Em chán nản lắm, chỉ muốn tìm lối thoát cho riêng mình.
Em lấy chồng năm 25 tuổi. Vợ chồng em quen nhau qua trang mạng xã hội. Ban đầu là bạn, sau dần thấy hợp nên quyết định yêu và đám cưới diễn ra sau đó một năm. Quê em ở miền Trung nghèo lắm, ai cũng bảo em may mắn lấy được chồng phố, lại lấy được trai Hà Nội. Em cũng thấy mình may mắn bởi với trình độ chỉ học hết trung cấp, công việc là lễ tân cho một nhà hàng thôi nhưng em đã lấy được chồng Hà Nội, có nhà cửa đàng hoàng, đó chẳng phải là niềm mơ ước của bao cô gái sao.
Chồng em là con trai trưởng trong gia đình có ba anh em. Sau anh là hai cô em gái. Em sống cùng bố mẹ chồng. Ban đầu lúc mới cưới, hai vợ chồng cũng tính chuyện mua nhà riêng ở cho thoải mái nhưng vì bố mẹ chồng muốn vợ chồng em ở cùng, hai cô em gái cũng sắp đến tuổi lấy chồng. Bố mẹ thì cũng không còn khỏe lắm nên bọn em quyết định ở chung. Những tháng đầu sau đám cưới, cuộc sống gia đình khá êm ấm, ai có công việc của người ấy. Thế nhưng từ khi em mang bầu, mâu thuẫn bắt đầu nẩy sinh, chung quy cũng là vì em không thể đi làm được nữa, không có thu nhập, ăn bám nhà chồng nên cả nhà chồng khinh em ra mặt.
Cũng từ ngày em ở nhà với vai trò osin, em càng hiểu ra rằng quyết định lấy chồng phố của mình là quá sai lầm. Dù mang bầu bí to vượt mặt nhưng sáng nào em cũng phải dậy sớm, đi chợ, nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Nhiều hôm bầu bí mệt mỏi, em dậy muộn một chút là mẹ chồng đã lên tận phòng gõ cửa gọi em dậy đi chợ. Không chỉ làm việc như một osin, cả nhà chồng dường như chẳng quan tâm gì đến em. Hồi mang bầu tháng thứ 4, đi khám thai bác sĩ bảo con em nhỏ hơn so với tuổi thai, mẹ cũng tăng cân quá ít, thế mà về nhà em cũng chẳng được bồi dưỡng gì. Hầu như ngày nào nhà em cũng chỉ ăn cơm với rau luộc và thịt kho hoặc luộc. Đến một cốc sữa bầu em cũng không dám mua uống vì chẳng có tiền. Thỉnh thoảng thèm ăn một món gì đó lắm lắm em cũng không dám mua vì mua nhiều cả nhà ăn thì không có tiền, mua ít thì không ăn giấu nổi bởi mẹ chồng “săm soi” em suốt. Cứ thấy mồm em lúng úng ăn gì là bà lại hỏi ăn gì đấy...?
Em thực sự cảm thấy kiệt sức khi phải sống trong ngôi nhà này. (ảnh minh họa)
Hôm đi khám thai về, em nói với cả nhà rằng bác sĩ bảo em bé hơi nhỏ, mẹ cũng thiếu chất thế là mẹ chồng quay ra mắng em bảo: “Ăn uống thế sao lại thiếu chất, đó là lời bác sĩ nói hay mồm cô tự phát ngôn ra?” Em nghe mà đắng họng chẳng nói lại được lời nào.
Không chỉ mẹ chồng, bố chồng em cũng rất khó tính. Đến bây giờ, em mang thai tháng thứ 7 rồi mà chồng mới chở đi khám thai đúng một lần. Một lần duy nhất đó mà em còn bị bố chồng “lên mặt xuống chân” bảo “không cần thiết phải đi đưa về đón thế.” Từ lần đó, em không dám nhờ chồng đưa đi khám thai nữa. Mà em cũng không dám khám thai nhiều, cứ 2 tháng mới khám 1 lần bởi khám nhiều cũng bị bố mẹ chồng nói cạnh, nói khóe.
Từ ngày em về làm dâu, nhất là khi em nghỉ làm ở nhà nội trợ thì hai cô em chồng bỗng dưng mắc bệnh “không biết làm gì cả”, không rửa bát, không lau nhà, không giặt quần áo luôn. Tất cả mọi việc trong ngôi nhà này đều đến tay em. Em thì làm từ sáng sớm đến tối mịt cũng không hết việc còn hai cô em chồng thì chỉ đi làm về rồi ăn chơi, làm đẹp. Đến cuối tuần, em vẫn phải dậy từ sớm còn hai cô em thì ngủ thoải mái chẳng ai nói gì. Nhiều lúc nghĩ tủi cực quá nhưng em không làm ra tiền, ăn bám nhà chồng nên phải chịu đựng. Cũng đã có lần em góp ý với chồng bảo em chồng giúp đỡ thì chồng em chỉ nói cho có rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.
Buồn nhất là chồng em. Anh ấy bênh gia đình anh ấy lắm. Dù vợ bầu bí nhưng anh chẳng mấy quan tâm. Bất cứ chuyện gì anh cũng cho là bố mẹ và gia đình anh luôn đúng còn em thì luôn sai. Từ ngày bố chồng bảo không phải đưa em đi khám thai là anh cũng mặc kệ em luôn. Nhiều khi làm vất vả quá, em có góp ý với mẹ chồng thì anh bảo em láo, có lần anh còn định đánh em chỉ vì em và cô em chồng có chút xính mích nhỏ. Chồng em làm cũng có tiền đấy nhưng mỗi tháng anh chỉ đưa cho em đúng 1 triệu để chi tiêu. Cứ hết tiền, xòe tay xin là anh lại hỏi: “ở nhà có phải mua bán gì đâu mà hết tiền nhanh vậy. Đúng là cô không đi làm nên chẳng biết quý đồng tiền.”
Em thực sự cảm thấy kiệt sức khi phải sống trong ngôi nhà này. Cả ngày làm quần quật phục vụ gia đình ấy em thấy mệt mỏi vô cùng. Không ngờ lấy chồng phố lại khổ đến thế. Em thực sự bế tắc, không biết nên làm thế nào để giải phòng cho mình. Con em lại sắp chào đời rồi, không biết sinh xong, em còn sức để vừa chăm con vừa phục vụ nhà chồng không nữa.
Độc giả Phạm Thị Thanh (Hà Nội)