Thai ngoài tử cung – Mối nguy với mẹ bầu

Ngày 26/07/2014 00:01 AM (GMT+7)

Thai ngoài tử cung đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời.

Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén.

Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con.

Phần 1: 9 tháng mang bầu, nguy hiểm rình rập

Phần 2: Ốm nghén - đừng chủ quan!

Phần 3: Hở eo tử cung

PHẦN 4: Thai ngoài tử cung

Mang thai là khoảng thời gian thiêng liêng và hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng có được “diễn phúc” có thai kỳ “xuôi dòng bén giọt” suốt 9 tháng 10 ngày. Những rủi ro có thể xảy ra trong thai kỳ đó là sảy thai, mang thai ngoài tử cung, sinh non… Gặp phải bất cứ rủi ro nào cũng sẽ khiến chị em bầu vô cùng đau xót. Tuy nhiên, nếu bị mang thai ngoài tử cung, không những mẹ bị mất con mà có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả tính mạng của mẹ nữa.

Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng được thụ tinh nhưng lại phát triển ở vị trí ngoài tử cung, thông thường là vòi tử cung (chiếm 95%), buồng trứng, ổ bụng hay ở cổ tử cung. Những nơi này thường không cung cấp đủ không gian cũng như chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển. Có 1% nguy cơ mang thai ngoài tử cung đối với thai kỳ và nó khiến thai phụ ra nhiều máu, ảnh hưởng đến tính mạng của chị em

Thai ngoài tử cung là 1 biến chứng khá phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5 – 10,5/1000, tức cứ 1000 người mang thai sẽ có từ 4 – 10 thai phụ có thể bị thai ngoài tử cung.

Do nằm sai vị trí, nên khi thai phát triển ngày một lớn sẽ làm ống dẫn trứng căng ra, nhau lớn dần làm suy yếu vách của ống dẫn trứng gây xuất huyết và cuối cùng ống dẫn trứng bị vỡ làm người mẹ rơi vào tình trạng nguy kịch do mất quá nhiều máu. Thai ngoài tử cung đặc biệt nguy hiểm nếu nằm ngay chỗ nối giữa vòi trứng và tử cung vì khó chuẩn đoán sớm, gây mất máu nhiều và nhanh khi thai vỡ, ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này.

Thai ngoài tử cung – Mối nguy với mẹ bầu - 1
Thai ngoài tử cung đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời. (ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung, như vòi trứng bị hẹp, tắc bẩm sinh; khối u vùng phụ như u nang buồng trứng; do trứng di chuyển chậm hơn bình thường; viêm nhiễm bộ phận sinh dục do vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc do nạo phá thai làm tắc, hẹp vòi trứng; can thiệp trước đó trên vòi trứng như những lần mổ ở vùng bụng cũng có thể gây viêm dính (bên trong hay bên ngoài vòi trứng), làm thay đổi hướng đi của vòi trứng (vòi trứng bị kéo dài, gập góc …).

Một điều đáng lo ngại là tình trạng thai ngoài tử cung đang ngày càng gia tăng. Thống kê tại Mỹ cho thấy tỷ lệ này ở thập kỷ 80 đã tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đó, theo phỏng đoán của các chuyên gia có thể là do tình trạng viêm nhiễm sinh dục, nạo phá thai ngày càng nhiều.

Nhận biết mang thai ngoài tử cung

Phần lớn các ca thai ngoài tử cung xảy ra ở tuần thứ tư đến tuần thứ mười của thai kỳ. Có nhiều trường hợp được phát hiện chậm trêc có thể gây nguy hiểm cho sản phụ. Triệu chứng ban đầu của hiện tượng này có thể không rõ ràng, vì vậy dễ gây nhầm lẫn cho bà bầu, như trễ kinh hay ra máu và được nghĩ là do kinh nguyệt, hoặc đau bụng dưới.

Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến khi mang thai ngoài tử cung:

- Chảy máu âm đạo một cách bất thường hoặc khác so với kỳ kinh nguyệt của bạn, máu ra nhiều hoặc ít hơn thông thường, sẫm màu hơn hoặc loãng hơn.

- Xuất hiện các cơn đau. Đôi khi bạn sẽ thấy một bên của bụng dưới đau và khó chịu, đặc biệt là khi đi vệ sinh

- Bụng dưới đau dồn dập và vai cũng đau thì đây có thể là dấu hiệu của việc vòi tử cung bị vỡ.

