành trình #039;tìm con#039; đầy nước mắt - 1
Hai bé Đức Anh – Bảo Khánh là kết quả sau gần 6 năm vất vả chữa chạy của hai anh chị Yến - Thành.

Chị Yến kể: “Thời điểm đó là xác định bắt đầu phải chiến đấu rồi vì mình thuộc trường hợp khó có con. Ai mách chỗ nào có bác sĩ giỏi, bác sĩ hay là hai vợ chồng bảo nhau tìm đến.” Từ Hà Nội đến Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, không đâu hai anh chị chưa từng ghé qua. Thậm chí, hai người còn vào tận trong núi sâu trên Hòa Bình tìm bằng được bà lão dân tộc bốc thuốc mát tay mà nhiều người mách. Chị nói: “Nhiều khi đi chẳng có chút thông tin gì ngoài cái địa chỉ, phải lặn lội hỏi đường rồi không ít lần lạc đường, nhiều hôm đến tối mịt mới về đến nhà, người mệt phờ. Được mấy hôm mà có chỗ nào khác thì lại lao đi.”

“Có bệnh thì vái tứ phương” quả không sai, mỗi nơi lại có một phương pháp, một kiểu tư vấn riêng.  Có ông thầy thuốc ở Hải Dương mà hai anh chị đến, cứ khăng khăng cho rằng chị Yến không có vấn đề gì về vòi trứng cả (dù đã xét nghiệm, siêu âm kĩ lưỡng ở bệnh viện), có bác sĩ ở Hà Đông lại khám bệnh bằng cách nói chuyện rồi tham gia ý kiến về cách “sinh hoạt” vợ chồng và bảo phải áp dụng từ 1 năm rưỡi đến 2 năm. Nghe xong hai vợ chồng dở mếu dở cười đi về, chẳng biết nên khóc hay nên cười. Số tiền đổ vào việc đi lại, thuốc thang không ít, kéo theo đó là sức khỏe và tinh thần ảnh hưởng.

Khi hỏi chị Yến trong những lúc buồn nhất có nghĩ đến việc nhận con nuôi không, chị trả lời: “Cũng có người bảo hay nhận con nuôi vì có nhiều nhà nhận con nuôi được một thời gian rồi tự dưng có thai. Nhưng mình không đồng tình vì như vậy khác nào mình lợi dụng trẻ con, rồi còn tình cảm bên trọng bên khinh giữa con nuôi và con ruột nữa.”

Hành trình #039;tìm con#039; đầy nước mắt - 2
Luôn đồng hành cùng vợ trên mọi con đường, anh Thành hạnh phúc bên hai “thiên thần nhỏ”

Nước mắt sau niềm hi vọng

Sau hơn 1 năm tìm thầy tìm thuốc không có kết quả, chị Yến quyết định tiến hành thụ tinh nhân tạo ở viện C. Lần đầu chị đặt 4 phôi nhưng cả 4 phôi đều thất bại.

Chị kể, ở ngoài thì không biết chứ đến đó rồi nghe các chị cùng tới điều trị nhiều hoàn cảnh đáng thương lắm, nhà bao nhiêu tiền cũng đổ đi chạy chữa mà vẫn không được. Có chị nhà tận Hưng Yên theo điều trị ở Hà Nội nên thuê nhà trọ ngay gần bệnh viện để tiện đi ra đi vào, mãi mới thụ tinh thành công thì lại bị chửa ngoài dạ con nên phải bỏ. Chị Yến thở dài: “Nghe các chị kể mà cũng ứa nước mắt vì thương. Có người chạy chữa đến cả chục năm, tốn đến mấy tỉ đồng rồi mà vẫn chưa có kết quả. Ở ngoài không biết đâu, vào đây mới thấy khổ.”

