Dù chưa ra đời nhưng thai nhi đã bị một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của mắt: Đục thủy tinh thể bẩm sinh.
Nhiều người vẫn thường cho rằng, đục thủy tinh thể chỉ gặp ở đối tượng là người già, nhưng trên thực tế ở trẻ nhỏ vẫn có thể có chứng bệnh này, thậm chí ngay cả trẻ chưa ra đời cũng đã bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.
Đó chính là câu chuyện buồn mà mới đây bác sĩ Giang Tiến Trung, Phó khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ vừa gặp phải.
Theo đó, bác sĩ Trung kể rằng, mới đây, một sản phụ mang thai lần 2 được 34 tuần đến viện siêu âm. Tuy nhiên khi thăm khám và siêu âm thai cho sản phụ trên, anh đã phát hiện thai nhi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Sản phụ khi biết thai nhi mắc dị tật này đã ôm mặt khóc dù cho biết gia đình chồng cũng có tiền sử bị bệnh này (bố chồng, chồng và con đầu của anh chị).
Hình ảnh siêu âm thai nhi bị đục thủy tinh thể. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Giang khẳng định, đục thể thủy tinh bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp của mắt xảy ra trước khi sinh hoặc ngay lúc vừa mới sinh. Thay vì thủy tinh thể trong suốt như bình thường thì 2 mắt của thai nhi sẽ lại bị đục và khiến cho ánh sáng tới mắt bị cản trở.
“Khi một trẻ nhỏ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ không thể nhìn rõ bằng mắt như những đứa trẻ bình thường khác. Điều này khiến cho mắt và não của trẻ nhỏ khó phối hợp với nhau, ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác và chuyển động của mắt cũng kém chính xác hơn”, bác sĩ Trung nói.
Vị bác sĩ giàu kinh nghiệm siêu âm thai và hình thái thai cũng khẳng định hầu hết không tìm ra nguyên nhân của bệnh đục thể thủy tinh bẩm sinh và rất hiếm trẻ bị bệnh này. Nhưng một số nguyên nhân có thể nghi ngờ gây ra đục thủy tinh thể bẩm sinh như:
- Nguyên nhân di truyền: Nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh đục thủy tinh thể thì nhiều nghiên cứu chỉ ra khả năng trẻ em sinh ra bị đục thủy tinh thể bẩm sinh rất cao.
- Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh do sự bất thường ở trên nhiễm sắc thể như hội chứng chondrodysplasia, hội chứng Down, hội chứng loạn sản ngoại bì,...
- Nhiễm trùng trong quá trình mang thai: Một số bệnh nhiễm trùng mà người mẹ có thể mắc phải khi đang mang thai có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị đục thủy tinh thể bẩm sinh như: bệnh giang mai, HIV, bệnh rubella, bệnh sởi, mụn rộp, thủy đậu, bệnh toxoplasmosis....
- Các tổn thương khi mang thai: Trong những trường hợp mẹ bầu đang mang thai bị chấn thương về thể chất như bạo lực thân thể, té ngã, tai nạn xe,... có thể khiến mắt của trẻ bị chấn thương.
- Bị hạ đường huyết trong quá trình mang thai: Với những thai phụ bị bệnh đái tháo đường, việc không kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đường huyết cao quá mức hoặc hạ đường huyết. Những tình trạng này có thể dẫn đến hỏng các cơ quan trong cơ thể, như mạch máu, mắt, dây thần kinh của cả bé và mẹ.
- Sinh non: Đối với những trẻ em sinh ra trước 37 tuần sẽ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe hơn.
Bác sĩ Giang Tiến Trung đang siêu âm thai cho một mẹ bầu khuyên mẹ bầu nên đi khám ở các mốc siêu âm hình thái từ tuần thứ 12, 22, 32 của thai kỳ. (Ảnh: BSCC)
Với những trường hợp trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, ngay trong năm đầu đời, các gia đình phải cần đưa con đến viện phẫu thuật để có thể lấy bỏ thủy tinh thể đục nhằm hồi phục thị giác cho trẻ. Bởi nếu không được hiệu chỉnh sớm sau khi lấy bỏ thủy tinh thể, thị giác hầu trẻ như không bao giờ có thể phục hồi lại một cách bình thường được.
Để phát hiện sớm và phòng tránh trường hợp thai nhi bị dị tật bẩm sinh hiếm gặp này, bác sĩ Trung khuyên mẹ bầu nên đi khám ở các mốc siêu âm hình thái từ tuần thứ 12, 22, 32 của thai kỳ để có thể khảo sát, phát hiện rõ được.
Bên cạnh đó, phát hiện đục thủy tinh thể bẩm sinh cho thai nhi còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm siêu âm và máy móc hiện đại của bác sĩ sản phụ khoa. Do đó mẹ bầu nên đến những bệnh viện hoặc cơ sở thăm khám thai kỳ uy tín, có bác sĩ giỏi chuyên môn và thiết bị máy móc hiện đại để được phát hiện sớm dị tật.