Khi mẹ nghe tiếng con khóc chào đời, mẹ không bao giờ nghĩ rằng mẹ con mình sắp phải trải qua nhiều chuyện như thế.
Các cụ xưa có câu "chửa đẻ là cửa mả" để nói lên sự khó khăn, vất vả của chị em phụ nữ khi vượt cạn. Tuy nhiên không chỉ khó nhọc lúc mang thai, sinh nở mà sau sinh, những tưởng niềm hạnh phúc có con đã trọn vẹn, thì vẫn có những bà mẹ phải đối mặt với sự đau đớn, những rủi ro mà họ không lường trước được. Và câu chuyện sau sinh của chị L. K. V. (Hà Nội) là trường hợp cụ thể như thế.
Chị V. cho biết trong suốt 9 tháng mang thai, sức khỏe của chị khá tốt. Chị không hề bị mệt và còn thường xuyên có cảm giác thèm ăn nên chị tăng tới 18kg mặc dù khi mới mang thai chị không hề muốn tăng cân nhiều. Vì sức khỏe thai kỳ tốt, em bé cũng thuận thai nên chị V. và gia đình đã quyết định sẽ sinh thường. "Ngay từ đầu mình đã quyết định chọn sinh thường vì sinh mổ phải dùng đến các loại thuốc kháng sinh nên mình không thích. Hơn nữa mình còn muốn cho con bú mẹ ngay sau sinh. Và mình cũng đọc nhiều tài liệu được biết sinh thường sẽ tốt nhất cho em bé.", chị V. nói.
Ca sinh thường của chị V. diễn ra khá thuận lợi. Sau khi được tiêm 2 mũi kích đẻ, bé Ball đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan, vui sướng của chị và gia đình. Tuy nhiên những ngày sau sinh mới thực sự cực nhọc với bà mẹ trẻ 9x này.
Ngay sau sinh, chị V. bị giãn xương chậu nhưng phải đến ngày thứ 2 khi hết thuốc giảm đau, chị mới phát hiện ra. Lúc này chị không thể đi lại được, thậm chí việc đứng lên, ngồi xuống cũng vô cùng khó khăn và phải có sự giúp đỡ của người khác. Rồi những ngày tiếp theo, bé Ball bị chẩn đoán nhiễm khuẩn sơ sinh và sau đó chị còn bị nhiễm trùng vết rạch... Có những lúc chồng chị đã ôm vợ khóc vì thương vợ phải chịu đau đớn, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì thương con phải nằm trong lồng ấp và những tưởng không thể vượt qua được những ngày sau sinh đầy thử thách đó.
Tuy nhiên sau hơn 3 tuần sống trong sợ hãi, đau đớn, mệt mỏi... cuối cùng sức khỏe của hai mẹ con chị V. đã ổn định. Hiện tại, bé Ball ăn, ngủ và phát triển tốt. Chị V. cũng đã có thể tự đi lại và tự tay chăm sóc con được.
Bé Ball hiện tại đã khỏe mạnh bình thường và trộm vía ăn uống tốt. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhân dịp đầy tháng con trai, chị đã ghi lại những dòng nhật ký cho con vô cùng xúc động về hành trình sinh nở và những ngày sau sinh "đầy nước mắt" của mình. Được sự đồng ý của nhân vật, xin chia sẻ với chị em những dòng tâm sự này:
"Nhật ký của mẹ
Con yêu, 21 giờ ngày 12 tháng 9 là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mẹ, khi mẹ nghe thấy tiếng khóc chào đời của con. Lúc ấy, mẹ không bao giờ nghĩ rằng mẹ con mình sắp phải trải qua nhiều chuyện như thế. Trước khi sinh, mẹ tự tin nghĩ đau đẻ thì đau thật, nhưng mình sinh thường thì sẽ nhanh chóng hồi phục thôi. Và đúng là khi nghe tiếng khóc của con, mẹ quên hết mình đau đẻ thế nào, rồi mẹ nghĩ đến việc sẽ tự tay chăm sóc cho con, cho con bú và chơi với con, ghi lại từng khoảnh khắc đáng yêu và các mốc phát triển của con ra sao.
Ngày thứ 2: Mẹ phát hiện mình bị giãn xương chậu
Nhưng đến ngày thứ 2 sau sinh, sau khi hết thuốc giảm đau, mẹ mới biết mình bị giãn xương chậu, không thể cử động chân được, không thể đi lại, quay người hay thậm chí việc ngồi lên cũng cần người khác giúp đỡ. Bác sĩ bảo 1-2 tháng xương chậu của mẹ sẽ tự động hồi phục, không cần uống thuốc gì cả, cũng nhiều người bị như thế. Mẹ tự an ủi mình rằng thôi không sao, có thể mẹ không thể tự tay chăm sóc con, nhưng mẹ vẫn có thể cho con bú, mẹ cũng rất hạnh phúc rồi, không thể cầu toàn quá được. Ngày thứ 3 mẹ con mình được về nhà, con khóc nhiều hơn bình thường, khóc rất thương. Mẹ nghĩ con đói, vì con bú nhưng xong lại nhả ra tìm kiếm và khóc, mẹ thấy da con khô và vàng hơn bình thường. Tối hôm ấy sữa về, mẹ vui vì từ giờ con có thể bú no nê rồi, dê con của mẹ trộm vía rất háu ăn.
Ngày thứ 4: Con bị nhiễm khuẩn sơ sinh
Ngày thứ 4, da con càng khô và vàng hơn, con vẫn khóc nhiều, ngủ ít. Mẹ hi vọng trẻ sơ sinh có đứa này đứa kia, dù mẹ cũng thấy lạ vì ngày đầu trộm vía con cứ bú xong là ngủ rất ngoan. Nhưng trưa hôm đấy con sốt cao, mẹ bị khủng hoảng, không cần biết vì lý do gì, tất cả là tại mẹ. Con nhập viện Nhi với chẩn đoán bị nhiễm khuẩn sơ sinh, chuyển hết từ khoa này đến khoa khác, mẹ cũng không hiểu sao người ta không tư vấn cho con vào luôn khoa sơ sinh mà lại để chuyển nhiều lần như thế.
Mẹ không thể quên được, hôm đấy bố quấn mẹ trong cái chăn to sụ, cùng mọi người khiêng xe lăn của mẹ lên từng bậc thang để nhập viện cùng con. Nhưng vì vào khoa sơ sinh con được chăm sóc trong lồng ấp, bị cách ly mẹ, mẹ với bố đành phải ở nhà khách – nơi chuyên dành cho các bà mẹ và người nhà có bé đang được chăm sóc ở khoa sơ sinh.
Mẹ không thể quên được, nhà khách ấy giống như một ký túc xá thu nhỏ. Cứ 3 tiếng 1 lần bất kể ngày đêm, các mẹ sẽ vắt sữa và để vào trong bình sữa mang đến khoa sơ sinh để người ta đổ vào các ống xông cho các con. Đến lúc này mẹ mới biết dù sữa về nhưng mẹ bị tắc tia sữa dạng nhẹ, không hút ra được nhiều, những lần đầu chỉ đủ tráng bình thôi, nhưng được bao nhiêu thì được, mẹ vẫn hút ra để con có thể được uống sữa mẹ nhiều nhất có thể.
Mẹ không thể quên được, tối hôm đấy bố khóc vì thương mẹ ở đây rất lạnh và mất vệ sinh, không thể kiêng cữ được, bố muốn mẹ về nhà, cứ đến các cữ đưa sữa, bố sẽ đi xe máy đem ra. Rồi bố mẹ lại khóc vì thương con nằm lồng ấp một mình có thấy sợ không, bố mẹ cứ kỳ vọng ngày mai sẽ ổn thôi Ball ạ.
Ngày thứ 5: Con vẫn phải nằm lồng ấp
Ngày thứ 5, vào 11giờ hàng ngày, các bố mẹ sẽ tập trung ở hội trường nhà khách để nghe tình hình của con mình, Ball của mẹ đã hạ sốt và có thể cho ghép mẹ được rồi. Nhưng vì không có phòng để ghép, nên con đành phải ở thêm 1 ngày trong lồng ấp một mình.
