Bác sỹ Anh Thy (Bệnh viện 115, Chuyên viên Tư vấn sữa mẹ Quốc Tế đầu tiên tại Việt Nam) đã có những lời khuyên hữu ích dành cho các bà mẹ đã, đang và sẽ nuôi con bằng sữa mẹ.
Bác sỹ Anh Thy (Khoa gây mê – Bệnh viện 115, Chuyên viên Tư vấn sữa mẹ Quốc Tế đầu tiên tại Việt Nam) đã có những lời khuyên hữu ích dành cho các bà mẹ đã, đang và sẽ nuôi con bằng sữa mẹ.
Sinh mổ thì sữa không thể về ngay sau sinh?
Cho con bú mẹ là một điều rất tự nhiên. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng, ngày càng nhiều mẹ lo lắng mình không đủ sữa, cũng như cho rằng nếu sinh mổ thì sữa không về ngay sau sinh. Theo chị điều này có đúng?
Thực ra, làm mẹ lần đầu luôn khiến chúng ta cảm thấy lo lắng. Nỗi lo đó là một điều dễ hiểu, nên tâm lý đó của các mẹ sữa rất cần được cảm thông. Mẹ sữa cần biết rằng, sữa đã có sẵn ở trong ngực mẹ trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ rồi và mỗi cữ bú của bé trong 24h đầu sau sinh chỉ từ 5 -7ml thôi, nên mẹ không cần quá lo lắng không đủ sữa cho con.
Tất nhiên, vì thế mẹ cũng không cảm thấy căng sữa, ngực cũng mềm trong mấy ngày đầu. Như gần gây, tôi đã cố gắng thỏa thuận với kíp mổ do tôi phụ trách gây tê để hướng dẫn da tiếp da ngay sau cho một ca sinh đôi và và cho hai bé bú mẹ ngay trên bàn mổ. Và duy trì việc cho hai bé bú mẹ khi mẹ trở lại phòng bệnh. Niềm vui của tôi là khi người mẹ ấy chia sẻ rằng đã đủ sữa cho cả hai bé bú. Do đó, các mẹ có thể yên tâm rằng chỉ cần cho bé bú ngay, càng sớm càng tốt sau sinh thì cũng sẽ đủ sữa thôi.
Ca sinh đôi được bác sỹ Anh Thy cho da tiếp da ngay sau sinh và bú mẹ ngay trên bàn mổ.
Rất nhiều mẹ hiểu lầm rằng mình thiếu sữa!
Theo chị, tỉ lệ mẹ thiếu sữa ở Việt Nam có cao không?
Rất khó để tôi có thể đưa ra một con số chính xác bởi ở Việt Nam chưa làm thống kê về vấn đề này. Nhưng các nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 2-3 % các mẹ thực sự không đủ sữa cho con, thường có liên quan bệnh lý. Còn với kinh nghiệm của cá nhân, tôi nhận thấy số mẹ hiểu lầm mình thiếu sữa là rất nhiều.
Sự hiểu lầm này có thể là do mẹ sữa không được trang bị đầy đủ kiến thức về sữa mẹ, cũng có thể là do những lời nhận xét từ những người xung quanh, ông bà hoặc… hàng xóm chẳng hạn, cũng có thể là do ảnh hưởng từ các quảng cáo của các nhãn sữa. Nhưng có một điều đáng buồn là rất nhiều trường hợp từ “hiểu lầm” lại trở thành “thật” khi mẹ sữa không biết cách xử lý đúng vấn đề, khi phải đối mặt với áp lực của gia đình và stress gây ức chế việc tiết sữa.
Rõ ràng tỉ lệ bé không được bú mẹ hiện nay rất nhiều. Đó là một sự thiệt thòi cho các bé. Theo chị, đâu là phương án cho vấn đề này?
Tôi thấy rõ ràng chúng ta luôn muốn làm điều tốt nhất cho con và tôi cũng luôn khuyến khích các mẹ làm như thế. Và tôi nhận thấy, điều quan trọng hơn cả là cần trang bị kiến thức về sữa mẹ không chỉ cho các mẹ sữa, mà còn cho cả gia đình, người thân, cũng như những người chăm sóc y tế cho bà mẹ ấy nữa. Khi đó, sự đồng thuận của mọi người sẽ giúp cho tỉ lệ trẻ bú mẹ tăng lên.
