Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, tốn bao nhiêu tiền của nhưng vì khát khao được làm mẹ, anh chị T (Hà Nội) vẫn cùng dắt tay nhau đi suốt 15 năm qua để tìm “trái ngọt”.
Tháng ngày hạnh phúc ngắn ngủi
Chị Thanh T. (nhân vật xin được giấu tên - Hoài Đức, Hà Nội) cho biết anh chị quen nhau khi cùng học chung cấp 3 nhưng mãi phải hết đại học, trong lần gặp lại nhau khi họp lớp, họ mới giữ liên lạc và có tình cảm từ buổi đó.
Sau 2 năm yêu nhau, anh chị quyết định về chung một nhà ở tuổi 27. Vì anh là con trai duy nhất trong gia đình có 2 anh em nên bố mẹ chồng chị T. rất mong chị sớm sinh con. Thời điểm đó, vì công việc 2 vợ chồng cũng đã ổn định nên anh chị không “kế hoạch” mà để thả có con luôn. “Mình nghĩ rằng chỉ cần “thả” là con sẽ đến và còn phân vân không biết có bầu rồi sẽ ra sao? Khi có con có được ăn chơi nữa không vì tính mình vốn ham chơi… Vậy nhưng thả 3 tháng không thấy gì, 6 tháng không thấy gì, mình bắt đầu đặt dấu hỏi.”, chị T. nói.
Chị bảo trước đây mẹ chị sinh 4 con đều rất dễ dàng, các anh chị em đều chỉ cách nhau 1-2 năm nên chị không nghĩ mình bị hiếm muộn, vô sinh. “Sau đám cưới một thời gian, nếu ai hỏi mình sao chưa có bầu, mình đều trả lời vợ chồng mình đang kế hoạch. Nhưng thực ra thì chúng mình không hề kế hoạch gì cả, chỉ là chưa thấy thụ thai.”
Người lo lắng hơn cả là mẹ chồng chị T. Cũng như mọi người, bà tưởng vợ chồng chị đang “kế hoạch” nên không dám giục giã nhiều, chỉ bảo: “Bà mong có cháu nội lắm rồi mà chúng nó vẫn còn ham chơi lắm.”
“Hôm đó, mẹ chồng mình gọi mình ra nói chuyện riêng, khuyên mình nên có con sớm vì bà sợ ngày càng nhiều người khó có con. Lúc ấy, mình mới nói sự thật với mẹ chồng rằng vợ chồng mình đã “thả” cả gần 1 năm nhưng chưa thấy có bầu. Từ đó, công cuộc chữa trị hiếm muộn của vợ chồng mình bắt đầu.”, chị T. kể.
Hành trình chữa hiếm muộn bắt đầu
“Vợ chồng mình chưa quá sốt sắng đến việc thuốc thang mà muốn để thêm 1 năm nữa xem sao nhưng mẹ chồng mình thì không bình tĩnh được. Bà đi hỏi đủ các thầy lang rồi đưa vợ chồng mình đi lên Bắc Cạn, Thái Nguyên, có khi vào trong Thanh Hóa, Hà Tĩnh… để cắt thuốc. Bà bảo, khó có con thì chỉ có thuốc Nam là hiệu quả nhất. Mình thấy mẹ chồng nhiệt tình nên cũng không thể từ chối và cứ thế, tháng nào mình cũng đi cắt thuốc, bắt mạch một lần…”
Chị T. chia sẻ, nếu để nói về các loại thuốc lá vợ chồng mình đã uống thì có lẽ chất đầy một nhà vẫn chưa hết. Sau 2,5 năm uống thuốc nam, bắc không có hiệu quả, vợ chồng chị T. từ bỏ và đi theo con đường Tây y với hy vọng sẽ sớm tìm được lý do.
