Cả thai kỳ tôi tăng 26 kg nhưng tôi luôn tự hào về điều đó.
Hôm trước, tình cờ tôi đọc được bài chia sẻ của mẹ Bi về chuyện ăn kiêng khi mang thai. Tôi cũng đã đọc được nỗi trăn trở của bác Phạm Anh Thư: “Điên đầu” với con dâu bầu ăn kiêng. Tôi rất đồng tình với ý kiến của bác và không hiểu tại sao ngày nay có rất nhiều cô gái lại muốn giữ eo thon ngay cả khi mang bầu.
Vợ chồng tôi cưới nhau khi tuổi đã ngót ba mươi. Vì vậy mà chúng tôi không kế hoạch gì cả, “thả” để có con luôn. Thế nhưng đúng là “con cái là của trời cho”. Chúng tôi mong ngóng 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng rồi đến cả 6 tháng vẫn chẳng thấy con yêu về. Vì tuổi cũng chẳng còn son trẻ gì nên tôi lo lắm. Hai vợ chồng đi khám sức khỏe sinh sản hết phòng khám này đến bệnh viện khác, nơi nào cũng kết luận hai vợ chồng khỏe mạnh bình thường. Gần 1 năm cố gắng tôi vẫn không có thai. Chúng tôi chuyển sang uống thuốc nam, uống 3 tháng liền vẫn không có kết quả. Nản trí, chúng tôi mặc kệ để thuận theo tự nhiên…
Ấy thế mà cái sự “mặc kệ” của tôi lại có kết quả ngoài sức tưởng tượng. Vậy là tròn 1,5 năm sau ngày cưới, con yêu đã về với vợ chồng tôi. Thực sự không có lời lẽ nào để lột tả hết được niềm hạnh phúc và sung sướng của cả hai vợ chồng và người thân. Trước khi mang bầu, tôi chỉ nặng 43 kg. Đây cũng là lý do tôi lo lắng vì có thể do tôi gầy quá nên mới khó thụ thai thế. Ngày mới cưới, mẹ chồng tôi cũng luôn nhắc nhở phải cố gắng ăn uống thì mới có thai được. Khi mãi không thấy tôi có bầu, bà đã có lần nói bóng gió rằng tại tôi "mảnh mai" quá… Về phần tôi, tôi cũng đã rất nỗ lực ăn uống đấy chứ, nhưng có lẽ do cơ địa từng người nên tôi ăn mãi chẳng béo lên được.
Cả thai kỳ tôi tăng 26 kg nhưng tôi luôn tự hào về điều đó. (arnh minh họa)
Thật may là cuối cùng con yêu cũng về. Con đã dập tắt mọi lời đồn đoán rằng “vì tôi gầy nên khó có con”. Từ ngày mang bầu, tôi được cả gia đình chồng “vỗ béo” nhiệt tình. Chắc mọi người trong gia đình không phải lo cho tôi đâu mà chủ yếu lo cho em bé trong bụng. Tôi vì hiếm muộn mãi mới có tí con nên cũng nhiệt tình ăn uống lắm. Cả thai kỳ tôi chẳng nghén ngẩm gì. Quan điểm của tôi là tất cả vì con. Mẹ ăn càng nhiều, càng chất thì con càng phát triển tốt. Tôi chẳng mảy may nghĩ đến vóc dáng như con dâu bác Thư hay như mẹ Bi đâu. Tôi nghĩ rằng cả đời mình chỉ có một vài lần mang thai, mỗi lần mang thai cũng chỉ 9 tháng, chưa kể nhiều mẹ nghén ngẩm cả 3 tháng đầu không ăn được gì… Thế thì tại sao lại không thể hy sinh một năm nhan sắc để ăn uống thả ga cho khỏe mẹ, tốt con?