Bác sỹ Anh Thy đang hướng dẫn các “mẹ bầu” bế và cho con bú đúng cách.
Hiện nay, có nhiều mẹ truyền tai nhau việc vắt sữa trong toilet của cơ quan để dành cho con khi đã quay trở lại đi làm. Bởi các mẹ cho rằng, sữa mẹ đã có kháng thể nên không sợ bị nhiễm khuẩn. Theo chị, điều này có nên không?
Điều đầu tiên, tôi muốn khuyên các mẹ là nên xem xét điều kiện toilet ở công ty như thế nào, bởi không phải toilet nào cũng sạch. Toilet là nơi rất nhiều vi trùng, vắt sữa trong toilet sẽ khiến mẹ có nguy cơ đụng tay vào chỗ này hay chỗ kia. Do đó, các mẹ chỉ nên vắt sữa ở cơ quan nếu có một chỗ vắt sữa đàng hoàng, hoặc kiếm một góc kín, rồi dùng áo choàng cho con bú để thực hiện việc vắt sữa. Nếu không, mẹ chỉ nên vào toilet vắt bỏ mỗi khi đến cử sữa, cách này giúp cơ thể mẹ hiểu rằng bé vẫn còn cần sữa nên sẽ giúp mẹ không bị giảm sữa.
Khi về nhà tích cực cho con bú và hút sữa thêm để kích sữa, nếu được. Đừng quá cực đoan cho rằng kháng thể giúp sữa chống nhiễm khuẩn trong tất cả các trường hợp, bởi đúng thế thì chúng ta đâu có cần phải tiệt trùng dụng cụ hút sữa hay rửa sạch tay trước khi hút/vắt sữa làm gì, phải không? Nghiên cứu cho thấy mẹ không rửa tay sạch trước khi vắt thì sữa đó dễ bị nhiễm khuẩn hơn là mẹ rửa sạch tay.
Chị có lời khuyên nào dành cho các mẹ sữa đang chuẩn bị bước vào hành trình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ không?
Cho con bú là chuyện rất tự nhiên nhưng chúng ta vẫn cần có sự chuẩn bị và học hỏi. Mỗi người là mỗi hoàn cảnh khác nhau và chúng ta nên tìm hiểu các kiến thức về sữa mẹ từ lúc mang thai để có được sự chuẩn bị phù hợp nhất với thực tế.
Các mẹ cũng nên tìm hiểu nơi mình sinh áp dụng quy trình sinh thế nào, có da tiếp da không, bao lâu mẹ và con được về phòng... Song song đó trao đổi với bác sĩ sản về nguyện vọng nuôi con bằng sữa mẹ, trao đổi với chồng, ông bà để mọi người cùng hợp tác.
Có thể mời chồng hay ông bà tham dự các lớp học hay hội thảo liên quan đến sữa mẹ. Nuôi con bằng sữa mẹ là con đường dài hơn 2 năm, chứ không chỉ ở mỗi thời điểm sau sinh, mẹ cần cân bằng giữa việc cho con bú với các mối quan hệ trong gia đình, nhất là những người trực tiếp chăm sóc mình và bé, làm sao để đi được con đường dài nhất.
Mặt khác, các mẹ nên tham gia các hội sữa mẹ, khi gặp khó khăn sẽ được tư vấn một cách kịp thời. Nên lựa chọn hội nào bản thân cảm thấy thoải mái, không bị áp lực, không bị căng thẳng, bởi điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất sữa. Và dù có tìm thấy được câu trả lời ở trong hội thì cũng cân nhắc trước khi áp dụng bởi kiến thức có thể đúng có thể sai.
Ngay cả kiến thức y khoa, một số đúng ở giai đoạn này nhưng về sau không còn đúng nữa. Và tôi vẫn đang cố gắng hết sức để cung cấp cho các mẹ sữa những thông tin có cơ sở khoa học về vấn đề của mẹ, nhưng mẹ vẫn là người quyết định có nên áp dụng hay không.