Cục Dân số ghi nhận người có trình độ dưới bậc tiểu học trung bình sinh 2,35 con trong khi học trên cấp THPT chỉ sinh 1,98 con, và người giàu sinh ít con hơn người nghèo.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, cho biết thông tin trên, thêm rằng trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế liên quan đến mức sinh. Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy mức sinh trung bình của người giàu là 2 con, trong khi người nghèo 2,4 con, còn người có mức sống khá và trung bình mức sinh 2,03 đến 2,07 con. Người có trình độ học vấn dưới bậc tiểu học sinh tới 2,35 con còn người trình độ trên THPT sinh 1,98 con. Thống kê không công bố cơ sở xác định người giàu và nghèo.
Ngoài ra, phụ nữ thành thị cũng sinh muộn và sinh con ít hơn phụ nữ nông thôn. Cụ thể, tại khu vực thành thị, mức sinh cao nhất là nhóm phụ nữ 25-29 tuổi, với tỷ suất sinh 127 trẻ/1.000 phụ nữ. Còn ở khu vực nông thôn, mức sinh cao nhất là nhóm 20-24 tuổi với 147 trẻ/1.000 phụ nữ.
"Hơn 20 năm qua, mức sinh tại thành thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế, trong đó TP HCM hiện có mức thấp nhất cả nước, với 1,32 con/phụ nữ", ông Hoàng nói, giải thích học vấn, điều kiện sống được cải thiện, tâm lý thích hưởng thụ cuộc sống khiến người thành thị ngại sinh con, dẫn đến mức sinh thấp.
Thống kê năm 2019 cũng cho thấy nhóm người Việt giàu, học cao sinh con trai nhiều hơn gái. Điều tra cho thấy tỷ số giới tính khi sinh thấp nhất là 107 trai/100 bé gái ở nhóm các bà mẹ không biết chữ. Tỷ lệ này tăng dần theo trình độ học vấn của người phụ nữ, lên 114 trai/100 gái ở những bà mẹ có trình độ học cao đẳng trở lên. Ở nhóm dân cư giàu, tỷ số này là 112 trai/100 gái, trong khi nhóm dân cư nghèo đạt 105 bé trai/100 bé gái.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là định kiến giới. Ưa chuộng con trai là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu tận dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính em bé trước sinh cũng dẫn đến trình trạng này. Người càng khá giả và hiểu biết thì càng có điều kiện để tiếp cận các phương pháp lựa chọn giới tính con trước khi sinh.
Một em bé chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Thanh Huế
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho biết Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ. Song, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Hiện 21/63 tỉnh, thành có mức sinh thấp, hầu hết nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Theo các chuyên gia, mức sinh thay thế thấp để lại hệ quả rất rõ, ví dụ Nhật Bản là quốc gia già hóa dân số số 1 thế giới. Khi dân số già hóa, chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng lên rất nhiều, thiếu hụt lao động, nguồn lực kinh tế xã hội sụt giảm. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức sinh thay thế thấp như hiện nay, dự báo trong 35 năm tới, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm. Đến năm 2069, cứ 2 trẻ em thì có 3 người già từ 60 tuổi trở lên.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng cần phải có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh con. Cần bãi bỏ chính sách khuyến khích sinh ít con, thực hiện chính sách sinh đủ hai con, hỗ trợ vợ chồng sinh và nuôi dạy con. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, đề xuất cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người. Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng.