Mẹ nào có dự định lên bàn mổ đẻ thì vào đây để chuẩn bị tinh thần nhé!
Sau 32 giờ chuyển dạ quằn quại mà ca đẻ không có tiến triển gì, mẹ Chelsey Wilson quyết định sử dụng phương pháp đẻ mổ và đã cho ra đời một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Dưới đây là tâm sự rất chân thành, pha chút hóm hỉnh của cô khi được trải nghiệm cảm giác đi đẻ mổ.
Mẹ Chelsey Wilson
1. Gây tê ngoài màng cứng không đau
Sự thật là hầu như không có đau đớn gì cả. Tuy nhiên, phải chịu cơn chuyển dạ dữ dội trong khi để cho bác sĩ cố gắng đặt một ống nhỏ vào cột sống quả là không dễ chịu chút nào. Dù những cơn chuyển dạ có làm bạn đau đớn đến mức muốn uốn éo đủ tư thế, bạn vẫn phải kiềm lại để mũi tiêm không bị chọc sai chỗ.
2. Lạnh run người trong phòng mổ
Lúc đầu tôi còn tưởng mũi tiêm gây tê ngoài màng cứng bắt đầu phát huy tác dụng lên đến tận tay làm tay tôi đông cứng lại. Hóa ra là nhiệt độ trong phòng mổ quá lạnh: -40 độ F! Răng tôi va lập cập vào nhau. Tôi nghĩ, không biết mình đang trong phòng mổ hay nhà xác nữa. Lẽ ra phải mặc áo lông cừu trước khi vào phòng mổ chứ không phải cái bộ quần áo bệnh viện mỏng lèo tèo này.
Bạn sẽ có cảm giác bị "giật mạnh" ở bụng khi lôi em bé ra ngoài. (Ảnh minh họa)
3. Cảm giác bị “giật” mạnh ở bụng khi lôi em bé ra ngoài
Khi bác sĩ kéo em bé ra khỏi tử cung của tôi, tôi thấy giống như có ai đó đang móc ruột mình ra vậy. Cảm giác khi bé vừa được đưa ra ngoài thật khó tả: một sinh linh bé bỏng vừa ra ngoài cuộc đời, để lại trong tôi khoảng trống lạ lùng.
4. Di chuyển thân dưới khó khăn
Phần thân dưới tôi bị liệt cứng, hoàn toàn không có cảm giác gì. Thật khôi hài. Lúc các y tá đưa tôi từ phòng mổ lên cáng về phòng hồi sức, tôi tự hỏi không biết mình còn phần dưới hay không nữa.
5. Ngứa dữ dội khi hết thuốc giảm đau
Tôi đã ngứa như điên dại và ra sức cào cấu làn da mình trong phòng hồi sức. Trong vòng 48 giờ sau sinh, tôi chẳng biết chống chọi với những cơn ngứa như thế nào ngoài việc gãi, gãi và gãi khắp mình mẩy.
6. Đối mặt với “mê hồn trận” máy móc, thiết bị
Vây xung quanh và gắn chặt lấy tôi là bao nhiêu ống thông đường tiểu, dây điện, dây truyền dịch, máy móc,... Tôi phải rất thận trọng để không làm bung các đường dây hay va phải các thiết bị. Cũng khá là rắc rối và bất tiện.
7. Bị mất cảm giác và sưng phồng ở khu vực vết rạch bụng
Vết mổ của tôi được khâu bằng 24 mũi nên nó sưng khá to. Vì không có cảm giác gì ở vết mổ nên mấy lần tôi động mạnh vào đó mà không biết. Đáng lẽ tôi phải thận trọng hơn.
8. Bụng hơi đau khi đi lại
Bụng tôi có cảm giác hơi đau khi đi lại. Muốn ra khỏi giường tôi phải tập đi từng bước chân và lần đầu tiên đứng dậy ra ngoài sau sinh, tôi có cảm giác như mọi thứ trong bụng muốn bung ra ngoài hết. Tôi phải đi thật chậm rãi, điều chỉnh hơi thở và cực kì cẩn thận.
Đẻ mổ vẫn có cảm giác gắn kết giữa mẹ con tự nhiên như đẻ thường (Ảnh minh họa)
9. Hắt xì hơi, ho, cười đều gây đau bụng
Sai lầm đầu tiên của tôi là sau khi từ bệnh viện về nhà đã xem một bộ phim hài cùng chồng. Thật là dại dột khi cười quá to khiến vết mổ lại đau. Tôi quyết định phải chuyển sang xem phim có nội dung buồn thảm một thời gian cho đến khi vết mổ lành hẳn. Thời gian này phải kìm chế cảm xúc. Khi nào lỡ hắt xì hơi, ho, cười phải ôm ngay một chiếc gối và điều chỉnh hơi thở, hơi co người lại để vết đau không hành hạ.
10. Cảm giác gắn kết với con sau sinh rất tuyệt vời
Ai bảo sinh mổ thì không gắn kết mẹ con như sinh thường? Tôi không nghĩ tình mẫu tử lại phụ thuộc vào vị trí mà đứa trẻ chui ra từ cơ thể người mẹ. Khoảnh khắc bác sĩ đặt đứa con trai bé bỏng đáng yêu như thiên thần lên ngực tôi, tôi nghĩ không cảm giác nào hạnh phúc và tuyệt vời hơn thế. Cảm ơn Tạo hóa đã mang đến cho tôi món quà kì diệu nhất thế gian này!