Sữa non chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ trẻ sơ sinh.
Sữa non là một nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá mà cơ thể người mẹ sản sinh dành riêng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Sữa non chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, vitamin A, kháng thể và các yếu tố miễn dịch. Những dưỡng chất này không chỉ cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ, mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh tật trong những tháng đầu đời.
Những thông tin hữu ích dưới đây giúp các bà mẹ hiểu hơn về sữa non, cũng như lợi ích tuyệt vời mà loại sữa này mang lại cho trẻ sơ sinh.
Sữa non là gì?
Sữa non được hình thành từ tuần thứ 14 –16 của thai kỳ và được tiết ra trong 1 đến 3 ngày đầu sau sinh. Tùy vào cơ địa của mỗi người mẹ mà sữa non cũng có màu sắc khác nhau. Thông thường, sữa non có màu trắng đục, màu cam, màu vàng, màu vàng nhạt, có khi trong suốt, đặc và hơi dính.
Việc cho trẻ sơ sinh bú sữa non ngay từ những ngày đầu sau sinh mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, đồng thời giúp thúc đẩy mối liên kết cảm xúc giữa mẹ và con.
Các chuyên gia dinh dưỡng xem sữa non là "vàng lỏng" vì giá trị dinh dưỡng và tầm quan trọng của nó. Trong đó sữa non ngày đầu (sữa non 24h) có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất so với sữa non 48 hay 72 giờ. Hiểu được tầm quan trọng của sữa non, các mẹ bỉm luôn cố gắng cho bé bú sớm, để mong con được hưởng trọn vẹn dinh dưỡng của những giọt sữa non quý giá.
Sữa non được hình thành từ tuần thứ 14–16 của thai kỳ và được tiết ra trong một đến 3 ngày đầu sau sinh.
Sữa non ngày đầu (sữa non 24h) có gì đặc biệt?
Sữa non là nguồn dinh dưỡng quý giá bao gồm: sữa non 24h, sữa non 48h, sữa non 72h. Theo báo cáo của Pakkanen & Aalto, 1997, sữa non ngày đầu chứa kháng thể IgG cao nhất, giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh, giảm bệnh vặt. Cụ thể, lượng globulin miễn dịch có trong sữa non ngày đầu:
- Cao gấp 2 lần so với sữa non 48h
- Cao gấp 3 lần so với sữa non 72h
- Cao gấp 100 lần so với sữa trưởng thành
Tầm quan trọng của sữa non ngày đầu với trẻ sơ sinh
Giàu dinh dưỡng
Hàm lượng protein trong sữa non cao gấp 5 lần, lượng kẽm cao gấp 4 lần sữa mẹ trưởng thành. Ngoài ra, sữa non chứa nhiều Clo, Natri, sắt, đồng….và các vitamin A, E, B2, B3, K…cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Nguồn kháng sinh tự nhiên
Sữa non là nguồn kháng thể dồi dào. Trong sữa non chứa một lượng lớn globulin có khả năng tăng cường miễn dịch, giúp bé chống lại một số bệnh thường gặp cũng như phòng ngừa rủi ro nhiễm trùng sơ sinh trong những năm tháng đầu đời.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Hàm lượng lactose trong sữa non thấp nên sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé hấp thu được các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, các yếu tố tăng trưởng biểu bì của sữa non giúp cho ruột phát triển hoàn thiện chức năng, phòng tránh dị ứng và không dung nạp thức ăn khác. Sữa non còn có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, giúp trẻ loại bỏ phân, thải bilirubin ra khỏi ruột và làm giảm mức độ vàng da của trẻ .
Điều hòa cơ thể
Sữa non giúp cân bằng nhiệt độ cơ thể, lượng đường trong máu, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và chức năng của phổi cũng như các mạch máu. Điều này giúp trẻ sơ sinh nhanh thích nghi với môi trường bên ngoài và duy trì sức khỏe tổng thể.
Liều lượng dinh dưỡng tùy chỉnh
Sữa non có lượng nhỏ, đậm đặc, rất phù hợp cho trẻ sơ sinh của bạn. Mỗi giọt đều có giá trị và đáng quan tâm. Việc sữa non được sản xuất theo nhu cầu của trẻ đảm bảo rằng bé nhận được đủ dinh dưỡng để phát triển.
Lý do mẹ nên cho bé bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh
Tiến sĩ Michael Griswold – đại diện Hiệp hội Tư vấn Nuôi con bằng sữa mẹ Quốc tế của WHO cho biết “Giờ đầu tiên sau khi sinh là thời gian rất quan trọng đối với mẹ và em bé. Nuôi con bằng sữa mẹ là một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Ngay cả nếu mẹ chưa chủ động, trẻ sơ sinh cũng thường sẽ tự tìm về phía vú mẹ trong vòng khoảng 30 phút đến một giờ.”
Theo hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ dành cho người mới làm mẹ của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ trong 1 giờ sau khi sinh, sữa non được sản xuất với lượng nhỏ, nhưng rất quan trọng. Nhiều bà mẹ lo lắng không đủ sữa nuôi con trong những ngày đầu sau sinh. Tuy nhiên do dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, vì vậy, lượng sữa non mà cơ thể mẹ tiết ra có thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này. Cho trẻ bú sớm sẽ tận dụng được nguồn sữa non giúp trẻ có khả năng chống lại bệnh tật tốt, kích thích bài tiết sữa sớm, động tác mút vú của trẻ giúp tử cung bà mẹ co hồi nhanh có tác dụng cầm máu sau sinh. Bên cạnh đó, bú sớm tạo cho trẻ sự hoạt động khởi động đường tiêu hóa sớm, bài tiết hết phân su.
Sau khoảng 2 đến 5 ngày sau khi sinh, sữa non sẽ dần nhường chỗ cho sữa chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, ngực của mẹ sẽ trở nên đầy đặn hơn và bé sẽ tiếp tục bú nhiều hơn để nhận đủ lượng sữa cần thiết.
WHO khuyến nghị mẹ nên cho bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh.
Hướng dẫn cách cho trẻ bú sữa mẹ sớm nhất
Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ngay sau khi sinh là rất quan trọng. Mẹ có thể tham khảo một số hướng dẫn cụ thể sau đây nhé:
- Bắt đầu cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.
- Tiếp xúc da kề da giữa mẹ và con ngay sau sinh sẽ kích thích phản xạ bú của trẻ.
- Đặt trẻ sơ sinh lên ngực mẹ và hỗ trợ để trẻ tự tìm và bú vú.
- Giữ cằm của trẻ sao cho mũi và môi của trẻ tiếp xúc với núm vú.
- Hướng dẫn trẻ mở miệng rộng và bú sâu vào vú.
- Quan sát để đảm bảo trẻ bú hiệu quả, không bị ngạt.
- Cho trẻ bú theo nhu cầu, không hạn chế thời gian bú.
- Cho trẻ bú càng sớm càng tốt và để trẻ tự quyết định thời gian bú.
Việc cho trẻ bú sữa mẹ sớm không chỉ cung cấp những dưỡng chất quý giá mà còn giúp thiết lập mối liên kết sâu sắc giữa mẹ và con. Hãy kiên nhẫn và lắng nghe cơ thể trẻ để có thể hỗ trợ trẻ bú sữa mẹ một cách tốt nhất.
Trẻ sơ sinh cần bú thường xuyên, khoảng 8-12 lần mỗi ngày.