Nhờ việc xông lá trầu không mà vùng kín của em phục hồi rất nhanh sau sinh nở.
Nhân lúc bạn Heo đang ngủ say, em mới có dịp lên mạng tám chuyện với chị em. Thấy nhiều mẹ bầu đến kỳ sinh nở lo lắng về chuyện chăm sóc vùng kín sau sinh quá. Em dù gì thì cũng đã qua một lần sinh nở nên có chút ít kinh nghiệm và rất muốn chia sẻ với chị em.
Vốn là hồi mang bầu em rất hay bị ngứa vùng kín các chị ạ. Theo em được biết thì khi mang thai, tiết dịch âm đạo thường nhiều hơn nên vùng kín đễ ẩm ướt và từ đó chúng ta có cảm giác ngứa ngáy. Dù biết nguyên nhân là thế nhưng em chẳng thể làm cách nào ngoài việc vệ sinh hàng ngày với nước ấm và dung dịch vệ sinh phụ nữ. Thế nhưng suốt 4 tháng đầu mang thai, tình trạng ẩm ướt và ngứa ngáy chẳng thuyên giảm.
Hồi đó em về quê chồng chơi, thấy mặt em lúc nào cũng nhăn nhó, mẹ mới hỏi có phải em không được khỏe? “Được lời như cởi tấm lòng” em đành đem chuyện thầm kín của mình tâm sự với mẹ. Em bảo với mẹ rằng chẳng hiểu sao từ ngày có bầu tới giờ em luôn bị ngứa âm đạo. Em rất sợ bệnh sẽ ảnh hưởng đến con. Nghe xong chuyện, mẹ chồng bảo sao không nói với mẹ sớm, sao cứ âm thầm chịu đựng thế. Xong rồi bà đi sang nhà bác hàng xóm một lúc, mang về một nắm lá trầu không xanh mướt. Mẹ chồng tự tay rửa sạch, vò nát, cho vào nồi, cho thêm một chút muối nữa và cho nước vào đun sôi. Đun sôi khoảng 10 phút, bà bỏ ra ngoài cho nguội rồi 30 phút sau khi nước lá trầu không còn âm ấm, bà bảo em dùng để rửa vùng kín.
Mẹ chồng đã mách em cách trị ngứa vùng kín bằng lá trầu không. (ảnh minh họa)
Em thì chưa từng nghe đến cách làm này nhưng nghĩ mẹ chồng dù sao cũng có nhiều kinh nghiệm hơn mình, bà lại sinh đến 4 người con rồi nên cách của mẹ chắc là hiệu quả. Trước khi em vào nhà vệ sinh mẹ còn gọi với bảo không cần ngâm vùng kín quá lâu, cũng không được thụt rửa sâu, chỉ rửa như bình thường là được.
3 ngày ở nhà mẹ chồng, em đều được mẹ đun nước lá trầu không cho vệ sinh vùng kín. Cộng nhận là hiệu quả thật. Chỉ 3 ngày thôi mà em đã bớt ngứa đến 90%. Hôm 2 vợ chồng đi lên Hà Nội, bà còn hái cho em một nắm to bảo mang lên để tủ lạnh dùng dần lúc cần thiết. Mẹ chồng còn dặn thêm là lá trầu cũng rất tốt cho bà đẻ. Sau sinh, nhớ phải mua lá trầu không về để xông và rửa vùng kín.
Mẹ chồng nhắc đi nhắc lại thế nhưng sau lần về quê đó, vùng kín em hết ngứa hẳn và bài thuốc với lá trầu không em cũng quên luôn. Đến khi Heo chào đời rồi, em cũng chẳng nghĩ gì đến việc vệ sinh vùng kín với lá trầu như lời mẹ chồng dặn. Em sinh được khoảng 10 ngày thì bà nội lên chăm cháu thay cho bà ngoại. Vừa lên đến nơi, mẹ chồng đã hỏi em đã xông vùng kín được lần nào chưa. Lúc này em mới nhớ ra bài thuốc của mẹ. Em vội bảo anh xã ra chợ mua thì mẹ ngăn lại. Bà nói đã chuẩn bị sẵn lá trầu không đây rồi. Hóa ra là mẹ chồng em đã hái sẵn lá trầu không ở quê mang lên cho em.
Từ hôm đó cứ 2 ngày một lần, mẹ lại đun nước lá trầu không + muối cho em xông và rửa vùng kín. Nước này vừa đun sôi, bà đổ ra chậu nhỏ, để bớt nóng một chút rồi bảo em ngồi cao lên trên chậu để hơi nước bốc lên vùng kín. Theo mẹ chồng em thì cách làm này sẽ giúp hơi nước lá trầu thấm sâu vào trong vùng kín, giúp vùng kín sạch mùi hôi (vì sản dịch sau sinh) và ngăn ngừa nấm, ngứa. Ngồi xông khoảng 10 phút, đợi nước này nguội, mẹ bảo em lấy ngay nước đó để rửa lại vùng kín. Phải công nhận những ngày sau sinh, sản dịch kéo dài đến 1-2 tuần khiến vùng kín em lúc nào cũng ẩm ướt khó chịu. Ấy vậy mà áp dụng cách xông và rửa với lá trầu không của mẹ chồng, em thấy vùng kín khô ráo, sạch sẽ hơn hẳn.
Sau sinh, chị em nên xông vùng kín với lá trầu không. (ảnh minh họa)
Tham khảo trên mạng, em mới biết rằng lá trầu không có rất nhiều công dụng. Thành phần quan trọng của lá trầu không là đường và tinh dầu. Trầu không có hoạt tính ức chế các chủng vi khuẩn, các chủng nấm, các nguyên sinh động vật... nên có tác dụng tốt trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào bộ phận nhạy cảm nhất của phụ nữ. Lá trầu không còn giúp ngăn ngừa viêm nhiễm, nấm ngứa và giúp vùng kín chị em khô ráo nữa.
Điều đặc biệt là nhờ xông, rửa vùng kín với lá trầu không mà vết khâu do rạch tầng sinh môn khi đẻ của em rất nhanh lành các chị ạ. Vì khi rửa nước này, da dẻ sẽ khô ráo, giúp vết thương cũng nhanh khô và lành. Tuy nhiên, chị em chỉ nên rửa 1 tuần 2-3 lần và trong 2 tháng đầu sau sinh thôi nhé. Vì rửa hàng ngày sẽ giúp da chúng ta bị khô đấy. Với phụ nữ bình thường, nếu có hiện tượng ngứa vùng kín hoặc sau thời kỳ kinh nguyệt cũng có thể vệ sinh vùng kín bằng nước lá trầu không cũng rất sạch và bớt ngứa ngáy đấy.
Một chút kinh nghiệm nhỏ về việc chăm sóc vùng kín khi mang thai và sau sinh, xin chia sẻ với chị em. Hy vọng chúng sẽ có ích cho các mẹ.
Chia sẻ của mẹ Heo (Hà Đông, Hà Nội)