Dù không có một cơ thể hoàn hảo, người phụ nữ tật nguyền sống tại Trung Quốc vẫn mong muốn được trở thành mẹ, hoàn thiện cuộc đời mình.
Người phụ nữ tật nguyền với ước mơ làm mẹ cháy bỏng
Sinh năm 1987, khi chào đời chị Trần Lệ Na (sống tại Bình Âm, Tế Nam, Trung Quốc) có bề ngoài khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Vậy nhưng 5 tháng sau, gia đình bắt đầu hoang mang vì chị Na thường xuyên bị gãy xương từ những tác động nhỏ. Bác sĩ cho biết chị bị mắc căn bệnh mang tên "xương thủy tinh".
Căn bệnh hiếm gặp đã khiến chị Na trải qua một tuổi thơ khó khăn, không có bạn bè, không được đi học như những đứa trẻ cùng tuổi. Thỉnh thoảng, chị lại phải chịu đựng một lần gãy xương đau đớn.
Đến khi trưởng thành, chị Na chỉ cao 1m3. Khi đứng thẳng, hai chân chị lệch nhau đến cả 10cm.
Chị Na chỉ cao 1m3 và gặp khó khăn trong sinh hoạt do căn bệnh xương thủy tinh.
Năm 2012, chị Na gặp và kết hôn với người chồng hiện tại. Mặc dù không có điều kiện kinh tế nhưng anh là người yêu thương vợ, chăm chỉ làm lụng và biết lo cho gia đình.
Sau khi kết hôn, ước nguyện lớn nhất của chị Na là có một đứa con. "Tôi không có sức khỏe tốt nhưng đó là bản chất của mọi phụ nữ. Chỉ khi có một đứa con, tôi mới cảm thấy cuộc đời mình hoàn thiện", chị Na tâm sự.
Tuy khát khao có con là thế nhưng ý thức được tình trạng thể chất của mình, chị Na chỉ dám dự định xin con nuôi.
Vậy nhưng xin con nuôi cũng không phải điều dễ dàng. Gia đình chị Na có thu nhập không ổn định, bản thân chị là người tàn tật nên khó đáp ứng được yêu cầu cơ bản để xin con nuôi. Trở về nhà cùng nỗi thất vọng vô bờ, chị Na nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi không bao giờ thực hiện được ước mơ làm mẹ.
Dù cơ thể không hoàn hảo, chị Na vẫn luôn khát khao được làm mẹ.
Tuy nhiên, năm 2014, chị bất ngờ phát hiện mình đang mang thai tự nhiên. Vừa háo hức, vui mừng nhưng chị và gia đình càng thêm lo lắng, bối rối vì với tình trạng của chị Na, mang thai chắc hẳn là một thử thách lớn. Bên cạnh đó, chị cũng sợ đứa trẻ sẽ phải gánh chịu căn bệnh giống mình.
"Lúc đó, tôi thực sự muốn làm mẹ và giữ lại đứa con này. Tôi nghĩ dù có thế nào mình cũng sẽ sinh con ra và dành cho con những gì tốt nhất", chị Na mắt đỏ hoe khi nhớ lại thời điểm đưa ra quyết định giữ con.
Vừa nhìn lúc chào đời, mẹ bật khóc ôm đầu hối hận
Quyết định giữ lại cái thai nghĩa là chị Na đã chấp nhận đối mặt với hàng loạt khó khăn, thử thách vì một người bình thường mang bầu đã mệt mỏi, huống gì một phụ nữ tật nguyền như chị.
Chị Na đã khóc cạn nước mắt khi bác sĩ nói con có vấn đề về xương.
Đau đớn hơn, khi thai kỳ gần sang tháng thứ 7, bác sĩ siêu âm cho biết chân của em bé bị cong, nguy cơ di truyền căn bệnh của mẹ là rất cao.
"Cảm nhận từng lần con đá, con đạp trong bụng mà tôi chỉ biết khóc. Bác sĩ nói sức khỏe tôi rất yếu, sau lần sinh này khó có thể mang bầu nữa. Vì vậy, tôi thầm nhủ dù con có thế nào mình cũng sẽ sinh ra và chăm sóc con mãi mãi", chị Na nói.
Ngày 16/4/2015, con gái chị Na chào đời. Khi y tá vừa đặt con vào vòng tay mình, bà mẹ trẻ bỗng dưng bật khóc.
Bà mẹ trẻ cảm thấy có lỗi khi con phải chịu nhiều đau đớn từ khi chào đời.
"Tôi thật có lỗi khi bắt con phải sống và đau đớn thế này", chị Na nức nở. May mắn thay, chị luôn được chồng và gia đình động viên, ủng hộ hết mình.
Khi con gái được 11 tháng tuổi, "cơn ác mộng" đáng sợ nhất đã đến với gia đình chị Na. Bé bị gãy xương đùi chỉ sau một cú duỗi chân khi đang ngủ. Nghe tiếng con khóc nấc lên vì đau đớn, chị Na thấy vô cùng hối hận vì quyết định sinh con của mình.
Đến nay, con gái chị Na được gần 4 tuổi và đã trải qua hơn 10 lần gãy xương. Bé cũng phải phẫu thuật chỉnh sửa xương, cấp ghép móng chân 2 năm một lần.
Nhìn con đau đớn trải qua từng cơn phẫu thuật, cảm giác tội lỗi trong lòng chị Na càng tăng lên. Nhưng bên cạnh chị luôn có chồng an ủi, động viên. "Con cái đến với mình là cái duyên, dù con bệnh tật, khiếm khuyết cũng là con của mình. Anh sẽ cố hết sức để lo cho 2 mẹ con", câu an ủi của chồng khiến chị Na xúc động rơi nước mắt.
Chị Na vẫn đang cố gắng lo cho con cuộc sống tốt nhất.
Hiện này, con gái chị Na đang được điều trị bằng cách tiêm tăng mật độ xương 4-5 lần/năm, giúp bé giảm số lần gãy xương và có thể tự đi lại.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng chị Na luôn hạnh phúc mỗi khi nhìn nụ cười trên môi con. Chị mong muốn sẽ cho con một tuổi thơ đẹp nhất và hy vọng con sẽ có một cuộc đời vui vẻ, bình yên.