Bà mẹ đau gấp trăm lần đi đẻ, ngực "tan nát" vì chữa áp xe bằng mẹo dân gian

Ngày 27/03/2018 13:46 PM (GMT+7)

Khi bị áp xe ngực, chị Hà bắt đầu áp dụng những mẹo dân gian như chải lược, đắp lá đu đủ nhưng bệnh không những không khỏi mà còn gây ra hậu quả "khủng khiếp" hơn.

Nỗi đau đớn khi sinh nở vốn được nhiều bà mẹ ví như "chết đi sống lại". Vậy nhưng với chị Hà (29 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM), có một nỗi đau chị đã trải qua còn "đau gấp trăm lần đi đẻ". Và nguyên nhân của nó chính là vấn đề phổ biến nhiều mẹ sau sinh gặp phải: tắc tia sữa và chữa tắc tia sữa không đúng cách.

Suýt mất mạng vì chữa tắc tia sữa bằng mẹo dân gian

Đến nay bé Hana (tên ở nhà của con chị Hà) đã được hơn 1 tuổi nhưng chị chưa bao giờ quên được ký ức kinh hoàng trong những ngày sau sinh. Khi mang bầu bé Hana, chị Hà khá tự tin về cách chăm con và bản thân sau sinh vì đã đọc nhiều sách báo và tìm hiểu thực tế tại Hàn Quốc.  

Bà mẹ đau gấp trăm lần đi đẻ, ngực amp;#34;tan nátamp;#34; vì chữa áp xe bằng mẹo dân gian - 1

Con gái đã được hơn 1 tuổi nhưng chị Hà vẫn không thể quên kí ức "kinh hoàng" những ngày chữa tắc tia sữa và áp xe ngực.

Đến khi sinh bé, mọi chuyện vẫn diễn ra êm đềm cho đến ngày thứ 8 sau sinh, ngực chị bắt đầu đau và rất căng. Vì sinh con đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong chuyện tắc tia sữa nên chị Hà chỉ biết áp dụng các phương pháp dân gian do mọi người mách.  

"Mẹ mình làm đủ mọi cách cho mình, nào là chải lược, nặn sữa ra và cả nhờ chồng bú hộ. Sau đó có một chị hàng xóm cho một ít lá đu đủ đực, nói là hơ lên rồi đắp vào. Chồng mình đã cẩn thận rửa nước muối nhưng sau khi làm xong thì mình không những không khỏi mà ngực còn sưng to hơn, ửng đỏ và mình sốt cao tới 39 độ C", chị Hà kể lại.

Quá lo lắng, gia đình lập tức cho chị Hà nhập viện khám và điều trị. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết chị bị tắc tia sữa và khi xét nghiệm phát hiện bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng nghi từ lá đu đủ nhiễm sang. Phương hướng điều trị là sẽ tiêm thuốc để lưu trú vi khuẩn lại, sau đó rạch một đường nhỏ hoặc massage hút nhẹ là vi khuẩn sẽ ra hết.

Vì chỉ cần tiêm mỗi ngày 1 lần nên bác sĩ nói chị có thể về với con. Trước khi về, bác sĩ có dặn chị Hà chỉ được hút sữa chế độ nhẹ và massage nhẹ nhàng, không được bóp mạnh để tránh vỡ ổ áp xe. Vậy nhưng chị Hà không ngờ ngay ngày hôm sau mọi chuyện lại chuyển biến nghiêm trọng.   

Bà mẹ đau gấp trăm lần đi đẻ, ngực amp;#34;tan nátamp;#34; vì chữa áp xe bằng mẹo dân gian - 2

Ngực chị Hà sau khi bị vỡ ổ áp xe.

"Mình mới tiêm được 1 mũi thì ngay chiều hôm đó có cô và dì đến thăm. Mọi người nói phải nặn hết sữa ra thì mới được nên lại cùng mẹ tiếp tục "đè" mình ra bóp nặn. Mọi người cố bóp mạnh mình ngăn không được, đến lúc chồng mình hớt hải chạy vào bảo bác sĩ không cho nặn mới thôi. Vậy nhưng lúc đó ổ áp xe đã vỡ mất rồi. Vậy là sai lầm nối tiếp sai lầm", chị Hà kể tiếp.

Khi vào viện khám, bác sĩ kết luận ổ áp xe bị vỡ, vi khuẩn xâm nhập gần hết bên ngực trái. Bác sĩ lập tức tiến hành rạch sống một đường trên ngực chị và nhét gạc vào để dẫn lưu mủ ra. Da ngực chị hoại tử một mảng lớn. Chị Hà được nhập viện và cho vào phòng cách ly để tránh vi khuẩn lây nhiễm sang các mẹ hoặc bé khác. Tình hình của chị Hà rất nguy kịch, nếu vi khuẩn nhiễm vào máu và xương thì có nguy cơ tử vong cao nên bác sĩ phải điều trị tích cực bằng thuốc cực mạnh. Vậy là chỉ 10 ngày sau sinh, chị Hà đã phải xa con, chịu mọi đau đớn và thậm chí đối mặt với "tử thần". 

"5 ngày đầu cứ hàng ngày bác sĩ rạch thêm 1 đoạn, rút gạc dẫn lưu mủ ra, nặn mủ, rửa sạch và nhét gạc mới vào. Tất cả được tiến hành không có thuốc tê nên vô cùng đau đớn. Đến ngày thứ 6 thì mủ đã cô đọng hết, mình được vào phòng phẫu thuật, gây tê và hút hết mủ ra đồng thời loại bỏ hết phần da bị hoại tử.