Lần đấy chị Yến làm cùng 3 chị khác, một chị ở Hà Đông, một chị ở Bắc Ninh, một chị ở Láng Hòa Lạc. Trong bốn người thì ngoài chị Yến làm lần đầu, các chị khác đều trải qua 2-3 lần đặt phôi rồi nhưng không được. Chị Yến kể: “Bước ra khỏi phòng thủ thuật, cảm giác đầu tiên là hụt hẫng. Mình cũng biết là tỉ lệ thành công không nhiều nhưng vẫn nuôi hi vọng nên thấy buồn lắm. Các chị ở ngoài chờ mình ra thấy mặt mũi ủ ê là biết không được nên xúm vào an ủi, động viên. Các chị cứ động viên thế thôi chứ mình thấy mắt chị nào cũng đỏ hoe, bởi có người tới lần thứ 4 rồi vẫn không được…”. Cá biệt có chị Tâm (Láng Hòa Lạc), đặt phôi thụ thai thành công nhưng không giữ được."Vừa thấy mình ra là chị Tâm vội quay đi lấy ống tay áo chùi nước mắt rồi quay lại nhìn mình cười tươi hết sức có thể. Hình ảnh đó vừa chân thật vừa đáng thương mà mình mãi mãi chẳng thể quên được. Người phụ nữ chỉ có niềm hạnh phúc lớn nhất là được làm mẹ mà sao hạnh phúc ấy đến với các chị lại khó khăn như thế?"

Lần đầu đặt phôi thất bại khiến chị Yến có phần chán nản, lại hay lo nghĩ nên gầy rộc cả người. Thấy vợ mệt mỏi, anh Thành chủ động đề nghị tạm ngừng điều trị, nghỉ ngơi một thời gian để thoải mái tinh thần. Hai anh chị tranh thủ đi du lịch để thay đổi không khí và thoát khỏi áp lực “có con” đè nặng bấy lâu nay.

Sau khi đi du lịch về được 2 tuần thì chị bắt đầu cảm thấy có biểu hiện buồn nôn, hơi đau tức bụng. Dù không nói ra nhưng bản thân chị cũng biết đây là những biểu hiện của việc có thai. “Mình chẳng dám hi vọng quá nhiều, cũng chẳng dám nói với ai. Anh Thành cũng bảo chờ khám, có kết quả rõ ràng đã nhưng cũng khấp khởi lắm” – chị Yến nói: “Hôm sau ra viện khám, trong lúc chờ hai vợ chồng rủ nhau đi dạo xung quanh, vừa đi vừa nói chuyện, có nhiều dự định lắm mà chỉ chờ có con để thực hiện thôi. Chưa khi nào vợ chồng mình trò chuyện về tương lai mà hào hứng như vậy.”

Chị Yến có thai thật, nhưng lại chửa ngoài dạ con, được chỉ định mổ và có thể phải cắt bỏ môt bên buồng trứng, nếu không chị khó có thể mang thai bình thường. “Chẳng biết phải tả thế nào về tâm trạng lúc ấy nữa…” – chị kể chậm lại: “Có quá nhiều cảm xúc đan xen lẫn lộn. Lần đầu tiên mình cảm thấy quá ít hi vọng như vậy…” Ca phẫu thuật được tiến hành nhanh chóng sau đó, chị phải cắt bỏ một bên buồng trứng và tiến hành kẹp vòi trứng bên buồng còn lại để hạn chế tỉ lệ có thai ngoài dạ con. Các bác sĩ cũng động viên chị đừng buồn quá, có thai tự nhiên được là dấu hiệu khả quan rồi, chứng tỏ cơ thể chị đã có thể thích ứng với việc mang thai. “Mình may mắn gặp được các bác sĩ tốt và chu đáo lắm, không ngừng động viên. Chắc vì nhìn mình thảm hại quá, người gầy không có chút sinh khí nên ai cũng nói chuyện nhẹ nhàng hết mức có thể.”, chị Yến kể.

Hành trình #039;tìm con#039; đầy nước mắt - 3
Chị Yến hạnh phúc bên 2 con

Hành trình #039;tìm con#039; đầy nước mắt - 4
Đức Anh và Bảo Khánh khi tròn 1 tháng tuổi

Le lói ánh sáng cuối đường hầm

Tháng 11/2012,  chị Yến tới viện thụ tinh lần thứ 2, lần này làm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thực hiện theo phác đồ ngắn của bác sĩ. 14 ngày sau khi thụ tinh, chị phải nằm yên một chỗ, không cử động. Ngày bác sĩ báo thụ thai thành công, chị khóc "ngon lành" trên giường, cuối cùng cũng thấy tia sáng đầu tiên sau chuỗi ngày tăm tối. Vì nền thể lực của chị không tốt nên bác sĩ khuyên phải đặc biệt giữ gìn, không áp dụng chế độ sinh hoạt như các bà bầu bình thường được.

