Sau sinh, sản phụ đừng tắm bồn cho đến khi sản dịch hết hẳn bởi ngâm mình trong bồn nước sẽ làm tăng nguy cơ vùng kín tiếp xúc với những vi khuẩn gây bất lợi cho sự phục hồi.
Sinh con là một trong những quá trình khó khăn nhất mà cơ thể người phụ nữ phải trải qua. Vì vậy hầu hết các mẹ bầu đều dành nhiều thời gian nghiên cứu và chuẩn bị cho việc mang bầu, sinh nở. Tuy nhiên việc này không nên dừng lại ở đó mà các chuyên gia khuyên phụ nữ nên tiếp tục tìm hiểu về kiến thức sau khi sinh. Nên làm gì, không nên làm gì sau khi sinh nở cũng vô cùng quan trọng.
Mẹ bầu nên chuẩn bị cả những kiến thức sau khi sinh con. (ảnh minh họa)
Sau khi sinh thường, điều gì sẽ xảy ra?
Tử cung
Tử cung sẽ dần dần co bóp trở lại về kích thước như trước khi mang bầu trong khoảng 2-6 tuần đầu tiên sau sinh và sẽ kèm theo triệu chứng ra sản dịch. Tuy vậy điều này không có nghĩa là bụng mẹ cũng sẽ co lại như chưa từng mang bầu. Mỡ thừa xung quanh khu vực bụng có lẽ sẽ cần nhiều thời gian hơn để trở về kích cỡ ban đầu.
Sản dịch
Sau khi sinh, mẹ sẽ phải đối mặt với 2-3 ngày sản dịch ra rất nhiều và sẽ giảm dần trong những ngày tiếp theo với màu sắc thay đổi từ đỏ tươi sang nâu và hồng nhạt. Có những người mẹ vẫn nhận thấy sản dịch nhưng với lượng nhỏ trong khoảng 4-6 tuần sau sinh.
Đau âm đạo
Nếu người mẹ bị rạch hoặc rách tầng sinh môn thì thường sẽ được khâu lại sau sinh và sẽ có trải nghiệm đau đớn từ vài ngày đến vài tuần.
Đi tiểu tiện, đại tiện
Những ngày đầu sau sinh, mẹ sẽ trải qua khó khăn khi đi đại tiện, tiểu tiện vì đau đớn. Cảm giác đau rát rất phổ biến và có một mẹo nhỏ là chị em nên xả nước ấm vào vùng kín khi đi vệ sinh sẽ giúp bớt đau hơn.
Những ngày đầu sau sinh, mẹ sẽ trải qua khó khăn khi đi đại tiện, tiểu tiện vì đau đớn. (ảnh minh họa)
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết những việc NÊN và KHÔNG NÊN làm sau sinh thường mẹ cần chú ý:
NÊN
- Thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu mẹ bỗng nhận thấy sản dịch ra nhiều bất thường đặc biệt là với máu đỏ tươi.
- Khi ngồi nên dùng gối mềm hoặc đệm kê bên dưới để bớt đau.
- Chườm đá lạnh ở vùng chậu những ngày đầu sau sinh sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày.
- Thay băng vệ sinh ít nhất 4 giờ mỗi lần để giảm nguy cơ viêm, nhiễm trùng.
- Di chuyển nhẹ nhàng và cẩn thận sau sinh để không làm đau vết thương.
- Ngồi dậy bằng cách nằm nghiêng sang một bên rồi mới ngồi.
- Nằm xuống vài giờ một lần để giảm áp lực khi mẹ đứng, ngồi quá lâu một lúc.
- Khi đứng lên, ngồi xuống cố gắng giữ thẳng lưng để giảm áp lực đến vùng chậu.
- Cố gắng đi tiểu 3-4 giờ mỗi lần và nên xả nước ấm cùng lúc để giảm bớt đau.
- Hãy thử các bài tập nhẹ nhàng dành cho vùng sàn chậu để tăng cường sức mạnh cơ xương chậu nhưng nhớ phải tập nhẹ nhàng khi bạn đã sẵn sàng.
- Uống nhiều nước.
- Bổ sung nhiều chất xơ.
- Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn bị sốt hoặc vết thương hay sản dịch có mùi hôi.
KHÔNG NÊN
- Đừng tắm bồn hoặc đi bơi cho đến khi sản dịch hết hẳn bởi ngâm mình trong bồn nước hoặc bơi lội sẽ làm tăng nguy cơ vùng kín tiếp xúc với những vi khuẩn gây bất lợi cho sự phục hồi vùng này.
- Đừng cử động đột ngột sẽ làm vết rạch tầng sinh môn thêm đau đớn.
- Đừng mang vác đồ vật quá nặng (nặng hơn một em bé sơ sinh)
- Đừng tạo áp lực khi cố gắng đi tiểu tiện, đại tiện sẽ làm vùng sinh môn thêm đau đớn, thậm chí bục chỉ.
- Cũng không được nín tiểu nếu không muốn bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Không tập thể dục với những bài tập quá nặng cho dù bạn muốn tống khứ đống mỡ thừa thật nhanh.
- Không mặc đồ quá chật quanh vùng đấy chậu, vừa làm mẹ không thoải mái lại tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Không quan hệ tình dục quá sớm sau khi sinh. Các bác sĩ đều khuyên nên quan hệ sau sinh từ 6-8 tuần hoặc khi cơ thể đã sẵn sàng và phải được sự cho phép của bác sĩ sau lần đi khám sau sinh.
- Không ăn những món dễ gây táo bón như: thức ăn nhanh, chuối xanh, đồ ăn cay nóng…