- Đau lưng

- Buồn nôn

- Đau đầu dữ dội

- Chuột rút

Để kiểm chứng hiện tượng thai ngoài tử cung, thông thường các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra máu và siêu âm tử cung. Mẹ nên thông báo với bác sĩ lịch sử bệnh trạng của mình có những yếu tố nguy cơ kể trên để có thể phòng ngừa những rủi ro nếu có. Ngay khi gặp những dấu hiệu bất thường như chảy máu âm đạo, đau bụng, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Thông thường thai nhi phát triển ngoài tử cung thường khó sống sót vì không có đủ máu và các chất dinh dưỡng cần thiết; vì vậy cần phải đưa ra ngoài thông qua phẫu thuật hoặc dùng thuốc làm dừng sự phát triển của bào thai.

Thai ngoài tử cung – Mối nguy với mẹ bầu - 2
Để phòng ngừa tai biến này, mẹ bầu nên đi khám thai sớm ngay sau khi phát hiện hoặc nghi ngờ có thai, khi bị đau bụng hay ra máu bất thường. (ảnh minh họa)

Điều trị

Nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai, hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu; vì nằm ngoài tử cung nên thai không thể phát triển bình thường và cũng không thể cấy khối thai vào tử cung để mang thai như bình thường được. Tùy theo tình trạng khối thai to hay nhỏ, đã vỡ hay chưa vỡ, sức khỏe bệnh nhân v.v…, bác sĩ sẽ có lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp là chỉ định phẫu thuật hay dùng thuốc. Sau khi điều trị thai ngoài tử cung, người bệnh vẫn có thể có thai lại, nhưng thời gian thụ thai sau đó phụ thuộc nhiều vào mức độ nghiêm trọng của lần mang thai ngoài tử cung trước đó, tình trạng mất máu ra sao và áp dụng phương pháp điều trị nào (dùng thuốc cần thời gian lâu hơn).

Cũng lưu ý là nguy cơ có thai ngoài tử cung tái phát lên đến trên 10%, có thể lặp lại trên vòi trứng còn lại hoặc trên chỗ mở của vòi trứng lần trước (nếu đã mổ bảo tồn) hay trên mỏm cụt của vòi trứng đã cắt.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa tai biến này, mẹ bầu nên đi khám thai sớm ngay sau khi phát hiện hoặc nghi ngờ có thai, khi bị đau bụng hay ra máu bất thường vào những tháng đầu thai kỳ. Nếu đã từng có thai ngoài tử cung, hoặc từng bị viêm nhiễm sinh dục, nạo phá thai trước đó, quá trình thăm khám sản khoa phải chặt chẽ và cẩn trọng hơn. Ngoài ra, chị em cũng cần giữ vệ sinh kinh nguyệt tốt, nhất là trong giai đoạn sau sinh và cho con bú; sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hạn chế nạo phá thai.

Mang thai sau khi bị thai ngoài tử cung

Những thai phụ đã từng gặp hiện tượng này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bình thường để có thể mang thai lại. Thời gian có thai lại sẽ phụ thuộc vào tình trạng của lần mang thai ngoài tử cung trước, cũng như tình trạng sức khỏe của thai phụ.

Nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát ở bệnh nhân từng có lịch sử bị hiện tượng này là khoảng 15%.  Nếu như vòi tử cung cũng bị ảnh hưởng, khả năng mang thai sẽ giảm thấp hơn.

Nếu việc bạn mang thai ngoài tử cung là do các bệnh viêm nhiễm sinh dục, hãy dùng thuốc điều trị dứt điểm để phòng ngừa xảy ra tình trạng tương tự trong tương lai.

Thai ngoài tử cung có thể là một nỗi sợ hãi và ám ảnh đối với các thai phụ, nhưng thay vì tránh né, mẹ hãy tìm hiểu kỹ các thông tin về vấn đề này để nhận biết hiện tượng này sớm trước khi nó đe dọa tính mạng của chị em. Nếu mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ, hãy đi khám ngay để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ, mời các mẹ đón đọc các kỳ dưới đây vào 0h00 thứ 4 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ:

Phần 5: Chửa trứng

Phần 6: Sẩy thai

Phần 7: Các bất thường về nhau thai

Phần 8: Tiền sản giật

Phần 9: Vỡ ối non

Phần 10: Huyết khối tĩnh mạch sâu

Phần 11: Tiểu đường thai kỳ

Phần 12: Ứ mật thai kỳ

Phần 13: Đa ối - Thiểu ối

Kim Hoa (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đau bụng - tử cung khi mang thai