Thời gian mang thai phần lớn chị phải nằm trên giường, muốn vệ sinh cá nhân hay ăn uống đều phải thật nhẹ nhàng, chậm rãi, hạn chế người đến thăm, hạn chế nói chuyện. Chị bảo: “Buổi tối thì không sao chứ ban ngày cả nhà đi làm, nằm một chỗ xem ti vi đến ngày thứ 2 là chán. Nhà có người giúp việc nhưng cô ấy cũng bận lu bu nhiều thứ nên cả ngày chẳng mở miệng trò chuyện với ai. Tâm lý hầu như là thoải mái nhưng những lúc như thế thì lại hay nghĩ lung tung. Có lần thấy tủi thân quá khóc thút thít, chồng về mắng cho một trận.”

Trong 3 tháng đầu tiên, tuần nào chị cũng phải đến viện ít nhất 2 lần để theo dõi. Thấy chị ủ ê, bác sĩ cau mày bảo phải vui vẻ lên, phấn chấn lên, tinh thần có tốt thì con mới khỏe. Bác sĩ cũng cho chị xem những trường hợp mẹ tinh thần căng thẳng trong thời gian mang thai ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào.

Chị xem xong, lại tự động viên bản thân, những ngày ở nhà sau đó năng gọi điện cho bạn bè buôn chuyện, buôn chán thì ngồi xem phim hài. Chị cũng sinh ra thói quen viết nhật ký trên điện thoại những ngày này, ghi lại hết những suy nghĩ và cả những dự định cho tương lai. “Làm nhiều lại thành thú vui, nhiều lúc hứng lên còn nằm sáng tác truyện nữa. Đọc lại mới thấy mình cũng có thể bay bổng, thơ văn lãng mạn phết chứ!” – chị cười.

Tháng thứ hai mang thai, chị bị ra nhiều máu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bong rau do lần trước mang thai ngoài dạ con, lại phải tiến hành nạo vét. Cũng đợt này chị được báo tin mừng là mang song thai nhưng bác sĩ cũng cho chị biết những nguy cơ có thể, vì chị vốn không có thể trạng tốt như người khác, việc sinh đôi có thể làm hại đến cả mẹ và con. “Lo thì lo thật, sợ cũng sợ nhiều nhưng niềm vui được mang thai lớn quá, làm mình chẳng đắn đo gì nữa.”. Từ đây thì chị về nhà mẹ đẻ để tiện được chăm sóc, phục vụ. “Lần đầu tiên trải nghiêm cảm giác làm “công chúa” trong gia đình” – chị cười nói: “Chỉ nằm cả ngày, cơm bưng nước rót đến tận miệng. Mọi người chăm mình từng li từng tí, cái gì cũng không cho làm ngay cả việc nhỏ nhất!”.

Niềm vui cứ lớn dần theo sự lớn lên của bụng bầu. Những tháng cuối, bụng chị to như cái trống, lại méo về một bên, ai nhìn cũng buồn cười. Càng gần đến ngày sinh chị càng hồi hộp, nhiều hôm đến mất ngủ vì háo hức quá không chờ được thêm nữa. Chị đặt mua trên mạng hàng đống đồ trẻ sơ sinh, hôm nào cũng lôi ra ngắm nghiía rồi là lượt, gấp lại thật ngay ngắn, cứ làm suốt không biết chán.

Hành trình #039;tìm con#039; đầy nước mắt - 5
Đức Anh (bên trái) hay cười, thích hóng hớt còn Bảo Khánh thì trầm tư, ra dáng đàn ông hơn

Niềm vui vỡ òa

Vì nhiều lí do nên chị quyết định mổ sinh sớm trước ngày dự sinh 9 ngày. Ngày làm thủ tục để chuẩn bị vào phòng mổ, chị hồi hộp không tả được. Mọi người trong nhà, từ chồng chị đến bố mẹ hai bên và cả người thân đều lo lắng đứng ngoài phòng mổ. Tất cả đều cầu nguyện “mẹ tròn con vuông”.

