Hơn một tuần sau sinh, sản phụ ung thư phổi giai đoạn cuối mới có thể nằm nghỉ sau hàng tháng ròng ăn ngồi, ngủ ngồi 24/24.
Từ chối điều trị ung thư để giữ lại bằng được thai nhi trong bụng, nữ chiến sĩ công an Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) đã nhận được sự ủng hộ, cảm thông và nhiều tình cảm đặc biệt của đông đảo người dân trong cả nước những ngày vừa qua.
Bằng nghị lực phi thường và tình yêu con vô hạn, sản phụ ung thư phổi giai đoạn cuối quyết từ chối điều trị cho bản thân để giữ bằng được thai nhi trong bụng
Đã ăn được cơm và tinh thần tốt lên trông thấy
Ngồi một chỗ và thở máy trên giường bệnh trong phòng hậu phẫu, Huyền Trâm lộ rõ vẻ mệt mỏi, phờ phạc sau kỳ sinh nở. Hiện tại, tuy tình trạng sức khỏe còn yếu, nhưng chị đã có thể nằm ngả người ra sau nghỉ ngơi những lúc quá mệt thay vì phải ngồi thẳng người 24/24 hàng tháng ròng như trước đó. Chị cũng đã ăn được cơm trở lại sau chuỗi ngày dài chỉ làm bạn với cháo loãng.
Tuy đang phải gồng mình chiến đấu với bệnh tật từng giờ từng phút, nhưng mỗi khi được cho xem những hình ảnh về con trai đang được nuôi trong lồng kính, khuôn mặt chị lại rạng rỡ hẳn lên. Đôi mắt thất thần vì mệt và những cơn đau cũng trở nên linh hoạt hơn, ánh lên niềm hạnh phúc.
Hiện tại, mẹ đẻ và chồng của chị vẫn luôn túc trực tại bệnh viện K Trung ương và bệnh viện Phụ sản Trung ương để chăm sóc sức khỏe cho hai mẹ con. Vừa ân cần chỉnh lại bộ đồ bệnh nhân giúp vợ, anh Hà, chồng của Huyền Trâm vừa kể: “Từ hôm ốm, người Trâm gầy xọp hẳn đi rồi…” Quả thực, dáng vẻ yếu ớt, gầy gò của sản phụ ung thư phổi giai đoạn 4 khác hoàn toàn với hình ảnh một nữ chiến sĩ công an khỏe mạnh ngày nào.
Chồng của sản phụ Huyền Trâm luôn túc trực, chăm sóc vợ rất chu đáo tại bệnh viện K Trung ương
Theo lời chồng của sản phụ, bé Gấu (con trai anh chị) hiện đang được các bác sĩ chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Mỗi ngày, người thân chỉ có thể sang thăm bé được 2 lần để nghe các bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe. Thời gian còn lại, hai người đều ở bên chăm sóc, động viên sản phụ.
Trước mắt, sức khỏe của bé Gấu đang tiến triển theo chiều hướng tốt, mỗi ngày bé ăn được hơn chục lần, mỗi lần 1-2ml sữa. Tuy nhiên, để có những tiên lượng được cụ thể hơn, các bác sĩ cho hay phải sau ít nhất từ 15 đến 30 ngày mới có kết luận.
Nghị lực phi thường của nữ chiến sĩ công an qua lời kể của mẹ
Không muốn con gái thêm buồn phiền lo lắng, bà Lan (mẹ của Huyền Trâm) luôn cố gắng tỏ ra lạc quan, mạnh mẽ và khá nhanh nhẹn so với độ tuổi 60. Tuy vậy, bà vẫn không nén nổi xúc động mỗi khi chứng kiến những người khách đến thăm con dù chưa từng quen biết vẫn nắm tay con thật chặt, nghẹn ngào động viên: “Cố lên em, chóng khỏe em nhé!”.
Gạt vội nước mắt trước khi con kịp nhận ra, bà tâm sự: “Con bé gan lỳ lắm, đau mấy cũng cố chịu đựng, có bầu mà phải ngồi cả ngày cả đêm hàng tháng ròng trước khi sinh, ăn cũng ngồi, ngủ cũng ngồi. Bao nhiêu người khuyên bỏ thai để chữa bệnh nó cũng không bỏ đâu, cái gì đã quyết là phải làm bằng được.
Ngày thi vào đại học cũng thế, năm đầu không đậu Học viện Cảnh sát, đi học trường khác rồi nó vẫn quyết tâm vừa học vừa ôn để năm sau thi lại cho bằng được mới thôi”.
Thương con gái phải ngồi nguyên một chỗ đã mấy tháng trời, cứ có thời gian rảnh mẹ của Huyền Trâm lại ngồi xoa bóp chân tay cho con đỡ mỏi. (Ảnh: Ngọc Dung - Người lao động)
Được biết, bố của Huyền Trâm cũng từng là Trưởng công an huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ông mất vì căn bệnh ung thư dạ dày khi người con trai lớn lên 7 tuổi, Trâm mới được 3 tháng rưỡi. Nhìn bộ quân phục mẹ treo cạnh bàn thờ bố, từ nhỏ hai anh em Trâm đã ao ước lớn lên được làm những chiến sĩ công an mạnh mẽ.
Huyền Trâm tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nhân dân và về công tác tại Đội nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát Phòng tham mưu Công an tỉnh Hà Tĩnh tháng 7/2015. Hiện tại, chị đang đeo hàm Thiếu úy. Trung úy Hà, ông xã của Huyền Trâm cũng vừa là đồng hương, vừa là đồng nghiệp của chị. Người anh trai sinh năm 1984 hiện cũng đang là Trưởng công an phường tại Hà Tĩnh.
Trước đó, khi mang bầu ở tuần thai thứ 11, thai phụ Huyền Trâm đã phát hiện mình đã mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi, chị từ chối mọi phương pháp điều trị ung thư và quyết tâm giữ con lại lâu nhất có thể. Ở tuần thứ 19, bệnh nhân phải nhập viện điều trị do diễn biến xấu. Đến tuần thứ 29, nhận thấy sức khỏe của bệnh nhân không đủ để tiếp tục nuôi dưỡng thai nhi, các bác sĩ đã thực hiện ca mổ lấy thai ngày 10/7 vừa qua. Bé trai chào đời với cân nặng 1,2kg và ngay lập tức được chuyển vào nuôi trong lồng kính. Được biết, đây được cho là ca mổ “có một không hai” đối với các bác sĩ. Do những ảnh hưởng của căn bệnh, bệnh nhân không thể nằm mà phải phẫu thuật trong tư thế ngồi. Không đủ điều kiện sức khỏe để gây mê hay tiêm thuốc an thần, sản phụ chỉ được gây tê tủy sống và gần như tỉnh táo hoàn toàn trong suốt cuộc phẫu thuật. 2 y tá đỡ 2 bên sản phụ, bác sĩ phải cúi ngang bàn mổ và phải lấy con ra thật nhanh để an toàn cho cả mẹ và con. Ca mổ diễn ra chỉ vẻn vẹn trong vòng 30 phút. Sự kiên cường của bà mẹ trẻ khi quyết hy sinh mình đổi lấy sự sống cho con đã khiến không ít bác sĩ rơi nước mắt vì quá xót xa, thương cảm. |