Ngày nào cũng “đều như vắt chanh”, buổi sáng tôi ăn một quả trứng vịt lộn và một bát bún, miến hoặc phở do tôi tự nấu hoặc nếu ngày nào vội quá tôi ra hàng ăn. Tôi thường nấu cơm đi ăn buổi trưa ở cơ quan để đảm bảo sức khỏe vì tôi không tin tưởng lắm đồ ăn ngoài hàng. Buổi tối về tôi ăn cơm cùng gia đình. Mỗi bữa, mẹ chồng luôn khuyến khích tôi ăn ít nhất là 2 bát cơm. Từ tháng thứ 5 thai kỳ, hình như vì bé cần nhiều năng lượng hơn nên tôi rất đói, có những bữa tôi ăn đến 3 bát cơm. Mỗi tuần một lần, mẹ chồng cũng rất cưng chiều thường nấu cho tôi món gà tần thuốc bắc hoặc cháo cá chép để bồi dưỡng thêm cho tôi. Mỗi ngày tôi cũng chăm chỉ uống đủ 3 ly sữa bầu bởi tôi nghe nói sữa bầu rất nhiều chất đặc biệt là sắt và canxi, rất cần thiết cho thai kỳ. Chả thế mà 3 tháng đầu tôi đã tăng tới 5kg. Vì ngày trước khi mang bầu tôi gầy nên khi tăng cân nhiều, trông người tôi lại đầy đặn, xinh xắn hơn. Cân nặng tăng lên cũng khiến da mặt tôi căng, hồng. Tôi mang thai mà ai cũng khen đẹp hơn lúc chưa bầu bí.
Tuy vậy tôi chẳng quan tâm nhiều đến nhan sắc đâu. Điều tôi chú trọng nhất ăn uống làm sao để hai mẹ con đều được khỏe mạnh, đặc biệt là thai nhi phát triển tốt. Từ ngày mang bầu, mẹ chồng tôi vẫn luôn dặn dò: “Đứa trẻ nào chào đời mà to, khỏe cũng có sức có lực hơn đứa nhẹ cân. Mà con lại mang thai con trai nên cố mà ăn uống để con nặng tầm 3,5kg khi chào đời là ổn.” Tôi luôn ghi nhớ lời mẹ và đương nhiên tâm lý của người sắp làm mẹ như tôi, ai chẳng muốn sinh con to, con khỏe.
Không phụ sự nỗ lực ăn uống của tôi, khi chào đời con trai tôi nặng 3,9kg. (ảnh minh họa)
Không phụ sự nỗ lực ăn uống của tôi, khi chào đời con trai tôi nặng 3,9kg, còn tôi thì tăng 26kg. Nhưng khi sinh xong tôi đã giảm 10kg và sau 2 tháng chăm chỉ cho con bú, tôi tiếp tục giảm 7kg nữa. Bây giờ sau sinh nở 4 tháng, tôi chỉ còn hơn 50kg. Điều hạnh phúc nhất là vì khi chào đời con tôi to nên bé rất có sức có lực. 1 tháng đầu bé tăng 2 kg, 2 tháng con đã nặng 7kg bằng con người khác 6-7 tháng tuổi. Còn tôi thì luôn tự hào vì ai cũng khen khéo đẻ, khéo nuôi con.
Với những lợi ích tuyệt vời từ việc ăn uống thoải mái khi bầu bí trên, tôi nghĩ vậy tại sao các mẹ lại cứ phải ăn kiêng. Tôi cho rằng chỉ có những bà mẹ ích kỷ, chỉ nghĩ đến vóc dáng, sợ mất nhan sắc khi mang thai mới ăn kiêng. Các mẹ hãy hy sinh một chút vì con đi. Hãy thoải mái ăn uống để con đủ chất và có sức có lực khi chào đời. Việc ăn uống đủ chất cũng rất có lợi cho nguồn sữa sau sinh nữa. Như tôi nhé, 3 tháng đầu nuôi con tôi đều thừa sữa. Tôi vẫn chăm chỉ vắt sữa trữ đông để 1 vài tháng tới nếu có thiếu sữa sẽ bỏ ra dùng hoặc làm sữa chua cho con. Tôi rút ra kết luận rằng, ăn uống thoải mái trong thai kỳ dù mẹ có tăng cân nhiều một chút nhưng bù lại con cũng to, mẹ nhiều sữa. Và sau sinh, khi các mẹ nhiều sữa, chăm chỉ cho con bú sẽ giúp mẹ giảm cân rất nhanh. Như thế chẳng rất tốt cho cả mẹ và con sao?
Vì chẳng phải lo đến chuyện ăn uống kiêng khem nên suốt thai kỳ tâm lý tôi rất thoải mái, chứ không như nhiều mẹ ăn kiêng suốt ngày phải lo xem có nên ăn cái này không, ăn cái kia không? Nhiều mẹ còn thèm, đói bụng mà không dám ăn vì sợ béo. Tâm lý bất ổn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của con yêu đấy các mẹ ạ.
Ngần ấy những lợi ích tôi nêu ra hy vọng sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi vì sao bầu bí không nên ăn kiêng. Tôi khuyên chân thành các mẹ đừng vì chút ích kỷ bản thân mà ép mình phải ăn uống kham khổ khi bầu bí nhé!