Sau khi phẫu thuật, hàng ngày bác sĩ vẫn tiến hành rửa và nhét gạc dẫn lưu. Khi đó vết thương hở rất to, mình đã quá sức rồi, không chịu nổi việc rửa và nhét gạc hàng ngày nữa nên bác sĩ đành mượn phòng sinh để thay băng cho mình. Bởi vì trong phòng sinh có khí gây cười cho mình hít để đỡ đau một chút.

Sau 10 ngày như vậy thì vết thương hết mủ, không phải nhét gạc nữa. Khi đó mới thấy bớt đau hơn một chút nên mình cần dùng khí cười nữa mà chỉ rửa 2 lần một ngày", chị Hà kể lại quá trình chữa trị "kinh hoàng". 

Bà mẹ đau gấp trăm lần đi đẻ, ngực amp;#34;tan nátamp;#34; vì chữa áp xe bằng mẹo dân gian - 3

Phần da ngực bị hoại tử của chị được "vá" bằng một miếng da đùi.

Mất hẳn khả năng cho con bú nhưng vẫn là may mắn diệu kỳ 

Khoảng 1 tháng rưỡi sau đó, chị Hà liên tục đi đi lại lại bệnh viện để rửa vết thương nhưng ngực vẫn rò rỉ sữa, không khô hẳn dù đã uống rất nhiều thuốc ngăn sữa. Vì vết thương hở to nên nếu tiếp tục chờ khô mới phẫu thuật xoay vạt da thì sợ bị nhiễm trùng nên bác sĩ quyết định lấy da đùi chị Hà lên để "vá" ngực.

"Ghép da đùi như vậy sẽ xấu hơn xoay vạt da nhưng lúc ấy sống đã là may rồi nên mình đồng ý phẫu thuật luôn", chị Hà tâm sự. 

Ngay từ mẹ nhập viện, vào phòng cách ly là bé Hana đã không được gặp mẹ, phải dùng sữa công thức hoàn toàn. Sau khi ghép da, chị Hà cũng hết hẳn sữa. Thậm chí sau này nếu sinh thêm bé thì chị cũng sẽ không cho con bú được do phần da ghép là da đùi, không có sự co dãn như da ngực. Khi sữa về căng da thì da ghép sẽ không đảm bảo được, rất dễ tái phát tắc tia sữa, tạo áp xe. Vậy nhưng sau tất cả, chị Hà vẫn cảm thấy được phẫu thuật vẫn là điều may mắn nhất. 

"Khi mình nhập viện, tỉ lệ nhiễm trùng vào máu và chết là rất cao. Khi đó bác sĩ đã phải điều trị tích cực, dùng thuốc tốt nhất cho mình để giành lại sự sống. 

Sau khi mình qua khỏi giai đoạn nguy hiểm đó, bác sĩ có nói với mình "Thôi con ạ, may mà con giữ được mạng sống là tốt rồi còn xấu một chút cũng không sao". Mình cảm ơn câu nói đó rất nhiều. Mình không hề tự ti về ngoại hình và những vết sẹo to đùng người khác nhìn đã thấy ghê mà mình thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn sống để có thể ôm con như ngày hôm nay. 

Bà mẹ đau gấp trăm lần đi đẻ, ngực amp;#34;tan nátamp;#34; vì chữa áp xe bằng mẹo dân gian - 4

Những vết sẹo vẫn còn lưu lại trên cơ thể chị.

Nếu như lúc đó mình chết thì con mình giờ đây sẽ ra sao? Ai là người bên con chăm lo cho con? Vậy nên bao bao đau đớn mình xin nhận hết, chỉ mong con được sống khỏe mạnh, hạnh phúc, có đầy đủ cha mẹ bên cạnh", chị bộc bạch. 

Cũng chính vì chứng tắc tia sữa rất phổ biến ở các mẹ sau sinh và nhận thấy tình trạng bệnh của mình quá nguy hiểm, chuyển biến nhanh nên chị Hà mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo chị em phụ nữ.

Bà mẹ đau gấp trăm lần đi đẻ, ngực amp;#34;tan nátamp;#34; vì chữa áp xe bằng mẹo dân gian - 5

Dù trải qua bao đau đớn, chị Hà vẫn thấy may mắn, hạnh phúc vì còn được ôm con.

"Qua chuyện của mình, mình hy vọng các mẹ nếu có thấy bị tắc tia sữa thì đừng áp dụng phương pháp dân gian mà hãy đi bệnh viện luôn. Những nỗi đau thể xác mình đã phải trải qua đến giờ vẫn ám ảnh mình nên mình không mong ai phải trải qua nữa. Đừng ai để như mình, con bé xíu đã phải dùng sữa công thức và cách ly mẹ rất tội nghiệp. Mình mong không em bé nào phải xa mẹ và không bà mẹ nào không được ôm con trong những ngày đầu như mình", chị Hà nhắn nhủ. 

Để biết cách phòng tránh và chữa trị tắc tia sữa, áp xe vú kịp thời, đúng cách, mời các mẹ đón đọc ý kiến của bác sĩ về vấn đề này vào 13h00 ngày 28/3 trên chuyên mục Bà bầu. 

Anh chồng ham việc hơn ham vợ bỗng rơi nước mắt khi thấy bụng bà xã nát bấy sau sinh
Sinh con lần thứ 2, bụng vợ Hoàng Rapper không còn giữ được vẻ thon gọn như thời con gái mà ngược lại, rạn nứt nhìn xót xa đến rơi nước mắt.
Minh An - Ảnh NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sau sinh