Bảo Trâm đã có ca sinh con “không thể đau đớn hơn” khi trải qua 48 giờ đau đẻ, mất 1,4 lít máu và phải truyền 8 lít nước vào người.
Mặc dù đã có ca sinh con đầu lòng mẹ tròn con vuông cách đây gần 1 tháng nhưng nói về quá trình đón em bé chào đời, chị Lê Nguyên Bảo Trâm (sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc) cho biết chị vẫn không thể tưởng tượng được làm thế nào để chị có thể vượt qua những giờ phút đó.
May mắn là sau 48 giờ vật vã đau đẻ, chị đã hạ sinh con khỏe mạnh và dù có chút bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ nhưng chị vẫn dành thời gian chia sẻ về hành trình đi đẻ của mình cũng như những khác biệt khi sinh con ở Úc.
Chị Bảo Trâm trải qua 48 giờ đau đẻ vật vã mới đón được con chào đời.
May mắn em bé chào đời khỏe mạnh, an toàn.
Đau đẻ suốt 48 giờ, mất 1,4 lít máu và phải truyền 8 lít nước vào người để sinh con
Chia sẻ về thai kỳ đầu tiên của mình, chị Bảo Trâm cho biết chị bị mắc căn bệnh hiếm gặp, chỉ xảy ra với 1/1000 phụ nữ mang bầu, đó là chứng bệnh cholestasis, còn gọi là hội chứng Obstetric Cholestasis hay Intrahepatic Cholestasis. Đây là căn bệnh về gan chỉ xảy ra khi mẹ mang thai. Tuy bệnh không phổ biến nhưng lại gây ra cảm giác vô cùng khó chịu và khổ sở cho chị Trâm trong gian đoạn cuối của thai kỳ. Biểu hiện của căn bệnh này là khiến chị Trâm thường bị ngứa lòng bàn chân. Ngoài ra, căn bệnh cũng khiến chị có tâm trạng thất thường, hay cáu giận, buồn bực và mất ngủ.
Chị phát hiện mắc bệnh ở tuần 30 thai kỳ nên được theo dõi khá nghiêm ngặt để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ bầu và em bé. Gần đến ngày sinh nở, chị được bác sĩ chỉ định nhập viện để sử dụng phương pháp kích sinh nhưng chị không ngờ lại có ca sinh khó khăn đến vậy.
Ngay từ khi mang bầu, chị đã bị mắc một hội chứng bệnh về gan nên được theo dõi thai kỳ rất cẩn thận.
Vào tuần 39 thai kỳ, chị Trâm được bác sĩ chỉ định nhập viện để áp dụng phương pháp kích sinh.
Kể về hành trình đi đẻ của mình, bà mẹ trẻ nói: “Bác sĩ chỉ định mình kích sinh vào lúc 39 tuần. Ngày nhập viện mình không đau hay có biểu hiện gì cả. Suốt thai kỳ đến lúc sinh mình cũng không đau lưng, hông hay sưng, tê chân gì... Hôm đó, 6 giờ sáng chủ nhật mình vào viện và được tiêm 2 ống thuốc vào cổ tử cung, và yêu cầu đi bộ càng nhiều càng tốt. Mục đích của việc này là để cho cổ tử cung mở 2cm sẽ bấm ối. Mình được bơm tối đa 3 lần cách nhau 6 tiếng mỗi lần, cho đến khi mở được khoảng 2cm. Sau khi bơm, mình vẫn chưa cảm thấy gì, còn đến tiệm ăn kem, đến 12 giờ mới bắt đầu đau nhẹ.”
Đến khoảng 2 giờ, chị Trâm nhận thấy những cơn đau theo từng cơn và cổ tử cung đã mở được 1cm. Tuy nhiên mọi việc không diễn ra như dự tính ban đầu khi mà chị bất ngờ vô tình bị nữ hộ sinh làm vỡ ối trong khi khám. “Mình đau dồn dập hơn và phải dùng thuốc giảm đau. Khoảng 1-2 giờ sau, đau quá không chịu được nên mình hít thêm khí giảm đau, nhưng thật ra mình thấy cái này không tác dụng gì, cơn đau càng lúc càng tăng, đến sáng mới chỉ mở được 2cm.”
Bước sang ngày thứ 2, chị Trâm được chuyển xuống phòng sinh để truyền kích đẻ. Vì đã thức trắng cả đêm hôm trước và không ăn uống được gì, uống nước cũng ói, nhịp tim tăng cao nên chị phải truyền nước liên tục tới 6 lít nước và 2 lít kích sinh. “Đây là khoảng thời gian đau đớn dữ dội nhất, đau quá đến nỗi mình phải tiêm thêm 1 mũi giảm đau ở đùi.”, chị Trâm nhớ lại.
“Đến 3 giờ sáng thứ 3, cổ tử cung của mình mới mở đủ 10cm. Mình có yêu cầu tiêm mũi giảm đau ở lưng vì mất sức quá nhiều và không chịu thêm được nữa. Mũi tiêm này phải tiêm lúc cổ tử cung mở 4-5cm trở lên, nếu tiêm sớm quá sẽ làm cổ tử cung ngừng mở. Bé đã quay đầu xuống dưới, nhưng thay vì phải úp mặt vào trong, bé lại quay ngửa lên trên. Bác sĩ phải cho tay vào xoay đầu bé lại, họ bảo may vì mình tiêm ở lưng, nếu không phải chuyển sang mổ.”
Vì ca sinh khó nên chị Trâm đã mất tới 1,4 lít máu và trải qua suốt 48 giờ liền đau đẻ. Sinh xong chân còn bị sưng to, có thể do chị bị truyền tới 8 lít nước vào người. Dù đã mẹ tròn con vuông nhưng nhớ lại ca sinh con đầu lòng của mình, chị Trâm cho biết chị “vẫn không thể tưởng tượng nổi làm sao mình có thể vượt qua được, nhưng cũng không có cách nào khác vì bác sĩ không cho mổ.”
Vì ca sinh khó nên chị Trâm đã mất tới 1,4 lít máu và được truyền vào người tới 8 lít nước.
Đẻ xong hộ sinh bảo vào tắm liền, uống nước đá để đỡ đau vết rạch
Mặc dù có ca sinh nở khó nhưng chị Bảo Trâm cho biết chị hài lòng với dịch vụ y tế và chăm sóc ở bệnh viện Úc nơi chị chọn sinh con.
“Mình được nằm phòng riêng, bác sĩ và nữ hộ sinh ở bệnh viện đều rất tận tình, khẩu phần ăn ngày 3 bữa đầy đủ dinh dưỡng.”, chị Trâm nói.
Chia sẻ về việc kiêng cữ sau sinh, bà mẹ một con cho biết sau sinh chị không kiêng gì, sinh xong là nữ hộ sinh đã bảo chị bảo chị vào tắm liền, bác sĩ còn bảo uống nước đá cho đỡ đau vết rạch tầng sinh môn. Chị cũng ăn uống rất thoải mái, đa dạng thực phẩm để đảm bảo nguồn sữa cho con.
Sau sinh, chị Trâm có nguồn sữa khá dồi dào.
Chị không kiêng cữ sau sinh mà ăn uống rất đa dạng.
Hiện tại sau sinh con gần 1 tháng, nguồn sữa của chị Trâm rất dồi dào. Chị dùng cách hút sữa ra để con bú bình. Vì sữa về nhiều nên chị còn dư sữa để trữ đông và thường xuyên bị tức sữa.
Có lẽ cũng vì nhiều sữa nên bà mẹ trẻ giảm cân khá nhanh sau sinh. Khi mang thai, chị Trâm tăng 12kg nhưng hiện tại đã giảm được 10kg. Với vòng 2, chị áp dụng cách quấn muối và dự định sẽ dùng corset để định hình lại eo cộng với việc tập yoga nhẹ nhàng. Chị cũng cho biết chị sẽ mua đai massage & máy tập rung để hỗ trợ thêm cho việc giảm eo nhanh chóng sau sinh con.
Nói thêm về việc chăm sóc cơ thể sau sinh, chị Trâm cho biết chị may mắn lấy được người chồng rất tâm lý và khéo léo trong việc chăm sóc vợ con. Khi chị sinh nở, chồng chị được nghỉ làm 1 tháng để hỗ trợ vợ. “Mình may mắn vì chồng làm hết việc nhà và chăm con. Còn nhớ hôm đi sinh, trong suốt 2 ngày 2 đêm mình đau đẻ, anh luôn thức ngồi bên cạnh, massage cho mình. Có 1-2 lần vì mệt quá anh nằm ngủ khoảng 30 phút ngay dưới chân giường mình luôn. Trong gần một tháng qua mình dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe bởi chồng nhận hết phần chăm con, có thời gian rảnh thì mình tranh thủ xông hơi, làm đẹp cho bản thân thôi.”, chị Bảo Trâm tự hào nói.
Chị Trâm giảm 10kg chỉ sau sinh chưa đầy 1 tháng.
Chồng chị rất khéo léo trong việc chăm sóc con nhỏ.