Trung Quốc - Khát khao một đứa con trai mà vợ lớn tuổi, bố của Hứa Thư Thanh đã vài lần bí mật tìm người mang thai hộ và đã toại nguyện.
Tháng 7/2022, Thư Thanh, quê ở Giang Tô, nhận được tin nhắn từ người bạn thân của mẹ, nhắc nhở cô dành thời gian cho bà. Đêm đó, cô gọi về nhà. Như mọi lần mẹ lại giục kết hôn, sinh con. Lúc này, người mẹ tiết lộ bí mật đè nén bấy lâu.
"Bố con đã sinh con trai bằng cách tìm người mang thai hộ, nay đứa bé đã được vài tháng tuổi", bà nói. Nghe xong, cô gái 24 tuổi bật khóc.
Nhiều đàn ông Trung Quốc đang lén giấu vợ con, tìm tới mang thai hộ để kiếm con trai nối dõi tông đường. Ảnh minh họa: Sina
Việc cha cô làm không phải trường hợp cá biệt. Loạt phóng sự mới đây của đài truyền hình Hà Nam vạch trần hành vi mang thai hộ bất hợp pháp, trong đó có hai trường hợp đàn ông trung niên sinh con nhờ mang thai hộ mà không nói cho vợ và các thành viên trong gia đình biết. Trên mạng xã hội một số người cũng chia sẻ câu chuyện tương tự của gia đình.
Cô Cao, 30 tuổi, kể với phóng viên chuyện cha cô đã sinh con bằng cách nhờ đẻ thuê. Kể từ khi chính sách hai con được nới lỏng, cha cô thực sự muốn có một đứa con trai, nhưng mẹ đã ngoài 40 tuổi. Tháng 7/2023, người cha tìm đến công ty môi giới. Khi thai nhi được 5 tháng, bố Cao đã lén lấy căn cước của vợ để làm khai sinh. Trong quá trình kiểm tra, Phòng Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương nhận thấy mẹ của đứa trẻ lớn tuổi bất thường nên đến điều tra. Sự việc vỡ lở.
Cụ thể, cha cô đã chọn trứng của một phụ nữ 24 tuổi, với chi phí 40.000 tệ (140 triệu đồng) và thuê một phụ nữ 35 tuổi từng hai lần sinh con để mang thai, với chi phí 550.000 tệ (gần 2 tỷ đồng).
Một trường hợp khác là bà Quách, 53 tuổi, người Hồ Nam chỉ biết hành vi của chồng vào tháng 9/2022. Hôm đó bà lúc tan làm về nhà thấy một người phụ nữ lạ đang bế một bé gái. Người này tự nhận là bảo mẫu và nói đứa trẻ là con của bà Quách. Nhìn qua sổ tiêm chủng của đứa trẻ, Quách thấy tên mình được ghi ở cột "Mẹ".
Vợ chồng bà có con gái 29 tuổi. Vì con không muốn lấy chồng và sinh con nên chồng bà nảy sinh ý định sinh thêm một đứa con. Ông từng mắng con gái rằng: "Mày đã khiến tao không thể làm ông ngoại, vậy nuôi mày có ích gì? Không có con cái đồng nghĩa bất hiếu". Đoạn ghi âm trò chuyện giữa chồng bà và công ty mang thai hộ cũng cho thấy ông rất hài lòng với bé gái chào đời lần này và hy vọng lần sau sẽ có thêm con trai.
Về phần Hứa Thư Thanh luôn biết "có con trai" là nỗi ám ảnh của cha. Năm 2015, Trung Quốc áp dụng chính sách hai con. Nhiều người bắt đầu lên kế hoạch sinh thêm con. Cha mẹ cô cũng tương tự.
Không lâu sau mẹ cô mang thai thành công. Tuy nhiên, sau quẻ bói của một người bạn, bố cô trở về nhà giận dữ bởi thầy phán 60% cái thai là con gái, nếu là con trai cũng thuộc dạng "phá gia chi tử". Ông bắt vợ phá thai. Vợ không đồng ý, ông tức giận và dần chuyển sang thờ ơ, chiến tranh lạnh.
Tâm trạng mẹ Thanh không tốt, cái thai ngừng phát triển và buộc phải phá bỏ. Vì tuổi tác, vợ chồng bà không cố mang thai nữa.
