Thanh Liễu ra quyết định đi trữ đông trứng vào đúng sinh nhật tuổi 30 vì chưa muốn lấy chồng, thậm chí không chắc sẽ kết hôn nhưng vẫn muốn có một đứa con.
Giữa tháng 8, trong phòng phẫu thuật tại một bệnh viện ở Hà Nội, cô gái 30 tuổi nhanh chóng thiếp đi do tác dụng của thuốc mê. Tỉnh dậy, cô được thông báo 8 quả trứng đã được lấy thành công và nên kích thêm một lần nữa.
Điều này có nghĩa Liễu sẽ mất thêm một tháng để thực hiện quá trình tự tiêm thuốc vào bụng, theo dõi sát sao sự phát triển của buồng trứng, đi kèm những cảm giác căng tức ngực, buồn nôn, trước khi trứng được hút ra.
"Bất chấp những điều đó, đi đông trứng cho tôi một cảm giác hoàn toàn tự do", Thanh Liễu, ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Tổng chi phí trữ đông trứng của Liễu khoảng 60 triệu đồng, hàng năm đóng thêm 7 triệu đồng phí duy trì. Số tiền bằng vài tháng thu nhập của Liễu, một người tự kinh doanh. Cô nói đây là khoản đầu tư xứng đáng vì đã chứng kiến nhiều phụ nữ lớn tuổi có sự nghiệp, tiền bạc nhưng quá tuổi có con.
"Hai năm trước chị gái tôi sinh con thứ hai khi đã ngoài tuổi 35 nhưng rất khó khăn mới có được em bé, khiến tôi nhận ra tầm quan trọng của việc trữ trứng ở thời điểm tốt nhất", cô chia sẻ.
Thanh Liễu, 30 tuổi, làm kinh doanh tự do ở Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng lo lắng về khả năng sinh nở, tháng 12/2023, Anh Thư, quản lý mua hàng của một tập đoàn đa quốc gia ở TP HCM, đi trữ trứng ở tuổi 36.
Thư tìm hiểu về việc này từ đầu năm, đã điều chỉnh chế độ ăn uống và chăm sóc sức khỏe trước khi thực hiện thủ thuật. Từ lần đầu cô đã lấy được 20 quả, chọn trữ 16 quả, chi phí hết 80 triệu đồng. Sau 6 tháng đầu, Thư phải đóng thêm 9 triệu đồng phí lưu trữ mỗi năm.
"Trữ đông trứng như mua bảo hiểm, chẳng ai mong dùng tới", Thư nói. "Nhưng trong trường hợp trở thành single mom, tôi cũng yên tâm vì vẫn có thể sinh con bằng những quả trứng đã trữ ở thời điểm khỏe mạnh của mình".
Thanh Liễu và Anh Thư là một phần của xu hướng phụ nữ độc thân đi trữ trứng ở Việt Nam. Chưa có thống kê đầy đủ, nhưng các cơ sở thụ tinh ống nghiệm (IVF) lớn ở Việt Nam ghi nhận số khách hàng gia tăng rõ rệt trong khoảng hai năm qua. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phụ nữ độc thân đến trữ trứng tăng nhanh trong một năm trở lại đây. Mỗi tháng trung tâm tiếp nhận 6-8 đơn đề nghị làm thủ thuật. Tại trung tâm IVF của bệnh viện Tâm Anh, số ca trữ trứng có xu hướng tăng mạnh trong quý IV năm 2023 và nửa đầu năm nay. Trung tâm hiện tiếp nhận khoảng 7 khách hàng mỗi tuần, 90% là phụ nữ độc thân.
Sự phát triển của ngành công nghệ hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam đã đóng góp vào xu hướng này. Đây được xem là ngành công nghiệp triệu USD, với doanh thu 132 triệu USD năm 2022 và dự kiến đạt 200 triệu USD năm 2028, theo báo cáo của Research and Market, công ty nghiên cứu thị trường quốc tế của Mỹ. Hiện cả nước có hơn 50 trung tâm IVF, tất cả đều có thể trữ đông trứng.
Đã làm thủ thuật trữ đông trứng cho hàng nghìn trường hợp, thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đỗ Thùy Hương, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết phụ nữ độc thân đi đông trứng vì nhiều lý do. Có người đang tập trung cho sự nghiệp và phát triển bản thân, một số không muốn kết hôn, một bộ phận khác chưa tìm được ý trung nhân. "Dù lý do là gì, điểm chung của họ là đều có sự nghiệp, kinh tế tốt và tự chủ", bác sĩ Hương nói.
