Trái cây là một trong những loại thức phẩm mẹ nên ăn sau sinh.
Sau sinh, bà mẹ nào cũng được khuyên bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể đủ chất, nhanh hồi phục và có nhiều sữa cho con bú. Trong đó, trái cây là một trong những thành phần không thể thiếu trong mâm cơm của mẹ sau sinh. Đây là nguồn tự nhiên cung cấp đa dạng các loại vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, mẹ phải biết cách lựa chọn những loại trái cây tốt cho người mới sinh.
1. Cam, quýt
Nhiều người cho rằng ăn cam, quýt sau sinh sẽ gây mất sữa nhưng đây là quan niệm hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Trái lại, trái cây họ cam quýt rất giàu vitamin C và hàm lượng canxi tương đối lớn. Sau khi sinh, lớp màng bên trong cổ tử cung sản phụ xuất hiện vết thương tương đối lớn, chảy nhiều máu. Nếu ăn một lượng quýt thích hợp, có thể ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu.
Can-xi là thành phần quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương và răng ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ ăn một lượng quýt thích hợp có thể thông qua sữa của mình cung cấp chất can-xi cho trẻ, như vậy không chỉ thúc đẩy quá trình tăng trưởng hệ thống xương và răng của trẻ, mà còn có thể ngăn ngừa bệnh còi xương cho bé.
Trái cây giàu vitamin, khoáng chất là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn cho mẹ sau sinh. (Ảnh minh họa)
2. Bưởi
Bưởi là loại trái cây bổ dưỡng, dồi dào vitamin C giúp ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu ở sản phụ. Ngoài ra, bưởi có chứa fitogen thực vật nên có tác dụng làm đẹp da và làm tiêu mỡ, hạ cholesterol, chứa nhiều axit giúp tiêu hóa tốt khi bạn ăn quá no. Đặc biệt hợp chất trong quả bưởi chùm sẽ điều chỉnh lượng insulin - một loại hormone dự trữ chất béo giúp mẹ bầu sau sinh có thể nhanh chóng giảm cân lấy lại vóc dáng.
3. Chuối tiêu
Chuối tiêu cũng là một trong những loại hoa quả mẹ sau sinh nên ăn. Chuối tiêu có chứa hàm lượng lớn chất xenlulozơ và sắt, có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, bổ máu. Ngoài ra, sản phụ thường nằm nhiều, dễ dẫn đến hiện tượng táo bón. Sau sinh do mất máu nên rất cần bổ sung máu, sắt lại là một trong những chất chính tạo máu nuôi cơ thể. Do vậy sản phụ ăn nhiều chuối tiêu có thể tránh được hiện tượng táo bón và thiếu máu sau sinh. Lượng sắt nạp vào cơ thể người mẹ nhiều, lượng sắt trong sữa cũng tăng theo, còn có tác dụng phòng tránh hiện tượng thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
4. Đu đủ
Ăn đu đủ thường xuyên giúp tăng sức đề kháng, bổ máu, nhuận tràng nhờ đu đủ chứa nhiều ma nhê, sắt, kẽm, chất xơ. Trong trường hợp bị đầy bụng, khó tiêu, nên ăn một lát đu đủ. Chất tiêu đạm trong đu đủ sẽ giúp hệ tiêu hóa hoàn tất nhiệm vụ nhanh chóng. Đu đủ cũng là loại quả kích thích sữa về nhiều tốt cho cả mẹ và bé.
5. Quả sung
Sung là loại quả quen thuộc nhưng ít ai biết về giá trị dinh dưỡng thực sự của loại quả này. Trong 100g quả sung có chứa các chất sau: protein 1g, chất béo 0.4g, đường 12.6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0.4mg, caroten 0.05mg, dẫn xuất không protein 12.3g, khoáng toàn phần 3.1g. Quả sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thủng, tiêu viêm, sát trùng, bổ huyết. Quả sung và lá non giúp lợi sữa, tăng tiết sữa cho mẹ mới sinh con. Nếu khó ăn sống, mẹ có thể nấu cháo sung hoặc sắc lấy nước uống.
6. Na
Na là nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời. Một quả na trung bình có thể cung cấp 1/5 lượng vitamin C mà cơ thể cần hàng ngày. Chính nhờ giàu vitamin C mà loại quả này được coi là rất hữu ích trong việc tăng cường hệ miễn dịch của con người. Tương tự như quả họ cam, vitamin C sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu ở sản phụ.
Mẹ nhớ rửa kĩ các loại trái cây trước khi ăn để loại bỏ kí sinh trùng, các loại chất bảo vệ thực vật còn dư lại. (Ảnh minh họa)
7. Vú sữa
Trong vú sữa chứ nhiều vitamin A, B1, B2, B3 và C, nhất là glucid, calcium, sắt, chất xơ, protein và lipid, vì vậy giúp tăng cường vitamin cho cơ thể và giúp tăng lượng sữa.
Tuy nhiên, khi ăn trái cây sau sinh, mẹ cần lưu ý chọn nguồn cung cấp uy tín, tin tưởng, tránh trường hợp ăn phải trái cây còn dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,... gây ngộ độc. Trước khi ăn, mẹ cần rửa sạch để loại bỏ các loại kí sinh trùng. Đặc biệt, mẹ nên ăn trái cây tươi, hạn chế đồ đã để tủ lạnh vì có thể gây đau bụng, tiêu chảy.