Trên thế giới mỗi 15 phút có một trẻ bị tim bẩm sinh được sinh ra. Tim bẩm sinh là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đẩu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo GS.TS Nguyên Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, tim bẩm sinh là bất thường bẩm sinh thường gặp nhất chiếm khoảng 1% tổng số trẻ sinh hàng năm tại Việt Nam. Cũng theo GS. Ánh, tim bẩm sinh cũng gây ra những ca tử vong hàng đầu trong giai đoạn sơ sinh, chiếm gần 7% nguyên nhân gây tử vong từ 10 tuần tuổi thai đến 1 năm sau sinh tại nước ta. Đáng nói là mỗi năm tại Việt Nam có từ 8000 – 10.000 trẻ sinh ra bị tim bẩm sinh và chỉ có 50% số trẻ bị bệnh tim rất nặng, tuy nhiên chỉ 5000 trẻ được phẫu thuật sớm, một nửa số trẻ còn lại phải chờ thậm chí có trẻ tử vong trước khi đến lượt khám.
Chính vì thế, GS Anh cho rằng, việc Hội nghị thường niên y học bào thai lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia về y học bào thai, chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh trên thế giới sẽ giúp các bác sĩ được cập nhật kiến thức mới nhất trong lĩnh vực tầm soát, khám phát hiện và chẩn đoán góp phần xử lý ngay bệnh từ lúc đang mang thai cũng như ngay sau sinh góp phần cứu sống trẻ và nâng cao chất lượng dân số.
'Đồng thời, qua đây cũng sẽ có tiếng nói chung trong toàn quốc về cách thức, sàng lọc chẩn đoán bệnh nếu cơ sở nào xử lý được đến đâu thì xử lý còn không thì sẽ có sự trao đổi để chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn', GS Ánh nói.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội.
Dẫn chứng cho điều này, GS Ánh đã đưa ra trường hợp thai nhi 26 tuần tuổi qua sàng lọc trước sinh bác sĩ phát hiện thai nhi nhịp nhanh trên thất, phù thai. Nhịp tim của thai nhi lên tới 237 lần/ phút, nhịp xoang 140l/p. Sau khi phát hiện, thai nhi được điều trị tích cực từ trong bụng mẹ, đến tuần 37 của thai kỳ bác sĩ mổ lấy thai chủ động. 1 tuần sau khi được sinh ra nhịp tim trẻ sơ sinh về bình thường, nhịp xoang hình thái bình thường…
Theo thống kê của Bộ Y tế việc chẩn đoán trước sinh giúp có chiến lược chuyển dạ tốt hơn, có sự chuẩn bị về điều kiện can thiệp hay phẫu thuật ngay sau sinh. Tuy nhiên, tim bẩm sinh cũng là dị tật bị bỏ sót nhiều nhất trong siêu âm sàng lọc trước sinh do tính đặc thù của chuyên khoa.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, thời điểm tốt nhất để siêu âm sàng lọc tim bẩm sinh là khi thai từ 18-24 tuần. Khoảng thời gian này có thể khảo sát toàn bộ cấu trúc giải phẫu của tim. Khoảng thời gian sau vẫn có thể làm siêu âm nhưng thai càng lớn thì bác sĩ gặp nhiều khó khăn hơn trong khi siêu âm. Một số bất thường có thể phát hiện muộn sau giai đoạn này, gồm: Rối loạn nhịp, viêm cơ tim/bệnh cơ tim, suy tim, hở hoặc hẹp van tim, các khối u tim…