Kiên quyết giữ lại 1 phôi xấu, vợ chồng hiếm muộn được ẵm con trai kháu khỉnh sau nhiều lần IVF thất bại

Thảo Nguyên - Ngày 19/08/2023 13:30 PM (GMT+7)

5 năm hiếm muộn, cuối cùng vợ chồng chỉ còn 1 phôi xấu duy nhất nhưng vẫn may mắn có con bế bồng.

Thời điểm này, con trai nhỏ của vợ chồng chị N.P.L. ở TP. Hồ Chí Minh đã được 3,5 tuổi. Trộm vía con rất kháu khỉnh, dễ nuôi và không hề quấy khóc. Mỗi ngày nhìn con trai lớn lên, vợ chồng chị P.L. vẫn nghĩ như một giấc mơ. Bởi trước đó bản thân chị P.L. bị đa nang buồng trứng còn anh xã thì bị dị dạng tinh trùng nên 2 người khó có thể mang thai tự nhiên được.

Biết bản thân có bệnh như vậy, sau gần 1 năm kết hôn thấy không có con tự nhiên được nên vợ chồng chị P.L. dắt nhau đi khám. 2 năm sau (2017), vợ chồng chị quyết định tiến hành tìm con luôn.

5 năm hiếm muộn, cuối cùng vợ chồng chỉ còn 1 phôi xấu duy nhất nhưng vẫn may mắn được nghe tiếng cười trẻ thơ. (Ảnh: NVCC)

5 năm hiếm muộn, cuối cùng vợ chồng chỉ còn 1 phôi xấu duy nhất nhưng vẫn may mắn được nghe tiếng cười trẻ thơ. (Ảnh: NVCC)

Lúc đầu, 2 vợ chồng chị đều nghĩ, tuổi còn trẻ, tỉ lệ phôi tạo ra sẽ tốt, theo đó tỉ lệ thành công cũng sẽ cao hơn. Thế nhưng những lần tìm con của 2 người cứ gian nan mà tin vui vẫn biệt tăm.

“Lần thứ nhất, em được bác sĩ tư vấn làm IVM (nuôi trứng non). Do em đa nang buồng trứng nên bác sĩ tư vấn biện pháp này phù hợp, đỡ tốn kém, tổng cho phí là 45 triệu đồng.

Nhưng lần này em được ít trứng và chỉ được 5 phôi ngày 3 loại 2 và 3. Bác sĩ cho chuyển 1 lần, kết quả em có thai nhưng thai bị sinh hoá sớm (sảy sớm)”, chị P.L. kể về hành trình tìm con đầu tiên không thành công của mình.

Tiếp tục nghỉ vài tháng sau lần mang thai đầu bị sinh hóa sớm, chị P.L. chuyển qua làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hết 75 triệu đồng. Thời điểm này người vợ trẻ luôn cố gắng ăn uống, tẩm bổ tốt hơn nên chọc được 21 trứng, tạo được 11 phôi ngày 3.

Thấy kết quả khả quan, vợ chồng chị P.L. quyết định nuôi lên ngày 5 để chọn phôi khoẻ mạnh. Cuối cùng chị được 4 phôi ngày 5 và 1 phôi ngày 6 loại 3 (phôi này là phôi kém chất lượng bác sĩ nuôi thêm). Lúc nhận kết quả phôi, bác sĩ bên phòng Lab tư vấn huỷ cũng được vì kém quá nhưng do nghĩ mỗi một phôi là 1 hy vọng, vì thế chị P.L quyết trữ lại.

“Sau khi tạo phôi em nghỉ 2-3 tháng cho cơ thể hồi phục. Em bổ sung vitamin, tập thể dục, xoa bụng dưới hàng ngày để cải thiện sức khỏe, cải thiện nội tiết. May mắn em chuyển 2 phôi ngày 5 thì đậu cả 2 bé. Tuần thai 16 em được bác sĩ tư vấn khâu cổ tử cung vì lúc đó cổ tử cung của em ngắn.

