Khi nào nên nói chuyện bầu bí với “sếp”?

Ngày 31/05/2013 08:16 AM (GMT+7)

Thông báo việc bầu bí với sếp căng thẳng và cũng cần có kỹ thuật để tránh gây shock các mẹ nhé!

Khi biết có thai, mình nửa muốn thông báo ngay cho tất cả mọi người trong công ty, đặc biệt là sếp. Nhưng rồi lại đắn đo trước sau, sợ rằng việc có thai sẽ là lý do để các dự án đang theo chuyển cho người khác, việc thăng tiến ảnh hưởng, thậm chí, mình còn nghĩ mình có thể bị mất việc.

Khi chồng nghe khúc mắc của mình, anh đã nói rằng: “Chẳng việc gì phải sợ hãi điều đó, chuyện sinh con đẻ cái là chuyện bình thường của người phụ nữ cơ mà. Luật pháp quy định rõ rồi, chẳng có ai dám đuổi việc em chỉ vì em mang thai đâu. Tốt nhất là em nên coi lại hợp đồng lao động xem quy định về thai sản thế nào đã.”

Nghe rất có lý nên mình theo ý anh xã, xem lại các quy định của công ty về việc nghỉ đẻ, chế độ giành cho phụ nữ khi sinh… Và mọi việc đều ổn vì luật lao động đã quy định rõ ràng với mục đích bảo vệ bà mẹ trẻ em, ngăn chặn việc công ty đối xử không tốt với mình.

Khi nào nên nói chuyện bầu bí với “sếp”? - 1
Giữ bí mật chuyện bầu bí cho đến khi sắp xếp xong các kế hoạch
công việc mới là khôn ngoan. (ảnh minh họa)

Điều quan tâm tiếp theo là chọn thời điểm thích hợp để nói với sếp “tin vui”. Bản thân mình thì thấy điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ như mẹ nào ốm nghén nặng và có biểu hiện rõ ràng thì không thể trì hoãn được. Mẹ nào làm việc trong môi trường nguy hiểm hoặc công việc có thể gây nguy hiểm cho mẹ hoặc bé trong thời gian mang thai, thì tốt nhất nhanh chóng nói cho sếp biết để được thông cảm và hỗ trợ. Ngược lại, nếu cơ thể ổn thỏa thì hãy đợi cho đến khi kết thúc thai kỳ thứ nhất, lúc hết nguy cơ sảy thai rồi mới thông báo. Trước đó, cứ mặc đồ thoải mái, làm việc như bình thường.

Đây cũng là lúc chị em nhìn nhận lại và đưa ra quyết định có tiếp tục theo đuổi công việc mình đang làm nữa không. Bởi có nhiều công việc không thích hợp cho người có con nhỏ. Đó là chưa kể nhiều vị trí yêu cầu trọng trách và khối lượng công việc lớn, thích hợp với người còn son rỗi thì cũng nên xem xét việc chuyển chỗ ngồi.

Trong trường hợp các mẹ cực kỳ yêu thích công việc, hãy lên kế hoạch rõ ràng, đảm bảo mọi chuyện chạy đều khi chị em mang thai và vị trí vẫn được đảm bảo sau khi sinh. Dợt lại xem các chương trình, dự án mình đang chạy với đối tác nào, việc nào chắc chắn cần “đụng tay”, việc nào có thể giao cho người khác, đối tượng, các mối quan hệ cần thiết phải giữ chặt, các khâu quan trọng nên tham gia để khẳng định bản thân… Tất cả đều phải chi tiết, kỹ càng trước khi thông báo với sếp chuyện bầu bí.

Khi nào nên nói chuyện bầu bí với “sếp”? - 2
Hãy chứng minh cho sếp thấy chuyện mang bầu không ảnh hưởng nhiều đến
công việc bạn đang làm trước khi thông báo có thai. (ảnh minh họa)

Lưu ý là dù chọn lúc nào, chị em cũng nên nói nhanh và nói thẳng với sếp thay vì để sếp nghe từ một người khác. Chuyện này nên nói riêng và chọn lúc sếp thoải mái vui vẻ để thông báo.

Thường, các sếp và công ty luôn lo lắng bà bầu làm giảm hiệu suất lao động, sau sinh có trở lại làm không, nghỉ theo luật quy định hay sau đó xin nghỉ thêm nhiều ngày… Hãy cho họ câu trả lời thuyết phục để cả hai bên yên tâm về nhau.

Do vậy, khi thông báo, nhớ cho sếp biết kế hoạch sau sinh của các mẹ, ở nhà chăm chồng con hay tiếp tục theo đuổi sự nghiệp? Nếu còn cố được thì hãy cố hoàn thành công việc như bình thường. Dù cho mọi người có biết chuyện chị em mang thai, cũng đừng hơi một tí là  kêu mệt, buôn than với các đồng nghiệp khác, mong chờ họ làm thay bạn nhiều việc hơn… Phải luôn giữ hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt mọi người. Như thế, sếp thấy chuyện mang thai của bạn không ảnh hưởng gì đến công ty và các nhân viên khác và an tâm để bạn ở lại hơn.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu