Tôi năm nay 30 tuổi, đang làm nhân viên hành chính cho một công ty nội thất với mức lương 8 triệu.
Tôi từng nghĩ rằng cuộc đời mình thật may mắn khi lấy được người chồng tôi yêu. Anh ấy là thạc sĩ, làm trong cơ quan nhà nước, tương lai rộng mở. Nhưng từ ngày bước chân vào nhà chồng, tôi nhận ra mình không hề được chào đón.
Mẹ chồng tôi rất coi thường tôi vì tôi sinh ra trong một gia đình đơn thân ở nông thôn, mẹ mất sớm. Bà luôn nghĩ rằng chồng tôi hoàn toàn có thể lấy một cô gái có điều kiện tốt hơn, chứ không phải một người như tôi.
Tôi không phản đối việc sống chung với gia đình chồng, vì thực tế tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi chưa đủ để mua nhà, nhưng sống chung không có nghĩa là tôi phải làm người giúp việc miễn phí.
Từ khi tôi về làm dâu, mọi công việc nhà đều đổ dồn lên vai tôi, trong khi chị dâu tôi không phải động tay vào bất cứ việc gì. Chị ấy xuất thân trong một gia đình khá giả, bố mẹ đều làm quan chức, nên mẹ chồng luôn nịnh bợ. Chị ấy thẳng thừng nói: "Ở nhà mẹ đẻ tôi không phải làm việc nhà, nên sau khi cưới cũng vậy”. Mẹ chồng cũng không dám sai bảo chị ấy, nhưng lại coi tôi như người ở.
Tôi đang mang thai được 5 tháng, sức khỏe không còn được như trước. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn phải nấu ăn, dọn dẹp, làm mọi thứ trong nhà. Tôi đã nghĩ mình có thai, mẹ chồng sẽ quan tâm hơn, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Bà cho rằng: "Có thai không phải bệnh, ngày xưa người ta còn làm ruộng đến tận ngày sinh”.
Mẹ chồng nhiều lần khiến tôi thất vọng. (Ảnh minh họa)
Tôi mệt mỏi đến mức có lần suýt ngất trong bếp, nhưng không ai quan tâm. Chồng tôi thì bảo: "Em chịu khó một chút đi, đừng tính toán. Cả nhà đều ăn mà". Nhưng tại sao chị dâu lại không phải chịu khó, mà tôi thì bị đối xử khác.
Mấy ngày gần đây bố tôi bị bệnh nặng, vừa nhập viện vài ngày trước. Vì bận đi làm, tôi không thể túc trực suốt, đành thuê hộ lý với chi phí 200 ngàn/ngày. Khi mẹ chồng biết chuyện, bà không hài lòng ra mặt, cho rằng tôi phung phí tiền bạc của con trai bà.
Sáng thứ 7, bố tôi phải phẫu thuật. Tôi đến bệnh viện từ 8 giờ sáng, vì lo lắng nên tắt chuông điện thoại để tập trung. Sau hơn 2 tiếng, bố tôi ra khỏi phòng mổ. Khi kiểm tra điện thoại, tôi sững người khi thấy 22 cuộc gọi nhỡ – phần lớn là từ mẹ chồng và chị dâu.
Tôi định mặc kệ, nhưng vì có cả cuộc gọi của chị dâu, tôi lo có chuyện gấp nên gọi lại. Đúng lúc đó, mẹ chồng lại gọi. Tôi theo phản xạ bắt máy.
"Sao sáng giờ không thấy con? Hôm nay nhà chị dâu con có khách, 20 người, bây giờ đều đang ở nhà hết rồi. Mẹ đang tiếp họ, con mau về nấu cơm đi!".
Tôi sững người. Tôi đang ở bệnh viện, chăm bố vừa phẫu thuật xong, nhưng bà chỉ quan tâm đến bữa cơm cho khách của chị dâu?
Tôi bình tĩnh đáp lại 1 câu khiến bà tái mặt: "Mẹ, con không về được. Bố con vừa mổ xong, con cần ở lại chăm sóc. Cả nhà tự lo đi ạ!"
Nói xong, tôi mượn cớ y tá cần trao đổi và cúp máy ngay. Vài phút sau, chị dâu gọi.
"Em dâu,, nhà đã mua đủ nguyên liệu rồi. Bố mẹ chị nghe nói em nấu ăn ngon nên muốn thử. Em về giúp chị một bữa nhé!"
Tôi nhẫn nhịn trả lời: "Bố em vừa mổ xong, em không thể rời đi được”.
Chị ấy thản nhiên đề nghị: "Vậy thế này đi, chị sẽ thuê hộ lý chăm sóc bác, em về nhà nấu cơm nhé?"
Tôi không nhịn được nữa: "Xin lỗi chị, chị tìm người khác đi!"
Nói xong, tôi tắt máy ngay lập tức, không muốn phí lời thêm. Tôi đang mang thai, bố tôi vừa mổ xong, thế nhưng họ chỉ quan tâm đến bữa ăn của họ. Bố tôi từng đến nhà thăm tôi, nhưng mẹ chồng không bao giờ tiếp đón tử tế.
Vì suy nghĩ quá nhiều, tôi bị ngất xỉu ngay trong bệnh viện. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh, kim truyền cắm trên tay, bác sĩ và y tá đang kiểm tra huyết áp.
Tôi nghe tiếng chồng hốt hoảng gọi tên tôi, nhưng giọng anh đầy lo lắng hay chỉ là trách nhiệm? Tôi không biết nữa. Mẹ chồng cũng đứng đó, nhưng bà vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng, như thể tôi chỉ là gánh nặng.
Sau khi bác sĩ rời đi, tôi nằm im lặng trên giường bệnh, nước mắt lặng lẽ chảy. Tôi từng nghĩ chồng mình sẽ nhận ra tôi đã khổ sở thế nào, rằng mẹ chồng sẽ thay đổi sau chuyện này, nhưng thực tế khiến tôi thất vọng hơn bao giờ hết.
Chưa đầy 10 phút sau, tôi nghe mẹ chồng thì thầm với chồng: "Bác sĩ nói vậy thôi, chứ phụ nữ nào mang thai mà chẳng mệt. Ngày xưa tôi còn gánh nước, làm ruộng đến tận ngày sinh. Nó bị vậy là do yếu đuối thôi".
Câu nói ấy như một nhát dao cứa sâu vào lòng tôi. Tôi đang mang thai nhưng đã phải suy nghĩ nhiều đến mức phải nhập viện, nhưng bà vẫn nghĩ tôi chỉ đang giả vờ yếu đuối.
Chồng tôi không nói một lời bênh vực, chỉ đứng đó im lặng. Có lẽ, đã đến lúc tôi phải suy nghĩ lại về cuộc hôn nhân này.
Bài tâm sự được gửi từ độc giả có email: phuongnguyen…@gmail.com
Bị ngất xỉu khi mang thai có nguy hiểm không?
Nếu chỉ bị choáng nhẹ và hồi phục nhanh, mẹ bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu ngất xỉu thường xuyên hoặc có dấu hiệu bất thường, cần đi khám ngay để tránh rủi ro.
Nguy hiểm đối với mẹ bầu:
- Ngã do mất ý thức: Nếu mẹ bầu ngất xỉu đột ngột, có thể té ngã, gây chấn thương vùng bụng, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Giảm lượng oxy lên não: Nếu huyết áp quá thấp, não mẹ bị thiếu oxy, gây nguy cơ rối loạn thần kinh, suy giảm trí nhớ sau sinh.
- Ảnh hưởng đến tim mạch: Ngất xỉu liên tục có thể là dấu hiệu của bệnh lý tim mạch, cần được kiểm tra ngay.
Nguy hiểm đối với thai nhi:
- Giảm lượng oxy đến thai nhi: Nếu mẹ bị huyết áp thấp kéo dài, thai nhi có thể bị thiếu oxy, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và hệ thần kinh.- Tăng nguy cơ sinh non: Nếu mẹ bị căng thẳng, suy nhược, tử cung có thể co bóp bất thường, làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.