Khi Thư Thanh học năm hai đại học, hai mẹ con phát hiện cha cô đang gửi thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho một người phụ nữ để chuẩn bị mang thai. Tuy nhiên, lần đó không thành công. Khi bị phát hiện, bố cô đã viết cam kết hứa sẽ không tái phạm, nếu không sẽ tự nguyện rút lui khỏi cuộc hôn nhân và ra khỏi nhà tay trắng.
Tuy nhiên, những lời hứa hẹn và lợi ích không thể ràng buộc một người đàn ông trung niên đang khao khát có con trai. Ông Hứa có ý thức gia tộc mạnh mẽ. Vì không có con trai, ông không thể ngẩng cao đầu trước mặt người thân, bạn bè.
Trong một lần Thư Thanh và cha cãi nhau, ông nói mình cần một đứa con trai đến thăm mộ lúc chết. Và đặc biệt sau khi nghe tin cô nói không sinh nở, ý thức có con nối dõi tông đường càng mạnh mẽ trong ông.
Đằng sau người đàn ông này là sự ủng hộ của một bộ tư duy gia trưởng không thể lay chuyển. Nơi công tác của cha cô gần đây là ở một làng gần quê. Những chủ doanh nghiệp tại đây có xu hướng để con trai thừa kế nhà máy. Ông bà nội bảo vệ bố cô. Chính họ tiếp tay và che giấu. Khi đứa trẻ chào đời đã được nuôi ở nhà ông bà.
Thỏa thuận mang thai hộ trong phóng sự của Đài truyền hình Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Zhuanlan
Ngành công nghiệp mang thai hộ âm thầm phát triển ở Trung Quốc hơn 20 năm qua. Trong phóng sự của Đài truyền hình Hà Nam, phóng viên đã bí mật xâm nhập một số cơ quan mang thai hộ và phát hiện hầu hết đều có tên là phòng khám phụ khoa và bệnh viện tư nhân. Theo một quan chức giấu tên, trung bình một công ty này có thể thực hiện 160-180 đơn đặt hàng đẻ thuê mỗi năm. Báo giới nước này gọi mang thai hộ là "đại dương xanh" và tuyên bố hoạt động kinh doanh đang mở rộng hàng năm.
Các công ty mang thai hộ sẽ bí mật tuyển dụng những phụ nữ cung cấp trứng và người mang bầu. Giá trứng tùy thuộc vào chủ nhân, nếu người có ngoại hình nổi bật, vóc dáng và trình độ học vấn cao sẽ có giá từ 100.000 đến 300.000 tệ.
Để tránh rủi ro pháp lý, các cơ quan mang thai hộ sẽ liên kết với bệnh viện và cho phép người mẹ mang thai hộ nhập viện với thông tin của khách hàng. Sau khi đứa trẻ ra đời đương nhiên sẽ đứng tên khách hàng. Thậm chí có bệnh viện công khai bán giấy khai sinh.
Cuối tháng 7/2022, Thư Thanh trở về quê hương để giúp mẹ soạn thảo đơn ly hôn. Bố cô im lặng và chấp nhận ra khỏi nhà. Tết năm đó, cô đã nhìn thấy "em trai" khi về chúc Tết ông bà, song từ chối bế đứa trẻ.
Hiện tại bố vẫn mong muốn tái hôn với mẹ cô, riêng mẹ luôn muốn làm rõ đứa trẻ đó thật sự là mang thai hộ hay do ông phản bội mình. Bố cô từ chối làm rõ.
Mặc dù mẹ còn rất đau đớn và tạm thời chưa thể chấp nhận, Thư Thanh biết trước sau gì họ cũng tái hợp. Trong cuộc họp gia đình ngoại, hầu hết những người thân của mẹ đều nói rằng có thể hiểu được lựa chọn của bố cô. Họ cũng bày tỏ ly hôn ở tuổi này, mẹ cô sẽ rất khó tìm hạnh phúc mới.
Riêng cô gái 24 tuổi đang dần chấp nhận gia đình trọn vẹn của mình giờ đã có vết nứt. Cô từng có nhà để về nhưng giờ không còn nữa. "Tôi cần phải dựa vào bản thân nhiều hơn", cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)