Thận trọng khi dùng thuốc điều trị cúm ở phụ nữ mang thai

Ngày 18/03/2023 07:00 AM (GMT+7)

Phụ nữ mang thai mắc cúm thường lành tính, nhưng cũng có thể gây những biến chứng nặng nề và nguy hiểm... Việc dùng thuốc trị cúm ở đối tượng này cần hết sức thận trọng.

1. Vì sao phụ nữ mang thai mắc cúm?

Cúm là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, có thể gây các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ cho cả mẹ và bé. Hầu hết những người bị cúm bắt đầu nhận thấy các triệu chứng khoảng 1 đến 3 ngày sau khi tiếp xúc với người mang virus. Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm: Sốt, đau họng, ho, mệt mỏi nhiều, đau cơ, chán ăn.

Phụ nữ mang thai dễ mắc cúm là do cơ thể của mẹ bầu nhạy cảm với các nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, khi mang thai hệ miễn dịch của cơ thể cũng bị suy giảm, nên dễ nhiễm virus hơn.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt ở trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba, sẽ có nhiều khả năng bị bệnh cúm nghiêm trọng hơn so với những người không mang thai. Ngay cả khi mẹ bầu khỏe mạnh và thai kỳ bình thường, việc mắc bệnh cúm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, tổn thương tim hoặc các cơ quan khác, sinh non, thai chết lưu.

2. Điều trị cúm ở phụ nữ mang thai như thế nào?

2.1 Biện pháp không dùng thuốc trị cúm ở phụ nữ mang thai

Để làm dịu các triệu chứng cúm, cần thực hiện:

- Nghỉ ngơi: Giúp cơ thể có thêm năng lượng để chống lại nhiễm trùng.

- Uống nhiều nước: Giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Tránh tình trạng mất nước có thể gây nguy hiểm trong thai kỳ, một cốc nước ấm với chanh và mật ong có thể đặc biệt làm dịu cơ thể.

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Khói thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cúm như nghẹt mũi, hắt xì...

- Vệ sinh mũi: Sử dụng nước muối xịt hoặc rửa mũi để làm sạch chất nhầy từ mũi và xoang, giảm triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước. Có thể sử dụng một bát nước nóng hoặc vòi sen ấm để xông giúp thông mũi và xoang.

Nên tiêm phòng cúm khi mang thai.

Nên tiêm phòng cúm khi mang thai.

2.2. Biện pháp dùng thuốc trị cúm và cảm lạnh ở phụ nữ mang thai

- Thuốc giảm đau và hạ sốt: Paracetamol được coi là an toàn ở tất cả các giai đoạn của thai kỳ, là lựa chọn đầu tiên trong thuốc giảm đau cho phụ nữ mang thai để điểu trị cúm với liều thấp nhất có tác dụng, chỉ trong thời gian cần thiết.

Ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai, trừ khi bác sĩ kê đơn, đặc biệt nếu đang mang thai từ 30 tuần trở lên, sẽ được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.

- Thuốc trị ho: Ho là một phản xạ bảo vệ cơ thể khỏi dị nguyên xâm nhập, nên nhìn chung không nên ức chế ho, trừ một số trường hợp nhất định. Một số loại thuốc ho có thể an toàn trong thai kỳ, nhưng tốt nhất cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng.

Guaifenesin và dextromethorphan chưa được chứng minh hiệu quả đối với ho liên quan đến cúm thông thường, không nên được sử dụng ở phụ nữ mang thai.

- Thuốc trị nghẹt mũi: Thuốc kháng histamine có thể làm giảm chảy nước mũi và hắt hơi. Chlorpheniramine được chọn là một loại thuốc kháng histamine được khuyên dùng trong thai kỳ. Tuy nhiên, có nên dùng chlorphenamine trong thời kỳ mang thai hay không, sẽ phải do bác sĩ cân nhắc mức độ cần thiết đối với sức khỏe của mẹ bầu trước những rủi ro có thể xảy ra.

Có thể sử dụng thuốc xịt mũi nước muối cho phụ nữ mang thai.

Lưu ý, thuốc thông mũi đường uống (như pseudoephedrine và phenylephrine) không được khuyến cáo sử dụng ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, vì chúng cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai và em bé.

Để phòng tránh mắc cúm khi mang thai, cần thực hiện:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

- Tránh tiếp xúc nơi đông người, những người đang bị cảm cúm.

- Không chạm tay vào mắt, mũi, hoặc miệng.

- Ngủ đủ giấc.

- Ăn uống lành mạnh, đảm bảo dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên tùy theo thể lực.

- Tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc cúm ở mẹ bầu và trẻ 6 tháng sau khi sinh.

- Khi có các triệu chứng bất thường: Khó thở, các triệu chứng không thuyên giảm sau 3-4 ngày điều trị, đau bụng, nôn, sốt cao, ớn lạnh, đau ngực hoặc ho kèm theo chất nhầy đặc màu vàng xanh… cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Tiền sản giật, thai phụ sinh non ở tuần 30, bé sơ sinh chỉ nặng 800g
Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới đây đã mổ cấp cứu cho một sản phụ bị tiền sản giật nặng, đón bé sơ sinh chỉ nặng 800g ở gần tuần thai thứ 30.

DS. Hoàng Vân (Bệnh viện Trung ương Huế)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe bà bầu