10 giờ sáng ngày 13/7/2013, sau gần 6 năm ròng rã theo đuổi hành trình tìm con, tiếng khóc của hai đứa trẻ như đánh bay hết mọi muộn phiền, lo âu, vất vả của đại gia đình. Chị Yến kể: “Mình chẳng kịp nhìn thấy con do sinh sớm nên phải đưa vào phòng theo dõi chỉ số. Mình thì bị giữ lại trong phòng hậu sinh. Không nhìn thấy con thì không yên nên cứ ngọ nguậy đòi ra mãi. Huyết áp cũng không ổn định vì hồi hộp. Y tá hôm ấy chắc cáu với mình lắm mà cứ phải nói ngọt đấy. Nhưng mình không sao định thần lại được. Đến lúc ấy mình vẫn chưa tin là mình đã sinh con thành công.”

Hai bé trai được đặt tên là Đức Anh và Bảo Khánh. Đức Anh chào đời nặng 2,3kg, Bảo Khánh nặng 2,6kg. Đức Anh được về với mẹ ngay chiều hôm ấy còn Bảo Khánh thì vẫn phải ở lại trong phòng theo dõi riêng vì thời điểm bé ra nước ối bị đục.

Cảm giác được bế đứa con bé bỏng trên tay như có thứ gì đó vỡ òa. Những gì dồn nén trong bao năm đều được gột đi hết, như một trận mưa lớn qua đi, bầu trời lại trong xanh trở lại.

Hai đứa bé ngay khi mới sinh đã thể hiện hai tính cách khác nhau, càng lớn thì càng rõ. Đức Anh hay cười, khuôn mặt láu lỉnh, loi choi, lanh chanh không mấy khi chịu nằm yên một chỗ. Bảo Khánh trầm tư hơn, ít cười nhưng rất ngoan, ít khóc, cho cầm đồ chơi là thích, chơi cả buổi cũng được.

Nuôi hai đứa trẻ cùng lúc là thử thách cho bất cứ gia đình nào. “Sinh đôi nên sự liên kết của hai anh em rất cao, một đứa ốm là trước sau gì đứa còn lại cũng ốm dù kiêng khem hết cỡ. Hai đứa cũng chưa biết nhường nhịn, có khi còn đánh nhau, cấu nhau, thấy mẹ bế ai là đứa còn lại cũng đòi bế theo, cả hai đều quấn mẹ cực kỳ!” – chị Yến kể.

Hành trình #039;tìm con#039; đầy nước mắt - 6
Đức Anh “ghê gớm” hơn và hay bắt nạt em.

Điều khác biệt nhất khi được làm mẹ đối với chị Yến là được “mất tự do một cách hạnh phúc”: “Trước đấy còn thích được đi đây đi đó nhưng giờ mọi thời gian chỉ muốn dành cho con, ngắm hai đứa lớn lên mỗi ngày, cười nói, ê a với mình là điều tuyệt vời không thể diễn tả được bằng lời. Giờ chỉ mong hai anh em lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ còn chẳng cần điều gì hơn cả.”

Khi hỏi chị có ý định sinh thêm nữa không, chị chỉ cười: “Mình vẫn còn gửi 4 phôi nữa ở bệnh viện. Mỗi năm phải đóng 6 triệu/phôi để duy trì đấy. Để xem tình hình thế nào, 2-3 năm nữa thử thêm lần nữa. Mình vẫn luôn mơ ước có 4 đứa con, 2 trai 2 gái mà…”

Điều chị cảm thấy hạnh phúc nhất là trong suốt quá trình chạy chữa, họ hàng hai bên và nhất là chồng chị đều thông cảm và thấu hiểu tâm sự nên không giục giã, cũng không gây áp lực. Chị nói: “Nhiều lúc cứ tự suy nghĩ lung tung rồi sinh ra buồn bực thôi chứ không ai nói nói gì, chỉ động viên mình bồi bổ để có sức khỏe. Mình cảm thấy rất biết ơn gia đình vì đã luôn ở cạnh mình và cho mình chỗ dựa tốt nhất.”

Lâm Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu