Sau lời nhận xét của chị bán rau, bà mẹ trẻ này ra ngay hiệu thuốc mua que thử thai, nào ngờ có tin vui “2 vạch” thật.
Khi nhắc lại hành trình mang bầu, đi đẻ cũng như nuôi con nhỏ sau sinh của bản thân, chị Tống Thị Kim Loan ở Thường Tín, Hà Nội vẫn thấy như ngày hôm qua. Mặc dù hiện tại, bé nhà chị Loan đã hơn 3 tháng nhưng trộm vía cứng cáp, khoẻ mạnh theo đúng chỉ số của tháp đo tăng trưởng khi nặng 7,2kg, dài 70cm.
Theo bà mẹ trẻ ở Thường Tín này cho biết, vợ chồng chị sau cưới thả 8 tháng nhưng không dính bầu. Bởi thế, chị quyết định đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để khám hiếm muộn: “Thế nhưng kết quả thăm khám cho thấy cả 2 vợ chồng đều bình thường. Mình vẫn lấy thuốc về uống và 1 tháng sau thì có tin vui”.
Chị Loan khi mang bầu (Ảnh: NVCC)
Ngày phát hiện 2 vạch là khi chị Loan đi chợ mua đồ ăn. Hôm ấy các bà bán hàng ngoài chợ cứ mời chị mua dứa vì bình thường biết chị rất thích ăn dứa, uống nước ép dứa cà rốt. Nhưng hôm đó, bỗng nhiên chị Loan lại nhất quyết không mua vì thấy chán ăn loại quả này.
“Thấy vậy 1 chị bán rau ở chợ rất thân với mình đi qua tét mông rồi bảo: Em có bầu rồi nên mới như vậy. Mình vẫn bảo không phải. Tuy nhiên sau đó trên đường về mình ra hiệu thuốc mua que thử thai về thử thì thấy hiện lên 2 vạch”, chị Loan hân hoan nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ.
Quá đỗi vui mừng nên lúc đó mình đã gọi ngay cho chồng thông báo. Nhưng chồng đang ăn cơm ở cơ quan nên chưa kịp nghe máy. Sau gọi lại mình báo đã 2 vạch mà chồng kể lại cứ đờ đẫn cả người và lặng thinh 1 lúc. Cảm giác được làm bố thật rất lâng lâng khó tả. Còn mình thì rơi nước mắt khóc òa trong hạnh phúc và viết nhanh nhật ký kỷ niệm”.
Suốt cả thai kỳ, Loan rất khỏe mạnh, chỉ kén ăn hơn và ăn ít hẳn. Tuy vậy, chị vẫn ăn đúng giờ, đúng bữa và đủ chất: “Mình vẫn ăn đều đặn 2 bữa cơm, không bỏ bữa sáng, ăn nhiều các loại hạt và đa dạng thực phẩm. Ngoài ra, mình uống 3 lít nước, vừa đẹp da vừa đảm bảo nước ối cho con và thanh lọc cơ thể. Điều này mình rất ưu tiên. Đến khi sắp sinh em bé, lượng nước ối của mình vẫn đủ tiêu chuẩn”.
Đặc biệt trong thai kỳ, bà bầu này không dùng sữa mà ưu tiên bổ sung chất qua thức ăn và thuốc bổ. Điều này vừa đảm bảo sức khoẻ, vừa đủ chất để cả mẹ và con cùng phát triển khoẻ mạnh. Do bản thân khá mập nên chị Loan cũng tuyệt đối không dùng đường và bánh ngọt để đảm bảo không bị tiểu đường thai kì. Và kết quả test tiểu đường thai kì của chị, chỉ số rất đẹp.
Những tháng cuối thai kỳ, bà bầu này cho biết uống nhiều nước dừa, nước mía để nước ối trong, con sinh ra sạch sẽ, ít gây trắng. Đôi khi chị uống nước ép trái cây để bổ sung thêm: “Những ngày cuối thai kỳ, mình còn ăn xôi để con chắc và đầm tay. Có lẽ vì chú ý ăn uống nên cả thai kỳ mình tăng hơn 20kg và em bé sinh ra 3,650kg. Trộm vía sinh xong mình cũng giảm được 16kg trong tháng đầu”.
Ngày có bầu chị Loan rơi nước mắt khóc òa trong hạnh phúc và viết nhanh nhật ký kỷ niệm (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên hành trình mang bầu của người phụ nữ này cũng có chút gian nan. Đó là ở tuần thứ 33, chị Loan có dấu hiệu từng bị dọa sảy, từng bị các cơn gò dồn dập giống chuẩn bị sinh. Ngoài ra, bà bầu này cũng từng Covid sốt cao 40 độ liên tục trong 4 ngày. Vì lo lắng cho sức khỏe 2 mẹ con nên lúc đấy, chị Loan quyết định dừng toàn bộ công việc dạy học của mình lại và chỉ ở nhà để giữ thai.
Gần đến ngày sinh, bà mẹ trẻ này quyết định mổ đẻ: “Mình quyết định mổ vì thứ nhất thai to, chu vi vòng đầu em bé là 99 gần đạt max 100 mà khung xương chậu của mình bé, nếu đẻ thường thì rất khó. Thứ 2 mình không muốn rặn lâu vì rặn lâu đầu con dài, mất thẩm mĩ cho con. Thứ 3, rặn lâu khiến mẹ mất sức, bản thân mình lại yếu nên chắc không chịu được. Thứ 4 mình không muốn đẻ thường thất bại phải sang đẻ mổ. Như vậy vừa mất sức, mất thời gian, chờ đợi hồi hộp lo lắng”.
9h sáng ngày 20/7/2022, chị Loan vào viện và làm xong xuôi hồ sơ sinh nên nhập viện rất nhanh. 13h chị bắt đầu đi mổ và chỉ 45 phút sau là nghe tiếng con khóc chào đời. 20h tối chị đã được về phòng với người thân và gặp con yêu.
“Quá trình sinh mổ của mình rất nhẹ nhàng, không đau vì mình truyền thuốc giảm đau. Các cô y tá và bác sĩ chăm sóc sản phụ rất nhiệt tình khiến mình thấy rất an tâm, ưng ý và tin tưởng. Mình đi sinh tổng chi phí hết 49 triệu. Mặc dù tốn kém nhưng nghĩ mình chỉ sinh vài lần, chuyện sinh đẻ rất khó để lường nên cẩn thận chọn bệnh viện và bác sĩ để gửi gắm”, chị Loan kể lại.
Ngày bé Bom mới chào đời (Ảnh: NVCC)
Dù chuẩn bị đón con yêu bao nhiêu ngày tháng nhưng sau sinh vẫn là khoảng thời gian stress của sản phụ khi có những giấc ngủ không trọn vẹn vì tiếng con khóc e e, là những ngày stress vì sao con lại bị này bị kia.
“Từ một người chăm chỉ đi làm và dạy học, mình chỉ ở nhà bế con nên cảm thấy rất buồn khi không được gặp mọi người, khi không được tiếp tục công việc. Mình cũng thèm rất nhiều món, đặc biệt các món cay của Thái hay đồ ăn của Hàn. Nhưng vì không tốt cho con nên đành phải bỏ qua hết”, chị Loan tâm sự.
Đặc biệt, sản phụ này gặp khó khăn nhất là chăm con, cho con ăn và gọi sữa mẹ về do ít sữa, không có núm ti, con dính thắng lưỡi nên không ngậm được. Bởi thế chị Loan đành bất lực vắt sữa cho con ti bình: “Ban đầu vất vả, cứ vắt rồi rửa bình rồi tiệt trùng nhưng cũng quen. Trên hết mình vẫn vui vì con vẫn bú sữa mẹ và khi bận rộn mẹ có thể nhờ ông bà cho con ăn”.
Thay vì tối ngày dạy học, soạn giáo án, chấm bài và làm các công việc chuyên môn, giờ bà mẹ trẻ dành hết thời gian chăm con (Ảnh: NVCC)
Từ khi có con, cuộc sống của chị Loan thay đổi 180 độ. Thay vì tối ngày dạy học, soạn giáo án, chấm bài và làm các công việc chuyên môn, giờ bà mẹ trẻ dành hết thời gian chăm con.
“Mình hạnh phúc khi nhìn con lớn mỗi ngày, hạnh phúc khi thấy con biết mở mắt nhìn mẹ, khi con biết hóng chuyện, biết líu lo, biết a a ư ư cùng bố mẹ, khi nhìn con nỗ lực cố gắng tập lẫy, khi con ăn no phê sữa và cả khi con khóc, con cười với bố mẹ. Mình luôn cầu trời ban cho sức khoẻ, để được chăm con và đồng hành cùng con”.