Ngọc Hà, 34 tuổi, làm việc tại một trường mầm non quốc tế ở Hà Nội được bác sĩ Hương làm thủ thuật đông trứng hai tháng trước. Hà có nhiều kiện tốt, xung quanh không thiếu người theo đuổi và đôi lúc cũng có mối quan hệ yêu đương nhưng không xác định. Cô tiết lộ lý do đi đông trứng vì để có thêm thời gian chờ ý trung nhân xuất hiện.
Bản thân Thanh Liễu không có kế hoạch kết hôn trong một hai năm tới bởi công việc kinh doanh đang bắt đầu vào guồng. Hơn nữa cô quan ngại chuyện lập gia đình do chứng kiến bạn bè kết hôn sớm khi chưa đủ kiến thức, tài chính, suốt ngày cãi vã.
"Đông trứng cho tôi thời gian để có thể chuẩn bị tốt nhất cho hôn nhân nếu có xảy ra", Liễu nói.
Bác sĩ Đỗ Thùy Hương tư vấn cho một phụ nữ độc thân đông trứng, tháng 7/2024. Ảnh: Hồng Chinh
Bác sĩ Đỗ Thùy Hương cho biết khi trữ đông, đồng hồ sinh học của trứng gần như sẽ dừng lại thời điểm đó. Vì thế người phụ nữ kể cả khi đã mãn kinh vẫn có thể dùng trứng của mình để mang thai và sinh con, dù không được khuyến khích do tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe khi mang thai muộn.
Tại Trung tâm IVF của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những ca trữ đông trứng ban đầu là giúp các cặp vợ chồng làm IVF và phụ nữ trước khi điều trị ung thư, đến nay kỹ thuật này đã mở rộng ra cho phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp và cả những người đang mải mê sự nghiệp, chưa muốn sinh con. Hiện con số trữ đông trứng ở nhóm phụ nữ độc thân chiếm khoảng 1/5 tổng số ca trung tâm thực hiện.
Song trên thực tế số lượng phụ nữ độc thân quan tâm đến trữ đông trứng lớn hơn rất nhiều. Mỗi khi chủ đề "trữ đông trứng" được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút hàng trăm nghìn lượt quan tâm. Trong đó, chi phí là vấn đề được đặt câu hỏi nhiều nhất. Hiện, tùy theo các cơ sở IVF và thể trạng từng người, chi phí dao động từ 50 đến 100 triệu đồng, bên cạnh phí duy trì thường niên khoảng 6 đến 8 triệu đồng.
Độ tuổi sinh sản đẹp nhất của phụ nữ là 25-30, tuy nhiên theo bác sĩ Hương, trữ đông trứng ở độ tuổi này là hơi sớm vì vẫn có nhiều cơ hội tìm người phù hợp kết hôn. Nếu ngoài 30 vẫn chưa có kế hoạch kết hôn hãy nghĩ đến giải pháp này.
"Người trẻ không cần trữ đông trứng ngay, nhưng nên đi kiểm tra AMH (dự trữ buồng trứng) và siêu âm, tổng chi phí chỉ khoảng một triệu đồng để xem buồng trứng của mình đang ở trong tình trạng nào", bác sĩ Hương nói và nhấn mạnh những phụ nữ có vòng kinh ngắn (25-26 ngày) là biểu hiện của một buồng trứng không tốt, nên đi khám sớm.
Chuyên gia dẫn ví dụ trường hợp Ngọc Hà, 34 tuổi, một lần kích trứng đã được tới 32 quả và cô chọn trữ đông tất cả, dù phí lưu trữ hàng năm tới gần 20 triệu đồng. Ngược lại, một bệnh nhân 29 tuổi, làm trong ngành CNTT đi canh trứng mấy tháng nay, cuối cùng chỉ hút ra chỉ được bốn quả. Trường hợp này buộc phải kích trứng thêm một vài chu kỳ nữa để đạt số lượng cần thiết trữ đông.
Từ khi đông trứng đến nay, Anh Thư cảm giác như được giải phóng. Cô cho biết bản thân có chút thành tựu sự nghiệp, kinh tế vững, với nhiều cơ hội đặt chân đến các quốc gia trên thế giới. Dù vậy, trước đây cô vẫn lo lắng lấy chồng muộn mà quá tuổi sinh con.
"Giờ tôi thực sự không quan trọng sinh con rồi kết hôn hay kết hôn mới sinh con, thậm chí kết hôn cũng không phải mục tiêu cấp bách. Tôi có thời gian để tìm người phù hợp", Thư nói.