Sau kết hôn, lựa chọn sinh con hay ở vậy cùng nhau tận hưởng cuộc sống là cam kết riêng của mỗi cặp đôi trên hành trình hạnh phúc và lựa chọn nào cũng đáng được tôn trọng.
Hơn ba năm trước, nếu nhắc đến chuyện kết hôn, có lẽ Quỳnh Anh (33 tuổi, Nghệ An) chỉ lẳng lặng… bỏ qua. Thời điểm đó, nữ giám đốc không hề có ý định cam kết cuộc đời mình với một người đàn ông khác. Quỳnh Anh yêu cuộc sống tự do, cô từng bỏ công việc thu nhập 150 triệu/tháng, đi du lịch một mình đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ,… sau đó quay về Campuchia cùng bạn bè khởi nghiệp với mức thu nhập “khủng”. Cô hài lòng với lựa chọn của mình.
Nhưng sau 5 năm ở Campuchia, cuộc gặp gỡ lần đầu ở một quán cà phê ở Phố Đêm Phnom Pênh với Joerg - Giáo viên người Thụy Sĩ đã khiến cuộc đời Quỳnh Anh rẽ sang hướng khác. 6 tháng sau, cô nhận lời cầu hôn. 2 năm sau, cô gái Nghệ An mới chính thức đồng ý bỏ công việc ở Campuchia để theo chàng về Thụy Sĩ.
Mọi lựa chọn của cuộc đời mình, Quỳnh Anh khẳng định đều nương theo nhu cầu và mong muốn của bản thân, không theo đánh giá của người khác. Kết hôn hay quyết định mang thai cũng vậy, cô cho rằng, lựa chọn lấy chồng hay không lấy chồng, sinh con hay không sinh con chẳng có gì sai, cũng không phải là ích kỉ, chỉ biết yêu bản thân mà cái sai lớn nhất là buộc đời mình vào đời người khác chỉ vì sợ mang tiếng.
Phụ nữ nên được tự do quyết định những điều họ muốn làm
Thực tế, những người phụ nữ lựa chọn việc không có con thường bị đánh giá là ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình mà không quan tâm đến gia đình, xã hội. Người cay nghiệt hơn thì họ mỉa mai “gái độc không con”. Đứa con theo đó không chỉ là chuyện duy trì nòi giống của hai người, mà còn là thang điểm đánh giá hạnh phúc của một gia đình, là mảnh ghép quan trọng để cuộc đời người phụ nữ không bị khiếm khuyết.
Nhưng mẹ chồng Quỳnh Anh từng nói 1 câu cô rất tâm đắc: “Phụ nữ nên được tự do quyết định những điều họ muốn làm”. Và, không có khế ước xã hội nào quy định họ phải sinh nở hay đong đếm giá trị phụ nữ bằng việc sinh bao nhiêu con.
Quỳnh Anh cho biết, mẹ chồng cô không tham gia ý kiến vào việc riêng của con cái, kể cả việc mang thai vì bà có cuộc đời của bà, các con tự do sống cuộc đời của các con. Bà rất bận rộn với những hoạt động vui chơi với bạn bè, chơi nhạc cụ, đọc sách, du lịch. Bà cũng thường xuyên thăm khám sức khỏe và chuẩn bị đủ tài chính cho các dịch vụ chăm sóc y tế lúc về già mà không cần nhờ cậy con cái.
Chẳng những có mẹ chồng tâm lý mà anh chị chồng của cô cũng không sinh con.
Trong khi đó, mẹ ruột Quỳnh Anh thì khá truyền thống nên luôn muốn con kết hôn rồi nhanh chóng sinh em bé, dù vậy mẹ cũng chỉ dừng lại ở mức độ khuyên nhủ. Anh Jorge Strehler (37 tuổi, chồng Quỳnh Anh) khá thích có con nhưng không quá tạo áp lực cho vợ. Đối với anh, hai vợ chồng sống vui vẻ bên nhau mới là điều quan trọng nhất.
Người vợ này cũng cho biết, việc mang thai và nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc cần rất nhiều kiến thức đúng đắn, nền tảng kinh tế vững chắc, thời gian ân cần chăm sóc, tình yêu… Vì thế cô cũng như một số bạn trẻ trong thời điểm hiện nay cảm thấy không đủ năng lực để làm cha mẹ cũng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, thế giới này ngày càng chật hẹp, biến đổi khí hậu quá nhanh, dịch bệnh triền miền, người bệnh hiểm nghèo ngày càng trẻ, rác thải quá nhiều, tài nguyên cạn kiệt. Con người cũng luôn áp lực với cuộc sống và bị co hẹp không gian sống. Công việc không đủ phân chia lại bị thay thế bởi các máy móc tự động hóa hiện đại. Vậy nên nếu một số người như cô cảm thấy không đủ khả năng sinh con, “nhường” lại điều đó cho những gia đình có đầy đủ điều kiện hơn. Và điều này Quỳnh Anh khẳng định chẳng có gì là ích kỉ và sai trái.
Nhiều người cho rằng, sinh con là một cách kết nối tình cảm gia đình, vợ chồng. Tuy nhiên, không hiếm thấy rất nhiều cặp vợ chồng vẫn ly hôn khi đã có với nhau hai, ba mặt con, những người mẹ đơn thân ngày càng nhiều. Trẻ em khó mà gắn kết được những rạn nứt và toan tính của người lớn. Một khi hôn nhân của bố mẹ tan vỡ, trẻ con lại là người đau đớn và tổn thương nhất.
“Tất cả chúng ta đều không nên sinh con khi chưa thật sự sẵn sàng. Để sinh con, điều kiện đầu tiên là cha mẹ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, đặc biệt họ có đủ tình yêu và thấu hiểu nhau để cùng tạo ra một sinh mạng hạnh phúc khác. Và họ hiểu rõ tình yêu và trách nhiệm của mình với những đứa con dù bất kì hoàn cảnh nào xảy ra. Tiếp theo là kiến thức đúng đắn để cho con một nền giáo dục tốt nhất, giúp con trở thành một cá thể tự do, hạnh phúc (kể cả ở trong gia đình và trường học). Sau đó là điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình…”, Quỳnh Anh trải lòng.
Hiện tại, mỗi ngày, Quỳnh Anh dành nhiều thời gian vào buổi sáng để đọc sách, nói chuyện trong công việc, học hỏi thông tin. Sau đó đưa chó đi dạo, dọn nhà, tự học tiếng Đức, tập nấu ăn.
Cô cũng dành nhiều thời gian hơn để cùng chồng đi du lịch. Thường ngày, anh Jorge chủ động làm việc nhà vào buổi sáng hoặc khi đi dạy về. Cuối tuần, hai vợ chồng thu xếp dọn dẹp nhà cửa hoặc đọc sách, chơi cờ. Cặp đôi tận hưởng cuộc sống tự do, bình yên giản dị ngày qua ngày.
Cô cho rằng, cũng như chuyện kết hôn, chỉ sinh con khi thực sự muốn. Quyết định quan trọng này cần phải đến từ chính khát khao của bản thân và người bạn đời, chứ không phải là từ định kiến xã hội, áp lực “gia đình hoàn hảo” hay những lời xì xào của hàng xóm.