Chị V. đang từng ngày cố gắng kích sữa để Ball được bú hoàn toàn sữa mẹ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ngày thứ 6: Con vẫn bị vàng da
Ngày thứ 6, từ sáng mẹ đã nhận được tin có phòng để con được ghép mẹ, nhưng mẹ không thể di chuyển ngay được, nên đành để con ghép với bà trước. Tối hôm đấy, mẹ mới được gặp con. Mẹ đau thắt khi thấy chân con có một ống tiêm ven treo sẵn, miệng con vẫn còn đang cắm ống xông bơm trực tiếp vào dạ dày, còn tay thì vẫn hằn những vết tím vì lấy máu. 2 ngày không gặp bế con đã khác rồi. Sinh con 3,4kg mà lúc nhập viện con còn 2.9kg, mẹ tự an ủi con hết sốt sẽ lại tăng cân nhanh thôi.Mẹ cứ nghĩ ghép mẹ rồi, con bú được và ổn định thì hôm sau sẽ được về nhà thôi. Thế mà con vẫn vàng da, phải chiếu đèn, đi tiểu ít, nên phải theo dõi thêm 4 ngày nữa. Trộm vía gặp con sữa mẹ về càng nhiều hơn, con chỉ phải uống một chút sữa ngoài để đêm mẹ được ngủ dài hơn.
Ngày thứ 10: Mẹ bị bục vết khâu, nhiễm trùng
Ngày ra viện, mẹ nghĩ mọi việc sẽ lại về với quỹ đạo thôi. Thế nhưng một tuần ở viện không kiêng cữ được, mẹ lại cứ cố gắng quá sức nên vết khâu bị bục và nhiễm trùng. Mẹ lên cơn sốt cao hơn 40 độ, trong lúc sốt, mẹ cứ hỏi bà ngoại là con có sao không hả mẹ? Có vượt qua được không? Tại sao lại gặp những chuyện như thế hả mẹ? Nhưng rồi mẹ lại tự nghĩ rằng những chuyện này xảy ra vì nó phải xảy ra, nó phải có ý nghĩa gì đó với cuộc đời của mẹ.
Ngày thứ 17: Mẹ vẫn sốt, phải cách ly với con
Rồi mẹ được bác sĩ kê kháng sinh 7 ngày. 7 ngày đấy, mẹ vẫn sốt liên tục, con và mẹ lại bị cách ly. Sữa mẹ vắt ra đem đổ, con thì phải uống sữa công thức. Sau khi tiêm 20 mũi, mẹ hết sốt thì sữa cũng bị tiêu dần. Lần vắt đầu tiên sau khi khỏi mẹ khóc vì sữa chỉ đủ tráng bình thôi, trong khi con đã ăn lên đến 60ml rồi. Nhưng mẹ lại nghĩ mình không phải bà mẹ duy nhất bị mất sữa, người ta đẻ mổ hoặc gặp những bệnh bất thường cũng phải tiêm truyền bao nhiêu kháng sinh mà. Thế là mẹ lên mạng tìm đọc tài liệu kích sữa, hỏi han người có kinh nghiệm, đầu tư máy hút, ăn uống tẩm bổ và kiên trì thực hiện. Trộm vía dù có kích giời mà con không chịu bú mẹ thì cũng không thể kích lên nhanh được, nhưng Ball của mẹ dù 7 ngày không ti nhưng vẫn không chê mẹ, vẫn vừa ti mẹ vừa bú bình nếu thiếu, nên mẹ càng tự tin hơn.
Dù mẹ mới đi được một nửa chặng là kích lên được 40ml 1 lần thôi, còn con bây giờ đã ăn đến 90ml rồi, nhưng mẹ tin là một thời gian nữa, con sẽ lại được bú mẹ hoàn toàn.
Bây giờ mẹ cũng dần cử động đi lại được rồi, 3 ngày nay được tự chăm sóc con mẹ thấy rất hạnh phúc.
Mai là đầy tháng con rồi, mẹ chỉ mong Ball của mẹ luôn khỏe mạnh mà thôi. Mẹ yêu con!"