Suốt một tháng ở cữ, mẹ chồng Trung Quốc không cho tôi ăn đồ lạnh, đồ cay nóng hay uống cà phê.
Hôm trước tình cờ đọc được bài viết “Mẹ Trung Quốc ở cữ 30 ngày không tắm”, tôi chợt nhớ lại những ngày ở cữ của mình. Không giống như các mẹ “mắt chữ O, mồm chữ A” khi đọc được thông tin này, tôi rất đồng cảm vì tôi đã từng trải qua kiêng cữ tương tự. Không được may mắn như mẹ Wu Lili là đến trung tâm ở cữ để các chuyên gia chăm sóc, tôi ở cữ tại nhà và được chính tay mẹ chồng Trung Quốc chăm sóc nên dường như tôi còn phải kiêng cữ nghiêm ngặt hơn.
Mẹ chồng Trung Quốc của tôi nói, ở thế hệ của bà phải ở cữ cả 3 tháng nhưng bây giờ thì chỉ cần 1 tháng là đủ. Trong một tháng đó, tôi không được tắm gội, không ra ngoài, không mặc quần áo ngắn tay và thậm chí không được dùng quạt hay điều hòa cho dù thời tiết có nóng nực đến mấy. Nhưng tất cả những điều này tôi đều chịu được, duy chỉ có chuyện ăn uống là tôi thấy nghiêm ngặt kinh khủng luôn.
Ngày ở Việt Nam, tôi đã từng chứng kiến mẹ chăm chị gái sinh nở nhưng đâu có nghiêm ngặt đến thế. Chị gái tôi vẫn được mẹ nấu cho những món ăn yêu thích chỉ cần ăn chín, uống sôi là được. Mẹ tôi còn nói ăn uống thế mới đảm bảo đủ dưỡng chất và có nhiều sữa cho con. Ngày nào mẹ cũng nấu cháo móng giò, đu đủ hầm, gà hầm thuốc bắc, chị tôi cũng chẳng ngần ngại ăn canh rau cải hay thịt bò bít tết… Trong tháng ở cữ và những tháng sau đó, chị gái tôi phục hồi rất tốt, khỏe mạnh bình thường và em bé bú sữa mẹ thì vẫn tăng cân ầm ầm. Thế nhưng khi nói điều này với mẹ chồng Trung Quốc của tôi, bà nghiêm mặt nói: “Tuyệt đối không!”
Suốt những ngày “trong tháng” đó, tôi chỉ được ăn đồ khô với cơm và các món rau luộc. Mẹ chồng tôi còn nhắc đi nhắc lại 4 điều cấm kỵ trong ăn uống với bà đẻ mà tôi phải ghi nhớ đó là:
Cấm đồ lạnh
Trong suốt thời gian chuyển dạ, chúng ta bị mất nước khá nhiều nên sau sinh, tôi chỉ thèm một ly nước mát vừa lấy ra từ tủ lạnh để uống cho bớt cơn khát thế nhưng mẹ chồng cấm tiệt. Bà bảo theo y học cổ truyền Trung Quốc, bà đẻ ăn đồ lạnh có thể sẽ gây hại cho lá lách và dạ dày. Thậm chí, đồ ăn lạnh còn có thể ngăn chặn việc thải chất bẩn và độc ra khỏi cơ thể (sản dịch) những ngày sau sinh.
Theo quan niệm của mẹ chồng tôi, đồ ăn lạnh không chỉ là những thứ vừa được lấy ra từ tủ lạnh mà còn rất nhiều thực phẩm có tính hàn như trứng vịt, hải sản, quả hồng, bưởi, chuối, dâu, kiwi, mía, dưa hấu, mướp đắng, măng… Vì vậy, sau sinh tôi chẳng được ăn uống đa dạng như các mẹ đẻ không kiêng kị khác đâu.
Sau sinh, việc ăn uống của tôi bị mẹ chồng quản thúc nghiêm ngặt. (ảnh minh họa)
Tránh xa thực phẩm cay, nóng
Tôi là người miền Trung nên “nghiền” ăn cay lắm. Dù đã sang làm dâu xứ người nhưng cái sở thích ăn uống của tôi thì chẳng thay đổi. Trong bữa ăn của tôi bao giờ cũng có vài lát ớt tươi hoặc chút tương ớt. Thế nhưng sau khi sinh, mẹ chồng tôi quản thúc rất nghiêm ngặt việc này. Bà bảo ăn đồ cay nóng rất nguy hại cho trẻ sơ sinh bởi thực phẩm có thể thông qua sữa mẹ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Mẹ còn nói nếu tôi không tin, hãy thử ăn đồ cay rồi sau đó cho bé bú xem, bé sẽ nhăn mặt và tỏ thái độ rõ rệt.
Theo mẹ chồng thì đồ ăn cay nóng còn dễ khiến bà đẻ bị táo bón – căn bệnh phổ biến và không hề dễ chịu với sản phụ sau sinh. Nghe lời mẹ chồng, mình cũng đành “nhịn miệng” vì con vậy.
Nói không với cà phê
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, chất caffeine trong cà phê có thể đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến em bé. Ngoài ra, mẹ uống nhiều cà phê cũng làm căng thẳng thần kinh và khiến chị em mất kiên nhẫn trong việc chăm con và có thể gây mất ngủ nữa. Thật may mắn, tôi không phải là người nghiện cà phê nên tôi chẳng để tâm đến điều cấm kỵ này của mẹ chồng. Thế nhưng mẹ vẫn không ngừng nhắc nhở vì sợ tôi một phút ngẫu hứng nào đó lại pha cà phê để nhâm nhi.
Thảo mộc cũng phải tránh
Tôi là tín đồ của các loại trà thảo mộc của Trung Quốc. Sang làm dâu xứ người, có lẽ niềm đam mê lớn nhất của tôi là sáng sáng, tối tối được nhâm nhi một tách trà ấm nồng, thơm mát. Thế nhưng đến khi Bống chào đời thì hầu như ngày nào mẹ chồng cũng nhắc nhở tôi không được uống trà. Bà bảo rất nhiều loại trà có thể khiến sản dịch của tôi bị bế tắc hoặc kéo dài thời gian tiết sản dịch. Một số loại trà lại làm căng thẳng thần kinh, ảnh hưởng đến con gái tôi nên tốt hơn cả là “tránh xa” cho đến khi tôi không còn cho con bú nữa.
Đấy trong tháng ở cữ, ngoài những nếp sinh hoạt bó buộc, tôi còn bị quản thúc chặt chẽ đến từng miếng ăn. Thế nhưng dù gì thì mẹ chồng cũng chỉ muốn tốt cho mẹ con tôi thôi. Tôi tình nguyện thực hiện theo và không quên cảm ơn mẹ chồng vì bà là người rất chu đáo và khéo chăm con cái. Tuy nhiên, ngẫm cho kỹ tôi không đồng tình nhiều với các quan niệm kiêng cữ này đâu. Có lẽ đến thế hệ con cháu tôi, tôi sẽ không bắt chúng phải ở cữ nghiêm ngặt thế này nữa.
Chia sẻ của mẹ Bống (nguyenhoanglan...@gmail.com)