“Ban đầu, vợ chồng mình đến bệnh viện Phụ sản Trung ương để làm các xét nghiệm soi tử cung, vòi trứng còn chồng thì được xét nghiệm tinh dịch đồ. Kết quả chồng tinh trùng yếu, nhưng vấn đề chủ yếu là ở mình, bị tắc cả 2 bên vòi trứng.”
“Ngày nhận được kết quả, mình đã khóc như mưa. Hóa ra lý do không có con là do mình. Vì thấy chồng và gia đình chồng rất muốn có con mà mình lại hiếm muộn nên càng lo lắng, tủi thân. Hồi đó, mình có hỏi chồng: “Nếu 5 năm mà em không sinh con được thì anh đi lấy vợ khác nhé?” Chồng mình bảo: “Em nói gì thế. Em không sinh con thì không yêu anh à?”. Mình nghe thế cũng thấy ấm lòng nhưng sâu trong tâm trí vẫn nghĩ nếu mình không đẻ được con thì cũng để chồng đi lấy vợ thôi vì anh còn phải có con để nối dõi tông đường.”
Thực hiện lời hứa với vợ, chị T. bảo suốt 15 năm qua dù không thể sinh con cho chồng nhưng anh không một lần trách móc, chán nản vợ. “Phúc đức để có được đứa con bây giờ có lẽ là nhờ ở chồng mình. Anh ấy hiền lành, tốt bụng và luôn nắm tay mình vượt qua mọi khó khăn cho dù người đời có chê bai là “gái độc không con”; gia đình chồng có lúc còn không chấp nhận mình… Vậy nhưng ở bên mình vẫn có anh ấy.”
5 năm kể từ ngày cưới và cùng chữa trị bệnh mà vẫn không có kết quả, anh chị T bắt đầu nghĩ đến việc làm thụ tinh trong ống nghiệm. Kể về hành trình thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm, chị T nói: “Mình không còn nhớ rõ mình đã làm IUI, IVF bao nhiêu lần nữa. Thời gian đó, cứ mỗi khi làm nụng để dành được khoản tiền nào đó là vợ chồng mình lại đến bệnh viện. Cái ham muốn có một đứa con cứ cuốn đi tất cả, nhiều khi bỏ cả công việc để mong có thể thụ thai.”
Trong suốt khoảng thời gian đó, cũng có không ít lần chị nản vì chịu mọi đau đớn, tốn bao nhiêu tiền bạc mà con vẫn không tới: “Chắc phải đến 5-7 lần mình bảo chồng đi lấy vợ khác đi vì mình không thể sinh con được. Lúc ấy, chồng chỉ ôm chặt mình rồi 2 vợ chồng cùng khóc.”
Không chỉ chịu áp lực từ chính bản thân mình, chị còn chịu nhiều điều tiếng từ những người xung quanh khi có không ít những lời ác ý nói về chị: “Nhìn người thế mà điếc!” “Ăn ở thế nào mới không có con chứ?”… Cũng vì không thể sinh con, không ít lần mẹ chồng chị giận ra mặt, rồi tình cảm mẹ chồng – nàng dâu cũng vì thế mà xa nhau dần. Suốt những năm tháng sau đó, chị chủ yếu ăn cơm nhà mẹ đẻ và chỉ về nhà khi có chồng ở nhà và để ngủ. “Mình sợ ngồi chung bàn ăn cơm với mẹ chồng, sợ bà hỏi chuyện con cái, sợ đối diện với thực tế là mình không thể có con…”
Vào cuối năm 2014, khi luật mang thai hộ được thông qua, chị đã nghĩ ngay đến việc có con bằng cách này. Chị bàn với chồng và không ngờ được anh đồng ý ngay, nhưng khi ngỏ lời với mẹ chồng, bà gạt đi ngay lập tức. “Mẹ chồng mình nói: “Người khác mang thai thì gọi gì là con mình, khác gì nhận con nuôi đâu, mẹ sẽ không bao giờ cho đứa bé đó bước vào nhà này!” Mình đau đớn từ bỏ ý định.”
