Nuốt nguyên túi mật lợn tươi sau sinh để con lành dạ, mẹ Quảng Bình suýt mất mạng

Ngày 08/01/2019 11:21 AM (GMT+7)

Tin quan niệm nuốt mật lợn để chữa đau bụng, một sản phụ ở Đồng Hới đã nuốt nguyên túi mật lợn tươi dẫn đến nguy kịch.

Mới đây, bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (TP. Đồng Hới) vừa tiếp nhận và điều trị một sản phụ bị nguy kịch do nuốt mật lợn. Theo Infonet, chị N.T.T. (SN 1991, trú tại Thuận Đức, Đồng Hới, Quảng Bình) bị đau bụng khi vừa sinh con được 10 ngày tuổi. Theo người nhà, chị T. đã nuốt mật lợn nhằm chữa đau bụng theo quan niệm dân gian.

Không ngờ, sau khi nuốt nguyên túi mật lợn đó, chị T. xuất hiện các triệu chứng như: Nôn khan, khó thở, nuốt nghẹn, đau tức vùng ngực, không ăn uống được.

Sau khi chị T. vào viện cấp cứu, các bác sĩ đã thăm khám, phát hiện một dị vật nằm trong đường thực quản của bệnh nhân. Khi nội soi cấp cứu, các bác sĩ đã gắp ra một túi mật lợn tươi, kích thước khoảng 3x4cm.

Các bác sĩ cho biết, chị T. may mắn là túi mật lợn sau khi nuốt đã tuột xuống thực quản, nếu đang còn nằm ở đường thở thì có nguy cơ tử vong cao vì tắc đường thở.

Nuốt nguyên túi mật lợn tươi sau sinh để con lành dạ, mẹ Quảng Bình suýt mất mạng - 1

Quan niệm dân gian về việc sản phụ nuốt mật lợn sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ và con. (Ảnh minh họa).

Theo quan niệm dân gian, sản phụ sau sinh thường kiếm mật lợn, mật gà, mật cá để chữa đau bụng, giúp đường tiêu hóa mẹ - con nhỏ được ổn định; con sau này lớn lên lành dạ, ít bị các bệnh liên quan về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, khi nuốt chửng mật, nhiều sản phụ đã bị nguy kịch phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Mật lợn có chữa đau bụng hay không?

Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, mật lợn ít được dùng tươi vì rất đắng, khó uống và không để được lâu. Thông thường khi cắt túi mật, hứng nước mật lợn vào bát đã khử khuẩn. Lọc, đun cách thủy, vừa đun vừa khuấy đều đến khi nghiêng bát mà không thấy mật chảy ra là được cao đặc có màu vàng, hơi xanh. Hoặc nhỏ từ từ dung dịch phèn chua bão hòa vào nước mật đến khi kết tủa. Lọc để lấy tủa. Rửa tủa bằng nước cất để loại phèn chua. Đựng tủa trong một đĩa men cho vào tủ sấy ở nhiệt độ dưới 70 độ. Đến khi khô, để nguội, tán thành bột sẽ được cao khô - tên thuốc là trư đởm.

Trong y học cổ truyền, trư đởm có vị đắng, mùi tanh, tính lạnh, không độc, có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, kích thích tiêu hóa, sát khuẩn, thông đại tiện, chữa đau bụng, đau dạ dày, ho, ho gà, hen suyễn, sỏi mật...

Sử dụng mật tùy tiện gây nguy hiểm đến tính mạng

Trao đổi trên báo Dân trí, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội cho biết, tất cả các loại mật động vật đều có chất độc, dù hàm lượng chất độc trong từng loại mật có khác nhau nhưng nếu sử dụng tùy tiện, sử dụng nhiều đều có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Tác dụng duy nhất của túi mật động vật chỉ là dịch từ túi mật vào ruột non giúp tiêu hóa các chất béo, dầu mỡ, làm tan các dầu mỡ để cơ thể hấp thu thức ăn tốt hơn. Mặt khác, kinh nghiệm dân gian có thể thích hợp với người này nhưng không thích hợp người khác, do vậy không nên bắt chước, dùng tùy tiện.

Thầy thuốc nhân dân Phùng Đình Khánh - Hội Đông y Việt Nam cho biết thêm, trong Đông y, mật lợn có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, nhuận táo… nhưng phải là mật đảm bảo vô trùng. Thầy thuốc Phùng Đình Khánh nhấn mạnh: “Nuốt mật lợn cũng như các loại mật động vật khác nói chung hại nhiều hơn lợi, đặc biệt trong điều kiện an toàn thực phẩm hiện nay còn đáng lo ngại. Nếu không may nuốt phải mật lợn, mật động vật bị nhiễm giun, sán, khuẩn thì vô cùng nguy hiểm, sẽ dẫn đến ngộ độc, viêm dạ dày, viêm gan, viêm đường dẫn mật, viêm tụy, thậm chí tử vong nhanh chóng”.

Ở khía cạnh Tây y, các bác sĩ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, xu hướng ngộ độc mật thường tăng vào dịp cuối năm, bởi đây là thời điểm người dân thường tát ao bắt cá to; giết mổ lợn liên hoan, họp mặt… và sử dụng mật động vật. Theo phân tích của các bác sĩ, trong cơ thể mỗi người đều đã có mật, thông thường mật này đủ để đảm nhiệm hoạt động tiêu hóa thức ăn hàng ngày, do đó đưa thêm lượng mật bên ngoài vào là không cần thiết và khi lượng mật được đưa vào cơ thể lớn hơn mức cần thiết sẽ dễ dẫn đến ngộ độc.

Trong khi đó, cả cục An toàn thực phẩm lẫn cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đều khuyến cáo mạnh mẽ người dân không ăn nội tạng động vật tươi sống trong bối cảnh rất nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, liên cầu khuẩn lợn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mang thai tuần 32 phải ăn dạ dày lợn hấp tiêu để con lành dạ, có hệ tiêu hóa tốt?
Rất nhiều mẹ bầu tin rằng khi mang thai tuần thứ 32, 33 mà ăn dạ dày (bao tử) lợn hầm cùng tiêu thì khi chào đời con sẽ có hệ tiêu hóa tốt.
Theo Phong Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sau sinh