Bỏ qua nỗi đau về thể xác, từ chối điều trị bệnh và âm thầm chiến đấu với những cơn đau tưởng như không thể chịu đựng được… những bà mẹ này đã bất chấp cả tính mạng để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Mẹ trẻ bị ung thư phổi giai đoạn 4 sinh con trong tư thế ngồi
Những ngày qua, câu chuyện về sản phụ Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi, đến từ Hà Tĩnh) mặc dù mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4 đã di căn sang gan nhưng vẫn từ chối điều trị để giữ lại đứa con trong bụng, đã khiến không ít người rơi nước mắt.
Hình ảnh Huyền Trâm sau ca sinh mổ ngồi.
Ca sinh mổ của sản phụ Huyền Trâm diễn ra hôm 10/4 vừa qua với sự chuẩn bị chu đáo từ trước của các y bác sĩ thuộc bệnh viện K Trung ương. Chia sẻ về ca sinh mổ đặc biệt này, bác sĩ Phùng Thị Huyền (Phó khoa Nội 2 – BV K Trung ương), người trực tiếp tham gia kíp mổ lấy thai cho bệnh nhân chia sẻ: “Tôi đã chữa cho nhiều bệnh nhân ung thư có thai, nhưng đây là ca bệnh đặc biệt nhất mà có lẽ cả đời làm bác sĩ tôi không bao giờ quên”.
Bác sĩ cũng kể lại: “Trong những ngày điều trị ở đây, dù bệnh ngày càng nặng, dù rất đau đớn, thậm chí phải ngủ ngồi, nhưng chưa một lần chúng tôi thấy Trâm rơi một giọt nước mắt. Tôi còn nhớ, hôm đó chúng tôi mời bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sang hội chẩn, nghe câu chuyện và nhìn thấy bệnh nhân, chúng tôi đã khóc, người nhà cũng khóc, nhưng riêng Trâm thì không.”
Bác sĩ Huyền cũng xúc động cho biết đây là một cô gái có nghị lực, sự hy sinh và can đảm vô cùng, nhiều người dù đã từng trải nhiều ngoài xã hội, nhưng cũng không thể làm được như vậy.
Em bé đang được chăm sóc đặc biệt tại BV Phụ sản Trung ương
Hiện tại, em bé của sản phụ Trâm đang được chăm sóc đặc biệt tại BV Phụ sản Trung ương với tiến triển tốt. Câu chuyện bất chấp tính mạng để sinh con của nữ chiến sỹ trẻ này đã khiến cộng đồng không khỏi khâm phục, cảm động.
Mẹ hy sinh đôi mắt để sinh con
Câu chuyện về người mẹ hy sinh đôi mắt để sinh con cũng từng lấy đi nhiều nước mắt của cộng đồng. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Yên (Hoài Đức, Hà Nội). Chị Yên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khi đang mang bầu tháng thứ 5 thai kỳ. Tại thời điểm đó, rất nhiều người đã khuyên chị nên bỏ con để xạ chị nhưng người mẹ này đã kiên quyết không đồng ý.
Chị Yên đã hy sinh đôi mắt để con được sinh ra khỏe mạnh.
Từ khi phát hiện mắc bệnh, chị đã phải một mình chiến đấu với những cơn đau đớn tưởng như không chịu đựng nổi. Khi thai được 6 tháng một bên mắt chị mờ dần nhìn không rõ mọi thứ. Chị quờ quạng trong bóng tối và chịu đựng bệnh tật với những đau đớn tột cùng.
Đến tuần 36 thai kỳ, chị được gây tê mổ bắt con và em bé chào đời nặng 2,1 kg, khỏe mạnh và không phải nằm lồng kính. Tuy nhiên cũng từ lúc này người mẹ trẻ ấy mất đi hoàn toàn đôi mắt sáng. Từ ngày ấy đến giờ ao ước được nhìn thấy mặt con 1 lần với chị dường như chưa bao giờ tắt.
Mẹ bị ung thư máu vẫn quyết sinh con
Mang bầu ở tháng thứ 6 thai kỳ tưởng chừng như hạnh phúc sắp thành hiện thực khi con yêu chào đời thì bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Linh Huệ (sinh năm 1993, quê Bình Phước) lại phải đối mặt với căn bệnh quái ác mang tên ung thư máu. Ở tháng thứ 7 thai kỳ, ca bệnh được các bác sĩ hội chuẩn và quyết định mổ bắt con để đảm bảo tính mạng cho cả 2 mẹ con.
Hình ảnh bà mẹ trẻ mang bầu bị ung thư máu khiến nhiều người xót xa.
Tại thời điểm đó, sức khỏe của chị Huệ rất yếu vì viêm phổi nặng đã ảnh hưởng đến tim, kèm theo sự phát triển của căn bệnh ung thư máu nên mặc dù ca mổ thành công nhưng số lượng bạch cầu trong máu của chị không ổn định, đôi mắt của chị đã tạm thời không thể nhìn thấy do ảnh hưởng của bệnh.
Trước khi ca mổ đẻ diễn ra, chị Huệ được Bệnh viện Huyết học - Truyền máu (Q.1, TP HCM) chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, TP HCM) để các bác sĩ hội chẩn về việc mổ bắt con khi mang thai đã gần 7 tháng. Ca mổ được thực hiện thành công, cả nhà chị Huệ thở phào nhẹ nhõm khi được chào đón bé gái nặng 1,1 kg.
Sức khỏe Linh Huệ sau ca sinh mổ bị suy giảm nặng nề.
Sau ca sinh mổ, sức khỏe của chị Huệ suy giảm nặng nề và cô không còn có thể nhìn rõ mặt ai nữa. Dù vậy bà mẹ trẻ vẫn khao khát một lần được được ôm con vào lòng, được chạm vào con. Câu chuyện về sản phụ nghèo mắc bệnh trọng này đã khiến không ít người xót xa, rơi nước mắt.
Mẹ trẻ dù chết vì ung thư vẫn quyết định sinh con
Một trường hợp bị ung thư máu vẫn quyết định sinh con nữa là chị Nguyễn Thị H., 24 tuổi, hiện đang sống tại TP.HCM. Chị cho biết khi nhận kết quả khám bệnh sau thời gian dài bị sốt, chị vẫn không hề bị mình bị ung thư máu do chồng và gia đình giấu kín. Mãi sau này khi tìm hiểu trên mạng về căn bệnh bạch cầu cấp dòng tủy mình đang mắc phải bị mới bàng hoàng biết mình đã bị ung thư.
2 tháng sau khi đang được điều trị bệnh tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM với những cơn đau đớn tột cùng thì chị bất ngờ phát hiện mình có bầu. Khi biết tin, các bác sĩ và người thân cũng khuyên không nên giữ lại em bé bởi có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ, thậm chí người mẹ có thể tử vong bất cứ lúc nào. Hơn nữa, việc chị đang điều trị thuốc chữa ung thư cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Dù bị ung thư máu nhưng may mắn chị H. đã hạ sinh con mẹ tròn con vuông.
Dù vậy mọi lời khuyên can đều không có tác dụng. Chị vẫn một mực quyết giữ em bé trong bụng. Khi được hỏi vì sao lại có động lực và quyết tâm giữ con đến cùng, chị H. cho biết, từ lúc chị cưới đến lúc biết bị bệnh là hơn 1 năm. Thế nhưng anh chị vẫn chưa có con. Lúc nào hai vợ chồng cũng mong ngóng sẽ có tin vui. Rồi đúng lúc biết mình mắc bệnh, tin vui lại đến. Chị nghĩ rằng, có thể đó là duyên số ông trời muốn an ủi chị. Vậy là chị quyết định sẽ vượt nguy hiểm mang bầu để sinh con.
Ở tuần 37 thai kỳ, chị H. được đưa lên bàn sinh mổ. Trước khi sinh, bác sĩ cũng đã nói chuyện với gia đình về những nguy cơ có thể xảy ra, thậm chí là có thể chị phải đánh đổi cả tính mạng vì bạch cầu quá cao, có thể lên não bất cứ lúc nào.
May mắn ca sinh mổ đã diễn ra mẹ tròn con vuông và 2 ngày sau sinh chị đã được về phòng và gặp con gái trong vô vàn hạnh phúc. Hiện tại, chị H. vẫn đều đặn 2 tuần vào viện trị liệu, vẫn tiếp tục uống thuốc và theo dõi. Nếu cơ thể vẫn chấp nhận thì sẽ tiếp tục điều trị theo phương án cũ, còn nếu không sẽ phải thay thuốc và có hướng điều trị mới.