Kiêng cữ không đúng cách sau sinh có thể gây phản tác dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và em bé.
Chuyện kiêng cữ sau sinh nở đã trở nên quá phổ biến đối với các mẹ Việt khi hầu hết chị em sinh xong đều cho rằng mình phải kiêng nước, kiêng gió, phải đút bông tai hay thậm chí có những người mặc định mình phải nằm than, tránh vận động... sau ca sinh nở.
Thực tế khoa học đã chứng minh sản phụ sau sinh không nên kiêng khem thái quá. Thậm chí việc kiêng cữ không đúng cách còn có thể gây phản tác dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và cả em bé.
Dưới đây là những quan niệm kiêng cữ mà mẹ Việt không nên áp dụng theo để tránh gây những rủi ro không đáng có:
Nằm than sau sinh
Quan niệm ngày xưa của ông bà cho rằng phụ nữ sau sinh phải nằm than để phòng lạnh. Đây là kiêng cữ sau sinh đã quá lỗi thời. Các bác sĩ khuyến cáo không nên áp dụng cách giữ ấm không hợp lý này, bởi trong khói than chứa rất nhiều khí CO2 ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Hơn nữa, làn da em bé mới sinh quá mỏng manh và yếu ớt. Chỉ cần tác động nhiệt quá nóng cũng đủ làm bé bị bỏng nhẹ, hoặc rôm sảy. Với các bé sinh mổ, nhiệt độ phòng quá nóng có thể làm chậm quá trình tống đàm nhớt ra ngoài, tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Trên thực tế, đã có một số trường hợp tử vong vì ngạt khí CO2 do nằm than sau sinh nở nên chị em cần bỏ ngay quan niệm này.
Kiêng tắm gội cả tháng
Kiêng tắm gội 2-3 ngày sau sinh có thể được chấp nhận, nhưng cấm suốt cả thời gian nằm cữ đến 2 tuần hay cả tháng là quá vô lý. Tình trạng vệ sinh không sạch sẽ kéo dài tạo điều kiện cho mụn nhọt xuất hiện, vi khuẩn có cơ hội phát triển, tấn công vào cơ thể đang còn yếu của phụ nữ sau sinh.
Mẹ chỉ nên kiêng tắm gội tối đa là 3-5 ngày sau sinh. Trong thời gian đó, chị em cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ với nước ấm. Về đầu tóc, mẹ nên sử dụng dầu gội khô để tránh tình trạng dính bết khó chịu, rất dễ làm bạn nhức đầu. Sau khi cơ thể đã khỏe dần, mẹ có thể tắm bình thường, với nước ấm, dưới vòi hoa sen, ở nơi tránh gió. Tuyệt đối không tắm bồn, bởi nguy cơ nhiễm trùng và cảm lạnh rất cao.
Không dám đánh răng
Nếu sợ đánh răng sau sinh sẽ gây ra chứng ê buốt răng về sau, mẹ có thể dùng nước ấm để súc miệng. Tuyệt đối không kiêng cữ vệ sinh răng miệng sau sinh, bởi chế độ ăn uống bổ dưỡng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn răng miệng sinh sôi nảy nở. Mẹ cũng có thể chọn loại bàn chải mềm để đánh nhẹ nhàng, sẽ không ảnh hưởng gì đến chân răng.
Nằm phòng kín
Phụ nữ sau sinh cần được giữ ấm trong thời gian ở cữ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa phòng mẹ và bé sinh hoạt cần bít gió ở mọi ngóc ngách. Thử hỏi trong mùa hè nóng bức, sự bí bách, ngột ngạt của môi trường sẽ tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và bé ra sao?
Sốt hậu sản do dính gió độc không phải là kết luận đúng đắn. Thông thường, viêm nhiễm sau sinh từ vết thương rạch tầng sinh môn hoặc vết mổ mới là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
Tuyệt đối không vận động
Phụ nữ sau sinh thường được khuyên nên nằm một chỗ, trừ khi đi vệ sinh, còn đâu ăn, uống, tất tần tật nên ở trên giường. Liệu có quá lợi bất cập hại? Thiếu vận động sau sinh có thể làm bạn mắc chứng tắc động mạch, làm trì trệ những bộ phận cần hồi phục sau sinh như khoang chậu, trực tràng, bàng quang.
Tốt nhất, mẹ vẫn nên vận động nhẹ nhàng sau sinh, bởi nó không chỉ có lợi cho việc lưu thông máu, mà còn giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn, nhất là với các mẹ sinh mổ. Khoảng 6 tuần sau sinh, mẹ có thể thực hiện những bài tập phù hợp như yoga.
Ăn cháo móng giò triền miên
Không có mẹ nào lại không biết nguyên tắc ăn uống lợi sữa hết sức hiệu quả này. Tuy nhiên, thay vì chăm chăm vào món móng giò, sáng, trưa, chiều tối đều móng giò, mẹ có thể tìm nguồn lợi sữa ở rất nhiều thực phẩm khác.
Mẹ có biết kẽ móng giò tiếp xúc lâu ngày với môi trường chuồng trại không sạch sẽ chứa hàng tá vi khuẩn gây bệnh? Nếu chế biến không sạch, nấu không kỹ, nguy cơ hệ tiêu hóa của cả mẹ và bé bị ảnh hưởng là rất cao. Ngoài ra, ăn móng giò nhiều còn khiến mẹ gặp khó khăn trong việc giảm cân sau sinh nữa.
Ăn uống khô khan
Thực đơn ăn uống sau sinh của các mẹ thường khá nhàm chán, chủ yếu là cơm trắng với thịt kho khô, móng giò, trứng… Tình trạng ăn uống nghèo nàn kéo dài rất có thể làm cả mẹ lẫn bé rơi vào chứng thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là bé sơ sinh.
Thực tế, mẹ nên đa dạng hóa thực đơn ăn uống càng nhiều càng tốt. Bổ sung nhiều loại dưỡng chất, các nhóm thực phẩm đa dạng. Chỉ thiên về một số món nhất định rõ ràng sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ cho con bú. Chị em chỉ cần nhớ nguyên tắc ăn chín, uống sôi là được.
Kiêng 'chuyện ấy' 3 tháng
Nếu cơ thể đã hồi phục và “cô bé” đã sẵn sàng cho chuyện ấy sau sinh, tại sao phải kiêng cữ? Quan niệm xưa cho rằng, quan hệ tình dục khi đang cho con bú sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ, không tốt cho bé con.
Đây là kiêng cữ đã lỗi thời, phản khoa học. Chỉ cần bạn cảm thấy ổn với chuyện quan hệ với anh xã là được. Thời gian mẹ có thể quan hệ được sau sinh là 6-8 tuần.