Sau thời gian đó, chị lại thử vận may với IVF một lần nữa từ phôi đông lạnh nhưng kết quả vẫn như những lần trước. Dường như cơ thể chị không thể tiếp nhận đứa bé.
14 năm cố gắng có con không thành, chị bảo: “Những gì đã mất thì mất cả rồi, thời gian, tiền bạc, công việc, thanh xuân… Mình còn gì để mất nữa đâu nên lần này mình quyết định làm theo ý mình. Mẹ chồng không chấp nhận thì mình sẽ dọn ra ngoài ở.” Và chị bắt đầu kế hoạch giấu mẹ chồng việc nhờ người mang thai hộ.
Giấu mẹ chồng, nhờ em gái mang thai hộ
May mắn là em gái chị ngay sau khi nghe kế hoạch của chị đã đồng ý ngay. Thủ tục nhờ người mang thai hộ được thực hiện khá nhanh chóng. Phôi thai đông lạnh cũng đã có sẵn và em gái chị đã được cấy 2 phôi vào tử cung.
“Từ ngày cấy phôi mình gần như không ngủ vì lo lắng, không biết em gái có đậu thai không? Nếu có thai thì mình sẽ phải nói với mọi người thế nào? Mẹ chồng có chịu nhận cháu không? May mắn là lúc nào mình cũng có chồng ở bên cạnh động viên tinh thần. Lần nào thấy mình khóc, anh cũng ôm chặt rồi an ủi vợ.”
14 ngày sau khi chuyển phôi, lần đầu tiên thử thai, em gái đã báo cho chị T. có 2 vạch hồng rất đậm. Chị đang ở cơ quan vội chạy về nhà em gái. Hai chị em mừng quá chỉ biết ôm nhau khóc… Sau khi khám, bác sĩ nói một phôi thai đang phát triển rất tốt trong tử cung.
May mắn là thai kỳ của em gái chị T. khá ổn định. Gần đến ngày em gái sinh nở, anh chị đã quyết định dọn ra ngoài thuê nhà để ở riêng, tiện việc chăm sóc con. “Mặc dù vợ chồng mình chưa một lần nói với mẹ chồng về chuyện này nhưng dường như bà cảm nhận được. Thời điểm đó bà không nói chuyện với vợ chồng mình một nửa lời, gần như là từ mặt. Còn mẹ đẻ mình cũng không hề biết em gái đang mang thai đứa con của mình. Mình không muốn nhiều người biết rồi lời ra, tiếng vào…”
“Ngày đón con chào đời, mình chẳng biết làm gì, chỉ biết khóc vì quá hạnh phúc. Đứa con gái bé nhỏ giống hệt chồng mình. Mình được nghỉ chế độ 6 tháng trong khi em gái cũng được nghỉ 3 tháng để nuôi sữa con.”
Mặc dù đã có con nhưng anh chị vẫn luôn canh cánh trong lòng vì khiến mẹ chồng từ mặt. Ngày con được 6 tháng, anh chị quyết định bế con về để ra mắt mẹ chồng. Chị đã rất run sợ nhưng anh luôn nắm tay chị. “Thật không ngờ, vừa về đến cổng nhà, mẹ chồng mình đã chạy ra ôm cháu rồi rơi nước mắt. Cả nhà mình khi đó cùng khóc. Đó là giây phút mình ghi nhớ mãi và sẽ không bao giờ quên được.”
Khi được hỏi, để có được đứa con này, anh chị đã tốn bao nhiêu tiền? Chị T. nói: “Với những người hiếm muộn như vợ chồng mình thì bao nhiêu tiền cũng không đủ. Vợ chồng mình cứ làm việc, bòn nhặt được bao tiền là lại đi viện. May mắn cuối cùng có được con là hạnh phúc lắm rồi. 15 năm, quá nhiều nước mắt, tủi hờn, đau đớn và gian nan, mình trân trọng tất cả.”, chị T. nói trong nước mắt.