Chị T.T.T, 20 tuổi, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ nhập viện trong tình trạng chóng mặt, da xanh, niêm mạc nhợt, nhịp tim nhanh, âm đạo có nhiều máu đỏ tươi lẫn máu cục, cổ tử cung hở, thân tử cung to hơn bình thường, ấn đau tức.
Sản phụ có tiền sử mổ lấy thai 9 tháng trước đây.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ TTYT huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tiến hành hồi sức chống choáng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh buồng tử cung niêm mạc dày 6 mm, không có hình ảnh túi ối, đoạn eo tại vị trí vết mổ có hình ảnh túi ối kích thước 21 mm, có túi noãn hoàng, không có âm vang thai và tim thai.
Ê kíp phẫu thuật cấp cứu cho sản phụ.
Các bác sĩ Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, thống nhất chẩn đoán bệnh nhân băng huyết do chửa vết mổ phân độ III – IV và tiến hành chỉ định phẫu thuật cấp cứu nội soi xử trí chửa vết mổ.
Quá trình phẫu thuật người bệnh được truyền 2 đơn vị máu, 2 đơn vị dung dịch cao phân tử, 2000 ml dịch tinh thể nhằm bù đắp lượng máu mất. Sau 1 giờ phẫu thuật, người bệnh được lấy hoàn toàn túi thai và được làm lại vết mổ bằng phương pháp nội soi. Sau phẫu thuật người bệnh có sức khỏe ổn định.
Theo BS.Đinh Quang Minh Hoà, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, chửa vết mổ là bệnh lý hiếm gặp (tỉ lệ 0,5% trong các bệnh lý thai ngoài tử cung) nhưng là bệnh lý nặng nề nhất trong nhóm bệnh thai ngoài tử cung.
Thai bám vết mổ cũ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh.
Phụ nữ khi đã sinh mổ lần đầu, các lần mang thai tiếp theo cần đi khám, kiểm tra thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa để phòng tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, hoặc điều trị sớm, tránh các hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe.