Sau khi vỡ ối, mẹ bầu này vẫn chưa tin sắp đi đẻ nên phải vào toilet kiểm tra thật kỹ mới hốt hoảng xách túi đến viện mà chưa kịp tắm gội gì.
Mặc dù con đã chào đời được gần 1 tháng nhưng mẹ bỉm Đỗ Trà My, sinh năm 1986 ở Ocean Park, Hà Nội vẫn không sao quên được ngày đi đẻ có một không hai của mình.
Theo mẹ bỉm Trà My kể lại, hôm đi sinh cũng là ngày chị vừa tròn 39 tuần, tức là còn 1 tuần nữa mới đến ngày dự sinh nên chị My rất chủ quan.
“Sáng ra ngủ đến 11 giờ mới dậy, 2 vợ chồng được mẹ chồng nấu cơm trưa sẵn sàng. Ăn uống no nê xong chồng bảo em ơi hay đi đẻ luôn đi. Mình bảo mới 39 tuần còn 1 tuần nữa mới đẻ nên cứ từ từ. Xong 2 đứa tiếp tục ăn trái cây, lướt Facebook chán chê”, mẹ bỉm kể lại.
39 tuần chị My bất ngờ vỡ ối và đi sinh. (Ảnh: NVCC)
Nhưng đến tầm 1 giờ chiều, tự dưng chị My đứng dậy thì thấy nước ở đâu chảy ra ồ ạt. Vì thế chị hốt hoảng gọi chồng bảo hình như đã vỡ ối: “Thế nhưng chồng mình còn bảo anh cứ tưởng vợ tè dầm. Xong anh còn vớt nước ối lên xem có mùi gì không. Khi ấy hai đứa vẫn chưa tin là đi đẻ. Mình phải vào toilet kiểm tra, một lúc sau lại ồng ộc ra một đống nước trong trong nhầy nhầy nên chắc chắn là vỡ ối rồi. Vì thế vợ chồng xách túi đi đẻ luôn, còn sợ quá không kịp tắm gội gì”.
Đến viện, chị My vẫn phải tiếp tục làm mấy thủ tục nhập viện, khám trong, siêu âm, rồi chạy máy. Cứ quy trình lập lại như vậy từ 14h chiều đến tầm 19h tối. Do đã vỡ ối nên bác sĩ chỉ định chị My phải nhập viện theo dõi luôn.
“Thế là kinh nghiệm đẻ lần 1 và lần 2 của mình khác hẳn nhau. Lần 1 năm 24 tuổi hiên ngang thấy đau bụng dồn dập thì vào viện đẻ nhanh chóng không sợ gì cả. Lần 2 tự dưng vỡ ối sớm nên thành ra lại như chưa từng đẻ. Hai lần đẻ cách nhau 12 năm nên gần như mình 'đẻ lại từ đầu'. Mình được bác sĩ truyền kích đẻ vì tử cung chặt như chưa từng sinh nở. Bác sĩ cũng lo mình sẽ phải sinh mổ nhưng mình cứ nghĩ, tập yoga lúc ép xoạc đau thấu xương vẫn chịu được, đi đẻ cố đau 1 lần rồi thôi. Cứ kiên trì xem thế nào”, mẹ bỉm kể lại.
Khi truyền kích đẻ một lúc thì sản phụ này bắt đầu có những cơn co đầu tiên, rồi mở dần được 1-2 phân, 3 phân, 4-5 phân là cảm thấy đau dồn dập. Những cơn gò cứ liên tiếp xuất hiện và cũng đến lúc lên bàn đẻ đòi đẻ: “Lúc đấy không chịu nổi mình trèo luôn lên bàn đòi đẻ. May thay trong lúc quằn quại, bác sĩ mình theo thăm khám đã tươi cười xuất hiện như một vị thần. Rồi bác dạy cách hít thở. Sau vài hơi rặn thì em bé chào đời trong cơn đau xé thịt khi tầng sinh môn của mình bị rạch”, mẹ bỉm kể về phút lên bàn đẻ thiêng liêng.
Sau giây phút vật vã vượt cạn trong đau đớn thì em bé 3,2kg được áp da kề da với mẹ: “Trong khi sản phụ mới sinh là mình vừa đẻ vừa tương tác với bác sĩ bình thường thì các chị em trợ lý, các bạn sinh viên thực tập đứng xung quanh lấy điện thoại quay clip chụp hình cho mình. Điều này khiến mình sung sướng và hạnh phúc lắm. Bác sĩ cắt dây rốn cho bé và khâu tầng sinh môn cho mẹ”.
Lần đầu được nghe tiếng con khóc và da kề da cùng mẹ là ngày chị My hạnh phúc nhất. (Ảnh: NVCC)
Như vậy, hành trình đi đẻ của mẹ bỉm Hà Nội này chỉ mất hơn 6 tiếng đồng hồ. Mặc dù e ngại sẽ phải sinh mổ nhưng mẹ bỉm vẫn quyết tâm đẻ thường. Bởi chị My luôn có niềm tin đã luyện tập yoga thì không lo không đẻ thường và đẻ nhanh được.
“Trước và trong khi mang bầu, mình luôn tập Yin yoga với các bài tập nhẹ nhàng kết hợp các dụng cụ hỗ trợ cùng chăn, gối, gạch tập giúp cả thai kỳ không bị đau mỏi, giảm stress, thư thái cho cơ thể. Ngoài ra, yoga sẽ giúp cân bằng nội tiết tố, da dẻ sẽ đẹp mịn màng không có mụn, tóc mọc nhanh dài mượt hơn và không bị gãy rụng nhiều. Tâm trạng luôn vui vẻ lạc quan tích cực. Ngoài tăng cường sức khỏe, luyện tập chăm chỉ các bài tập yoga còn giúp cho bà bầu dễ chuyển dạ và sinh nở”, mẹ bỉm khẳng định.