Trải qua bao vất vả, vợ chồng nhà chị P.L. mới được bế con trong tay. (Ảnh: NVCC)

Trải qua bao vất vả, vợ chồng nhà chị P.L. mới được bế con trong tay. (Ảnh: NVCC)

Tới tuần thai 27 em bị mở 1 phân, do đi lại và mang thai 2 bé cùng lúc nên cổ tử cung của em yếu không đỡ được và bị tụt. Em phải vào viện nằm cấp cứu, tiêm trưởng thành phổi cho bé vì sợ sinh non. Ngay tối hôm đó em đã bị vỡ ối, bệnh viện chuyển em qua Từ Dũ nằm dưỡng thai được 1 tuần thì sinh bé tự nhiên. Cả 2 bé đều bị nhiễm trùng máu (do vỡ ối) nên không qua khỏi”, mẹ bỉm buồn lòng nhớ lại.

Sau khi mất 2 con, chị P.L. quyết định nghỉ 1 năm để hồi phục sức khỏe và đi chuyển phôi lần 3. May mắn trong suốt những năm hiếm muộn, chồng và 2 bên gia đình đều không tạo bất cứ áp lực gì cho chị cả.

“Em quyết định chuyển phôi cuối cùng còn lại là phôi ngày 6 loại 3 - đây là phôi xấu nhất trước đây đã định bỏ đi. Và lần này em chỉ chuyển đúng 1 bé phôi N6 đó thôi. Trộm vía tỉ lần em đã đón được con sau 5 năm hiếm muộn với 1 lần thai sinh hóa, 1 lần mất 2 em bé sinh đôi ở tuần 28 vì sinh sớm. Do đó, em mong mọi người đừng từ bỏ hy vọng với những phôi yếu, kém. Biết đâu phía sau là 1 em bé đáng yêu đang chờ chúng ta đón về nhà”, chị P.L. nói.

Ngày biết tin mang bầu, vợ chồng chị P.L. vui mừng nên cứ nhìn nhau cười suốt. Sau đó mẹ bầu bước vào hành trình khám và giữ thai. Khi thai 12 tuần, bác sĩ lại phát hiện ra chị bị hở cổ tử cung nên phải khâu cấp cứu. Ám ảnh lần 2 khâu cổ tử cung vẫn bị mất con nên chị P.L. đã sợ đến phát khóc vì quá lo lắng sẽ không được bế con trên tay nữa.

“Nhưng ca khâu cấp cứu của em sau đó thành công, em dưỡng thai kĩ lắm. Vì cổ tử cung yếu, em sợ lại bị tụt giống lần trước nên em không làm gì, đi lại cực ít, cốt mong sao đủ ngày đủ tháng con chào đời khoẻ mạnh. Thời điểm này 2 gia đình đều hỗ trợ em về mọi mặt”, chị P.L kể lại.

Khi mang bầu ở thời điểm 38 tuần 4 ngày, chị P.L. xin mổ chủ động: “Lần đầu tiên được gặp con, vợ chồng em mừng lắm. Con giống ba y đúc rất ngoan, dễ nuôi, không khóc đêm, ăn xong là lăn ra ngủ”.

Hiện nay con trai cảu anh chị P.L .đã được 3,5 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Hiện nay con trai cảu anh chị P.L .đã được 3,5 tuổi. (Ảnh: NVCC)

Sau sinh không có sữa cho con bú, tận 19 ngày chị P.L. mới ra được ít sữa do ảnh hưởng bởi quá trình mang thai dùng nhiều thuốc nội tiết nhưng dù chăm con vất vả thế nào, với bà mẹ này cũng luôn là một niềm hạnh phúc vô bờ: “Con là động lực giúp vợ chồng em trưởng thành hơn, là ngọn lửa sưởi ấm gia đình nhỏ, là liều thuốc chữa lành những vết thương trong quá khứ”.

Đặc biệt, mẹ bỉm cũng nhắn nhủ các chị em hiếm muộn khác đừng bao giờ bỏ cuộc sớn, hãy kiên trì trong hành trình tìm con. Ngoài ra, khi chuyển phôi xong và theo dõi thai kỳ, mẹ bầu hãy hiểu kĩ càng, chọn bác sĩ giỏi đồng hành cùng để có thể đón con chào đời khỏe mạnh, bình an.

Bác sĩ hiếm muộn tiết lộ chi phí làm thụ tinh ống nghiệm, có thực sự tốn kém như lời đồn?
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hết bao tiền? Đây luôn là câu hỏi thường trực của tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn đang mong có con trước khi bắt đầu...

Hỏi đáp với chuyên gia

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai