Những ca sinh vô cùng đặc biệt diễn ra trong năm qua đã thu hút được sự chú ý của dư luận.
Năm 2017 vừa qua ở Việt Nam đã diễn ra những ca sinh cực hiếm gặp với tỉ lệ dưới 1% trên toàn thế giới. Những ca sinh này cũng ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông và dư luận.
Bé sinh đôi chào đời trong bọc ối ở TP.HCM
Thông thường, sản phụ khi sinh con, túi ối sẽ bị vỡ để chuẩn bị cho thai nhi chui ra khỏi bụng mẹ, quá trình này được gọi tắt là "vỡ ối". Tuy nhiên, trung bình trong số 80.000 em bé thì sẽ có 1 bé đặc biệt chào đời mà vẫn nằm nguyên trong bọc ối.
Gần đây, một bà mẹ tên Trịnh Thị Lụa (sống tại TP.HCM) đã may mắn được đón hai bé sinh đôi, trong đó một bé còn nằm nguyên trong bọc điều khi chào đời.
Em bé chào đời còn nguyên trong bọc ối.
Khi cháu bé đầu tiên chào đời chị đã vô cùng hạnh phúc nhưng hạnh phúc hơn cả đó là cháu thứ hai chào đời bằng nguyên cả bọc điều. Theo quan niệm bé sinh trong bọc điều là điều may mắn với cháu.
Sau khi sinh, chị và gia đình được xem lại clip chính các bác sĩ ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời đó khiến vợ chồng chị rưng rưng cảm xúc, chị Lụa kể “tôi không biết diễn tả như thế nào và tôi sẽ giữ lại clip này khi bé lớn sẽ cho bé xem lại để thấy điều kỳ diệu này”.
Theo quan niệm không chỉ ở phương Đông mà còn cả phương Tây, sinh bọc điều là dấu hiệu của may mắn. Những đứa trẻ đặc biệt này sẽ luôn được trời đất bảo vệ, che chở suốt cuộc đời giống như túi nước ối bao bọc cho chúng suốt thai kỳ. Số mệnh của chúng rất vững vàng, không gì có thể đánh gục được.
Cận cảnh em bé trong bọc ối của chị Lụa.
Về mặt sản khoa, khi thai nhi được "sinh mổ bọc điều", thai nhi đã được che chở suốt quá trình phẫu thuật bởi nước ối mà không bị sang chấn nào dù là nhỏ nhất. Chính vì vậy, quan niệm trẻ sinh ra từ những trường hợp sinh bọc điều sẽ gặp may mắn trong suốt cả cuộc đời cũng có cái lý của ông bà chúng ta.
Bé trai nặng nhất Việt Nam, chào đời đã 7,1kg ở Vĩnh Phúc
Trọng lượng trung bình của trẻ sơ sinh là khoảng 3,2-3,4kg. Trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 1,5% trẻ sơ sinh ra đời với cân nặng lớn hơn 4,5kg. Vậy nhưng ngày 14/10, tại bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), một bé trai đã chào đời với cân nặng lên tới 7,1kg.
Bé Tiến Quốc chào đời với cân nặng 7,1kg.
Với mức cân "khủng" này, bé Trần Tiến Quốc đang được tổ chức kỷ lục Việt Nam xem xét và làm các thủ tục cần thiết để trao giấy chứng nhận bé sơ sinh nặng cân nhất Việt Nam.
Đặc biệt, chị Nguyễn Kim Liên (SN 1987, mẹ bé Quốc) cho biết trong cả thai kỳ chị không bồi bổ gì nhiều, không uống sữa bầu mà chỉ ăn cơm canh bình thường cùng gia đình.
Trong cả quá trình mang thai chị Liên tăng tổng cộng 22kg. 30 tuần đầu tiên các bác sỹ thông báo không thấy gì bất thường về cân nặng của thai nhi. Từ tuần 31 trở đi, thai nhi phát triển rất nhanh, mỗi tuần tăng 2-3 lạng. Tới tuần 34, chị Liên đi siêu âm thì bé Quốc đã nặng 3,3 kg.
Bé Quốc khi được 1 tuần tuổi.
Dù bác sĩ đã thông báo trước khi thai được 38 tuần rằng bé sinh ra sẽ có cân nặng lớn hơn mức trung bình nhưng 7,1kg vẫn là con số khiến chị Liên và gia đình bất ngờ.
Sinh con ra với cân nặng kỷ lục, chị Liên và gia đình vừa mừng vừa lo, vì bác sĩ có cảnh báo một số bệnh, đặc biệt là đường huyết.
Đến nay, tình hình sức khỏe của bé vẫn được theo dõi sát sao và gia đình cho biết bé hoàn toàn khỏe mạnh, phát triển bình thường và không bị tụt cân.
Tỉ lệ mang thai thấp hơn 50%, mẹ Hà Nội bất ngờ sinh 3 tự nhiên hiếm gặp
Hiện tượng đa thai ở con người là hiếm xảy ra, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các trường hợp sinh nở tự nhiên trên toàn thế giới. Nhìn chung, tỷ lệ trung bình phụ nữ mang song thai là 1/80, tam thai khoảng 1/8.000.
Năm 2017 vừa qua, trường hợp Nguyễn Hà Linh (sinh năm 1994, sống tại Hà Nội), một bà mẹ trẻ nằm trong số 0,0125% phụ nữ trên thế giới mang thai và sinh ba tự nhiên đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều người.
Tam thai tự nhiên của Hà Linh là trường hợp cực hiếm trên thế giới.
Đặc biệt, Hà Linh vốn có bệnh buồng trứng đa nang và u nang nước chạy chữa nhiều nơi không khỏi nên khi phát hiện mang thai 3 tự nhiên, cô đã vô cùng bất ngờ và hạnh phúc.
Ba thai của Hà Linh bao gồm 2 phôi, 1 phôi đơn và 1 phôi song sinh cùng trứng. Biết mình mang bầu hiếm nên cô đã đi khám tại khắp các bệnh viện lớn, uy tín ở Hà Nội. Đến đâu, gặp bác sĩ nào, Hà Linh cũng được khuyên nên giảm thiểu bớt một phôi thai để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và các bé được chào đời an toàn.
Hà Linh khá vất vả khi mang thai.
Vậy nhưng cuối cùng, nhờ cơ duyên với một bác sĩ giỏi và sự động viên từ gia đình, Hà Linh quyết định giữ lại cả ba bé. Quá trình mang thai ba không hề dễ dàng, Hà Linh đã phải trải qua không ít khó khăn, vất vả, "đến thở thôi cũng khó khăn".
Cuối cùng, ngày 23/6/2017, ba bé Nguyễn Viết Hoàng Nam, Nguyễn Viết Hoàng Khôi và Nguyễn Viết Hoàng Quân sau một ca mổ cấp cứu. May mắn thay, cả ba bé đều hoàn toàn khỏe mạnh, cân nặng đều và không gặp bệnh lý gì.
Hiện tại, cả ba bé đều khỏe mạnh và phát triển ổn định.
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |