Trong quá trình mang thai, sản phụ Yến phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ việc sử dụng thuốc cho đến phải sử dụng phác đồ điều trị riêng.
Thông tin một người phụ nữ, mặc dù phải chạy thận 7 năm nhưng vẫn quyết có thai và sinh con khỏe mạnh, gần đây đã khiến dư luận hết sức ngạc nhiên về ý chí quyết tâm vượt lên tất cả của người mẹ “đặc biệt” này. Tuy nhiên, ít ai biết được để được làm mẹ, chị Hoàng Ngọc Yến (31 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hà Nội) phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, để giữ được thai nhi cho bệnh nhân Yến, các bác sĩ phải đưa ra một phắc đồ điều trị riêng, đó là một quy trình đặc biệt do một nhóm bác sĩ có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng dành riêng cho bệnh nhân lọc máu chu kỳ mang thai sinh con.
Sản phụ Yến và cháu Xuân Bảo đã khỏe mạnh và chuẩn bị xuất viện.
Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu cao hơn người bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn. Bên cạnh đó, người mẹ phải dùng kết hợp nhiều loại thuốc: thuốc huyết áp, thuốc chống đông… Thai phụ lại không đi tiểu được nên dẫn đến tăng cân.
Ngoài ra, các bác sĩ phải theo dõi sát sao chỉ số cân nặng của thai phụ vì nó liên quan đến việc rút nước trong các buổi lọc. Chỉ cần 1 sai sót nhỏ có thể dẫn ảnh hưởng lớn đến thai nhi. Hơn nữa, nồng độ PH trong máu bệnh nhân cần phải duy trì rất ổn định, nếu nồng độ PH cao có thể kích hoạt sảy thai.
Cuối cùng là việc lựa chọn thuốc cho sản phụ. Đây cũng là điều các bác sĩ phải cân nhắc rất kỹ, bởi chọn thuốc điều trị huyết áp cho mẹ thế nào để không ảnh hưởng đến thai nhi; Điều trị thiếu máu, điều trị tăng huyết áp, điều trị suy dinh dưỡng, điều trị rối loạn chuyển hoá can xi – phospho, dự phòng tiền sản giật, thúc đẩy sự phát triển của phổi thai nhi…
GS Mai Trọng Khoa - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tặng hoa chúc mừng mẹ con chị Yến.
Là người trực tiếp theo dõi diễn biến trong quá trình thai nghén và điều trị cho Ngọc Yến, PGS. TS. Phạm Bá Nha (Trưởng khoa Phụ - Sản , BV Bạch Mai) cho biết, đối với các thai phụ suy thận chạy thận chu kỳ việc theo dõi tình trạng thai nghén là rất khó khăn do tình trạng toàn thân của người mẹ rất xấu, huyết áp cao, có nhiều biến loạn toàn thân nên ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thai kỳ.
“Đặc biệt khi chạy thận thì những biến loạn này càng nhiều nên cần cân nhắc và điều chỉnh rất chính xác khi lọc thận và việc theo dõi, điều chỉnh về thai nghén cũng yêu cầu rất khắt khe. Khi thai được 24 tuần, sản phụ Yến xuất hiện ra máu và được chẩn đoán là Polype cổ tử cung. Chị buộc phải nằm viện nội trú tại khoa Phụ - Sản và hàng ngày lọc thận tại khoa Thận Nhân tạo”, BS Nha cho biết.
Với nỗ lực tuyệt vời của các bác sĩ cũng như chính bệnh nhân, ngày 6/9/2015 bé trai Xuân Bảo đã chào đời trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc khoa Thận Nhân tạo, Khoa Phụ - Sản.
Cháu bé sinh mổ ở tuần thai thứ 31 do có biểu hiện suy thai với trọng lượng ước chỉ 1500g, sau sinh cháu Xuân Bảo được chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, tính đến ngày 14/10 sau hơn 1 tháng chào đời, cháu Bảo đã khỏe mạnh xuất viện với trọng lượng 2100gr.
Là một người có công rất lớn trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Yến, TS. BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo chia sẻ, đối với những người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính, phải lọc máu chu kỳ giữ thai khó khăn hơn cả trăm lần.
Lịch sử 40 năm hình thành và phát triển của Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai đến nay mới ghi nhận 05 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai. Trong đó, chỉ có trường hợp này duy nhất tính đến thời điểm hiện tạo tạm gọi là “mẹ tròn con vuông”.
Đồng thời, TS Dũng cho biết những trường hợp suy thận nặng có thai trên thế giới cũng không có nhiều. Vì thế đây là một kỳ tích của bệnh viện nói riêng và y học nói chung.